"Chê" sinh viên dân lập là phân biệt đối xử

Giáo dụcThứ Bảy, 22/10/2011 10:18:00 +07:00

(VTC News)- Đó là quan điểm của GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội xung quanh quy định "chê" dân lập của Nam Định.

(VTC News)- Đó là quan điểm của GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội xung quanh quy định không cho sinh viên tốt nghiệp dân lập, tại chức tham gia xét tuyển công chức tại Nam Định trong thời gian vừa qua.


Nam Định trái luật

Trước dư luận hết sức mạnh mẽ xung quanh vụ việc Nam Định “chê” sinh viên dân lập, tại chức, GS. TSKH Đào Trọng Thi cho rằng: “UBND tỉnh với chức năng quản lý nhà nước mà ra một văn bản như vậy là không phù hợp, là trái với tinh thần của pháp luật"
 
Ông cho rằng Luật giáo dục thừa nhận sự tương đương và chính thống của văn bằng cả trường công lập và ngoài công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân. "Nếu bây giờ mình lại chỉ đạo các cơ quan tuyển dụng lao động như thế tức là có sự phân biệt đối xử. Bản thân sự phân biệt đối xử là đã vi phạm, bởi công dân có quyền, có cơ hội để tham gia vào việc tuyển dụng, còn chuyện được hay không thì phải xem xét cụ thể”, GS Thi nói.

GS.TSKH Đào Trọng Thi cho rằng Bộ GD&ĐT, Bộ Nội Vụ nên "thổi còi" quy định của Nam Định (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng việc xem xét cụ thể phải là do những người tuyển dụng chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo những cơ quan cụ thể, vì như vậy là hạn chế quyền công dân.

Bên cạnh đó, GS Đào Trọng Thi cũng chỉ ra chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để tăng thêm các nguồn đầu tư cho giáo dục, trong đó rất chú trọng phát triển hệ thống ngoài công lập. Cụ thể, theo chủ trương muốn 40% giáo dục đại học là các trường ngoài công lập đảm nhận mà giờ mới được 14 - 15%. “Ra một lệnh như Nam Định thì chẳng khác gì ngăn chặn xu hướng đó”. GS Đào Trọng Thi chia sẻ thẳng thắn.

Quan trọng hơn cả, GS Đào Trọng Thi cho rằng hiện này chưa có cơ sở gì để khẳng định các sinh viên tốt nghiệp ngoài công lập là kém. Trường ngoài công lập người ta vẫn có những sinh viên giỏi thậm chí là giỏi hơn sinh viên loại trung bình loại khá của trường công lập, thậm chí có cả những sinh viên giỏi nhất.

Trước đó, trao đổi với VTC News xung quanh quyết định gây tranh cãi của Nam Định, GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng: “Chính quyền địa phương coi thường các quy định của pháp luật (bất kỳ là Luật gì cũng vậy) đều là chuyện quá nguy hiểm. Làm lãnh đạo mà không thuộc các Luật thì cần có các chuyên gia giúp nhắc nhở trước khi quyết định bất kỳ chuyện gì khác thường”

2 Bộ phải “tuýt còi” Nam Định

GS Đào Trọng Thi cũng đề xuất: “Tôi nghĩ các cơ quan trách nhiệm của nhà nước cũng nên có giải pháp, trước hết là Bộ giaó dục đào tạo và Bộ Nội vụ là hai Bộ trực tiếp liên quan đến vấn đề này thì chưa thấy lên tiếng. Phải "thổi còi" ngay! Nếu không, các địa phương cứ tiếp tục áp dụng cách này thì các trường ngoài công lập sẽ rất khó khăn, mà lại là khó khăn không phải tại họ, không phải tại chất lượng kém.

Trên cương vị của đơn vị mình, GS Đào Trọng Thi cho rằng: “Uỷ ban chúng tôi chỉ giám sát việc thực thi pháp luật của Chính phủ và của các cơ quan của Chính phủ. Bởi vậy, chỉ khi nào hiện tượng này lan rộng phổ biến và rất có nguy cơ ảnh hưởng đến chính sách pháp luật của nhà nước thì UB sẽ đặt vấn đề giám sát, và cũng không phải là giám sát những đơn vị cụ thể. Đây là giám sát sự thực thi pháp luật của nhà nước. Hiện tượng lẻ tẻ như thế này hoàn toàn nằm trong tầm tay và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ”.

Các chuyên gia đều cho rằng không phải cứ dân lập đều là dốt và kém 

Phán đoán về xu hướng này liệu có lan sang các tỉnh khác, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay: “Trước ý kiến rộng rãi của công luận qua hai sự kiện này tôi tin rằng chẳng có lãnh đạo tỉnh nào lại dại dột bắt chước như vậy nữa đâu. Dư luận đã bất bình trước quyết định trước đây ở Đà Nẵng (hoặc quyết định chỉ chọn Tiến sĩ ở Hà Nội) vậy mà nay lại xuất hiện sự kiện này ở một tỉnh nổi tiếng hiếu học như Nam Định thì thật là chuyện rất đáng tiếc”.

Ngoài việc đề nghị tổ chức thi tuyến, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cũng cần nên có thời gian tập sự, thử việc: “Thi tuyển theo Luật định là hợp lý nhưng nên có thời gian tập sự, ai không đủ năng lực hay thiếu phẩm chất tốt thì cơ quan có thể đào thải theo quy định của Luật cán bộ, công chức”.

Đồng tính với nhiều ý kiến của các chuyên gia khác, GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay: “Tất cả các trường công lập và trường ngoài công lập đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và đều do Bộ GD&ĐT quản lý nhà nước về mặt chuyên môn".

Khi người học đã học xong 4 năm đại học và bằng tốt nghiệp do hiệu trưởng trường cấp theo quy định nhà nước thì nên được đối xử công bằng, đúng tính pháp chế của nhà nước ta. Bằng tốt nghiệp của công lập hay ngoài công lập đều do Nhà nước quyết định và người học đều tin tưởng vào quyết định đó. Còn việc tuyển dụng người như thế nào, tốt hơn, có chất lượng hơn thì tùy thuộc vào cách lựa chọn phỏng vấn của từng cơ quan chứ không nên dựa vào tiêu chí bằng cấp. GS Hạc cho biết thêm.

Trước đó, trả lời báo chí  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết hiện ông chưa nắm được thông tin về việc UBND tỉnh Nam Định "chê" cử nhân ngoài công lập và tại chức.Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết ông sẽ cho kiểm tra chuyện này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết ông mới nắm được thông tin này qua báo chí mà chưa có văn bản hay thông báo nào từ tỉnh Nam Định.

 


Bạn đọc nghĩ gì về cách làm của Nam Định trong việc xét tuyển công chức? Liệu quyết định này của Nam Định có bị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội Vụ "thổi còi"?  Ý kiến của bạn đọc xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.


Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn