Cháy cây xăng khủng khiếp ở Hà Nội: Vì sao 'chìm xuồng'?

Thời sựThứ Sáu, 27/09/2013 12:23:00 +07:00

(VTC News) – Vụ cháy cây xăng khủng khiếp ở Hà Nội hồi tháng 6 gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đang có dấu hiệu "chìm xuồng", vì sao?

(VTC News) – Vụ cháy cây xăng khủng khiếp ở số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) ngày 3/6 gây hậu quả nghiêm trọng, đang có dấu hiệu "chìm xuồng", vì sao?

Vụ cháy cây xăng tại số 2B Trần Hưng Đạo ngày 03/6 đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo sự nguy hiểm từ những quả 'bom xăng' giữa lòng Thủ đô. Cũng từ đây, vấn đề di dời các cây xăng ra ngoại vi thành phố càng được bàn thảo nhiều hơn.

Đáng chú ý, vụ việc cháy cây xăng vào thời điểm đó được coi là 'đặc biệt nghiêm trọng'. Tuy nhiên, ngày sau đó, các thông tin xung quanh vụ việc này, đặc biệt là việc quy trách nhiệm những người vi phạm, công tác xử lý cán bộ... ra sao gần như rất im ắng, nếu không muốn nói là đang cố tình cho qua.

Dư luận từng đặt câu hỏi: "Vì sao vụ một vụ việc nghiêm trọng như vậy lại dễ dàng được... cho qua?'

Câu hỏi này đã được chính ông Phạm Quang Nghị - Bí thư thành ủy Hà Nội giải đáp trong cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hai Bà Trưng mới đây.

Trước hàng chục cử tri, ông Nghị khẳng định: "Về vụ cháy cây xăng ở số 2 Trần Hưng Đạo, tôi thực sự muốn chỉ đạo là khởi tố người lái xe vì ông này vi phạm rất nghiêm trọng và là nguyên nhân chính gây ra vụ cháy đó. 

Theo quy định, không được tiếp xăng từ trước 9h tối tới 6h sáng ngày hôm sau. Tức là muốn tiếp xăng vào các bồn xăng này là phải tiếp vào ban đêm. Đằng này giữa trưa ông ấy đến bơm xăng. 

Thứ hai, cây xăng này đã hết giấy phép, không được bán, chỉ là cây xăng dự trữ của bộ đội biên phòng thôi. Tóm lại là vi phạm rất nghiêm trọng. Nhưng rồi cứ du di, dễ dãi, lại thấy các đồng chí ấy là lực lượng vũ trang... nên vụ việc chìm xuồng chứ đáng lẽ ra phải khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự của người này”. 
Như vậy, có thể thấy, chính việc 'du di, dễ dãi, nể nang lẫn nhau' giữa một số cơ quan công quyền đang biến các vụ vi phạm thành 'chuyện to thành nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có gì'.
Trước đó, trả lời câu hỏi của cử tri liên quan đến việc di dời cây xăng ra ngoại thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nói: “Có những cây xăng nằm ngay gần tầng 1 của khu tập thể. Khi gặp sự cố, những người ở tầng 3, tầng 4 biết làm thế nào?

Do vậy, kiên quyết phải di dời những cây xăng đó. Thay vì bán xăng, họ có thể chuyển sang bán rau chẳng hạn. Nhưng nếu di dời gần hết thì hơn 4,5 triệu xe máy ở thành phố phải ra ngoại thành mua xăng à? Đó là bài toán khó mà chúng tôi đang xem xét, nghiên cứu hướng giải quyết”.

Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (Ảnh: Minh Quân)
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (Ảnh: Minh Quân) 
Ngay sau đó, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị thẳng thắn nhận xét: “Về việc di dời các cây xăng, anh Sửu cũng đã nói kỹ rồi, nhưng tôi thấy kỹ mà vẫn chưa hết đâu.


Bởi những cây xăng ở nội thành, đặc biệt 4 quận nội thành cũ ngày xưa chỉ là nơi bán dầu hỏa thôi. Thời đó làm gì có nhiều ô tô, xe máy như bây giờ mà bán xăng? Chủ yếu là bán dầu hỏa. Dần dần mới chuyển sang bán xăng.

Giờ chúng quá sát nhà dân, nhưng đúng như anh Sửu vừa nói, mà báo chí cũng đề cập nhiều, nếu rời mấy trăm cây xăng trong nội thành ra ngoại thành cho an toàn, muốn mua xăng thì phải dắt xe hàng km từ nội thành ra ngoài mua à?

Cho nên tôi nghĩ phải cân nhắc, những chỗ nào quá bức xúc, quá nguy hiểm thì di dời còn những cây xăng khác phải có phương án thích nghi: tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia vào việc mua xăng cũng phải tăng lên. Muốn rời cây xăng đi cũng không phải dễ. Rồi người ta lại lên báo than là chúng tôi gây khó khăn cho người tiêu dùng, bắt họ phải ra chỗ nọ, chỗ kia mới mua được xăng. Khó vô cùng!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn