Chém cán bộ, đánh Trưởng ban tiếp công dân Trung ương: 'Có kẻ phản động móc nối, kích động'

Chính trịThứ Sáu, 27/05/2016 12:00:00 +07:00

Bức xúc trong khiếu kiện tố cáo, người dân manh động mang theo dao chém cán bộ, chặn đánh cả Trưởng ban tiếp công dân Trung ương tại trụ sở.

(VTC News) – Bức xúc trong khiếu kiện tố cáo, người dân manh động mang theo dao chém cán bộ, chặn đánh cả Trưởng ban tiếp công dân Trung ương tại trụ sở.

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) bị một nhóm công dân tỉnh Bạc Liêu đi khiếu nại, tố cáo dài ngày bao vây, dọa nạt và hành hung gây thương tích ngay tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội) ngày 24 và 25/5.

Ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) người bị nhóm đối tượng quá khích hành hung hôm 24/5. (Ảnh Dân Trí)
Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) người bị nhóm đối tượng quá khích hành hung hôm 24/5. (Ảnh Dân Trí) 

PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Điệp về rõ hơn về nguyên nhân sâu xa đằng sau sự việc để thông tin đầy đủ nhất đến độc giả.

- Thưa ông, nguyên nhân do đâu dẫn tới việc ông bị nhóm người khiếu kiện hành hung?

Nhóm công dân tỉnh Bạc Liêu tới lưu trú tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương từ hơn 2 tháng nay và đã được bố trí tiếp nhiều lần. Các cơ quan có trách nhiệm đã giải quyết, chúng tôi cũng trực tiếp cùng với lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại với nhóm người dân đó tại địa phương.

Song, rất nhiều người dân còn chưa đồng ý nên họ tiếp tục đến trụ sở tiếp công dân trung ương để khiếu nại. Chúng tôi cũng đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh cùng chúng tôi tiếp tục đối thoại với họ.

Cũng phải nói thật công tác tuyên truyền vận động của các cấp, của địa phương chưa có hiệu quả. Mình giải quyết đúng rồi, tốt rồi nhưng phải tuyên truyền cho người dân để tạo sự đồng thuận. Để người dân thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thậm chí có những quyết định của tòa án không phải thuộc thẩm quyền của địa phương, của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng cũng nên giải thích cho người dân. Đồng thời, công tác tổ chức giải thích cho người dân rất kém, không hiệu quả.

Thứ hai, còn chẳng đến trụ sở (lãnh đạo địa phương) nữa thì người dân bức xúc cũng là lẽ đương nhiên.

Có thế lực thù địch, phản động đứng đằng sau

- Ông đánh giá thế nào về những việc làm hết sức manh động của nhóm người vừa rồi?

Những hành động của nhóm người dân như thế, vì lý do gì đi chăng nữa tôi phản đối, không thể chấp nhận được.

Còn các lý do khác như người dân ở các địa phương ra đây khiếu kiện dài ngày, bị các đối tượng bất mãn, phản động móc nối vào. Chúng tư vấn cho họ về pháp luật, phương pháp, cách thức, thậm chí cả về vật chất để cho người ta khiếu kiện dài ngày tại Hà Nội.

Tôi đánh giá tần suất vi phạm pháp luật tại trụ sở tiếp dân trung ương như thời gian qua có vấn đề.

Từ khi chém cán bộ của tôi, đấm 1 cán bộ ban nội chính trung ương và giờ đến tôi - Trưởng ban tiếp dân Trung ương bị chặn đánh - tần suất ngày càng gia tăng, manh động hơn.

Việc các đối tượng cơ hội chính trị luôn ở xung quanh trụ sở của tôi, chúng chỉ chờ người dân bức xúc rồi kích động, để quay phim chụp ảnh tung lên mạng xã hội nói xấu, chia rẽ nhân dân với nhà nước, kích động biểu tình.

Ví dụ như chúng lợi dụng tình hình để kích động người dân đi khiếu kiện, dù không liên quan đến môi trường nhưng lại biểu tình môi trường tại trụ sở.

 

Còn các lý do khác như người dân ở các địa phương ra đây khiếu kiện dài ngày, bị các đối tượng bất mãn, phản động móc nối vào. Chúng tư vấn cho họ về pháp luật, phương pháp, cách thức, thậm chí cả về vật chất để cho người ta khiếu kiện dài ngày tại Hà Nội.


 
-  Thời gian qua đã phát hiện, xử lý trường hợp nào chưa, thưa ông?


Cái đó cơ quan công an mới nắm được, chúng tôi chỉ được thông báo có những đối tượng như vậy. Và qua công tác nắm bắt tình hình, chúng tôi nhận định có những đối tượng phản động lợi dụng người dân thường trực ở quanh trụ sở.

Cán bộ bị dọa giết

- Sau sự việc ông bị hành hung, các nhóm đối tượng gây rối còn tụ tập tại cơ quan không?

Sau sự việc tôi bị chặn xe, hành hung hôm 24/5, nhóm đối tượng này vẫn tụ tập bên ngoài trụ sở tiếp tục chặn xe tôi và gây rối. Sự việc vừa qua, cơ quan công an can thiệp nhưng chỉ có thể ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính.

Ngày 25/5, các đối tượng tiếp tục chặn xe, đập cửa kính, lăng mạ, đe dọa cả cán bộ của tôi, thậm chí có cán bộ còn bị đe dọa giết.

- Thanh tra Chính phủ đã có biện pháp gì để bảo vệ cán bộ sau sự việc vừa qua?


Sau sự việc chúng tôi đã tiến hành họp khẩn và đưa ra 2 nhiệm vụ thực hiện:

1. Với công dân đến trụ sở có những hành động bức xúc thì bố trí tiếp kịp thời, tránh gây bức xúc. Có biểu hiện lạ thì báo ngay cho bảo vệ, công an, bình tĩnh xử lý tình huống. Đồng thời, phải kiểm tra hành lý họ mang theo như cặp xách, đơn từ. Tránh trường hợp họ mang theo vũ khí, khi họ quá khích thì trở tay không kịp.

2. Do cơ quan không có lực lượng vũ trang bảo vệ mà chỉ có bộ phận bảo vệ về mặt an ninh trật tự hành chính là chủ yếu nên sau hàng loạt sự việc, chúng tôi sẽ đề nghị lên Thanh tra Chính phủ để đệ trình lên Thủ tướng. Đồng thời đề nghị Bộ Công an, CA TP Hà Nội, CA TP.HCM… có biện pháp bảo vệ cho chúng tôi.

Sau sự việc của tôi, cán bộ các địa phương rất hoang mang. Họ điện cho tôi lo lắng: “Bác là trưởng ban tiếp dân trung ương mà còn bị như thế thì chúng em như thế nào?

Tôi vẫn nhắc cán bộ, nếu xảy ra sự việc, trước mắt phải tự bảo vệ mình trước. Bằng cách liên hệ với nhau, phối hợp với nhau, nói nôm na là gọi nhau để hỗ trợ, cầu cứu lẫn nhau khi xảy ra sự việc.

-  Theo ông, bức xúc của người dân có xuất phát từ thái độ, trách nhiệm của cán bộ trong công tác tiếp công dân không?


Từ trước nay, chúng tôi vẫn quán triệt thái độ phục vụ người dân phải nhiệt tình, mềm mỏng. Nhưng phải nói thật nhiều người dân đến đây có thái độ quá khích, đòi hỏi những yêu sách không đúng pháp luật, quá đáng.

Trụ sở tiếp dân Trung ương có phải nơi trực tiếp gây ra khó khăn, bức xúc cho họ đâu. Chúng tôi giải quyết bức xúc cho họ cơ mà.

Đối với bà con chúng tôi vẫn dùng hai từ “nhẫn nhục” để mà thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo giao cho.

Lỗi tại chính quyền, dân không ai tự nhiên mà vi phạm pháp luật

- Vậy theo ông, lý do khiến người dân bức xúc khiếu kiện kéo dài do đâu?


Tôi có thể khẳng định rằng, đa số người dân bức xúc lỗi đầu tiên nằm ở chính quyền địa phương. Một là giải quyết sai, giải quyết không đúng, không đủ.
 
Hai là giải quyết đúng đủ nhưng tuyên truyền không hiệu quả. Tất cả lỗi ở chính quyền từ cấp địa phương cả, chứ người dân làm gì có ai đi bức xúc mà vi phạm pháp luật làm gì để bị xử lý.

Phải kỷ luật lãnh đạo có thói vô cảm

- Công tác tiếp dân, tuyên truyền pháp luật có nhiều bất cập. Thanh tra Chính phủ đã có những biện pháp, kiến nghị gì để thay đổi tình trạng này?


Về việc này, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo, Thanh Tra chính phủ cũng đã chỉ đạo cụ thể bằng văn bản, nghị quyết. Cá nhân tôi chỉ cần các cấp chính quyền, cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm chỉnh nghị định 35 của Bộ Chính trị về nâng cao sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Chỉ thị 14 của TTCP, thực hiện nghiêm chỉnh việc tiếp công dân. Tiếp công dân phải là lãnh đạo, phải gắn với giải quyết và tuyên truyền pháp luật, thậm chí là tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cả cán bộ chứ không chỉ riêng người dân.

Phải công khai minh bạch thu hồi đất, các dự án phát triển kinh tế xã hội mà người dân có quyền lợi hoặc quyền lợi bị xâm phạm…

Phải chăm lo cuộc sống cho người dân bằng những chính sách an sinh xã hội để họ đảm bảo cuộc sống. Cái đó là quan trọng nhất.

Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan trong công tác tiếp công dân ở địa phương và quan trọng phải có xử lý. Thanh tra mà không xử lý thì thanh tra làm cái gì.

Phải xử lý người đứng đầu xem có đúng là tiếp công dân không? Lãnh đạo địa phương nào để công dân khiếu kiện dài ngày lâu ngày phải xem xét đánh giá lại năng lực lãnh đạo, phải kỷ luật, thuyên chuyển công tác.

Một số chính quyền còn ngại, sợ đụng chạm, đổ lỗi do hậu quả từ lịch sử để lại, sai sót do lớp lãnh đạo cũ… không muốn moi ra, vô cảm coi như không phải chuyện của mình. Vo tròn những thứ ấy lại, càng làm thêm bức xúc cho người dân.

Phải có sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác tuyên truyền cho dân hiểu. Chứ mỗi cơ quan nói một kiểu thì làm sao dân người ta nghe được.

Phải xử lý kịp thời, tăng cường đối thoại với người dân tại cơ sở với người dân. Nâng cao chất lượng giải quyết ban đầu. Nếu không người dân bức xúc là chuyện bình thường, chúng tôi là người gánh chịu hậu quả đó thôi, chứ chúng tôi không phải người gây ra chuyện này.

- Thưa ông, công tác thanh tra trách nhiệm và xử lý về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác tiếp dân tại các địa phương trong năm 2015 như thế nào?


Trong năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra, sai phạm thì rất nhiều nhưng chẳng xử lý được ai. Cứ nhắc nhắc nhở phê bình thôi. Tôi muốn, ngoài nhắc nhở phê bình theo luật rồi kiểm điểm sâu sắc thì phải có luân chuyển, đánh giá cán bộ cuối năm.

Thậm chí, với những địa phương khiếu kiện nhiều, kéo dài thì chính phủ phải xây dựng đề án để đảm bảo tình hình chính trị, giải quyết triệt để khiếu nại tố cáo của người dân để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Chả dân nào không có việc không có bức xúc mà đi kiện cả. Phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân có như thế thì mới hạn chế được khiếu kiện lên trung ương.

Sự việc vừa qua khiến tôi bị tâm lý, gây hoang mang cho cán bộ, tôi là thủ trưởng mà còn bị như thế thì cán bộ sẽ như thế nào?

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Báo cáo của Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, ngày 28/1/2016, bà Phạm Thị Thuận (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã bất ngờ rút dao giấu trong người chém cán bộ tiếp dân Trần Thị Thu Hiền đang làm nhiệm vụ hướng dẫn ở Phòng Đăng ký.


Đức Thuận

Bình luận
vtcnews.vn