Chất lượng sữa xách tay: Hỏi trời mới biết?

Kinh tếThứ Năm, 19/08/2010 09:25:00 +07:00

Loại sữa này hiện vẫn được sẵn sàng cung cấp, đặc biệt trên thị trường online. Và chất lượng sữa đến đâu thì chỉ có… trời mới biết.

Sữa không được nhập khẩu bằng con đường chính thống, thường được gọi là "sữa xách tay" - một thứ hàng hóa phi thương mại và bị nghiêm cấm mua bán trên thị trường nội địa dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, loại sữa này hiện vẫn được sẵn sàng cung cấp, đặc biệt trên thị trường online. Và chất lượng sữa đến đâu thì chỉ có… trời mới biết.


Hỏi là có

 
Dạo quanh các cửa hàng sữa tại Hà Nội, chúng tôi như lạc vào một "mê hồn trận". Một điều nguời tiêu dùng dễ nhận thấy là sau một loạt các sự cố về sữa, đến nay hầu hết các mặt hàng sữa được nhập khẩu qua các công ty đã được Bộ Y tế kiểm soát chất lượng chặt hơn. Hầu hết sữa nhập khẩu đều đã được dán kèm theo một tờ giấy hướng dẫn sử dụng, thành phần bằng tiếng Việt, đặc biệt nhiều loại sữa còn được đảm bảo bằng một chiếc tem chứng nhận của Bộ Y tế treo lủng lẳng bên ngoài lon sữa hoặc được dán ngay trên vỏ hộp. Tuy nhiên, vẫn có sữa ngoài luồng (dân tình thường gọi là sữa xách tay).
 
Tại cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm, Hà Nội - một cửa hàng được xếp vào loại lớn nhất nhì trên con phố này, chúng tôi "hoa cả mắt" với các chủng loại sữa ở đây, từ sữa nội đến sữa ngoại đủ cả. Sau khi xem qua rất nhiều loại sữa bột của các công ty có tên tuổi như: Vinamilk, Dutch Lady, Nutifood, Mead Johnson, Abbott..., chúng tôi vờ tỏ vẻ như vẫn chưa ưng ý mua loại nào và hỏi một nhân viên bán hàng "Ở đây có bán sữa xách tay không chị?". Chị nhân viên liền trả lời: "Có, sữa S26", vừa nói chị vừa mang ngay ra một hộp sữa S26, bên ngoài ghi toàn tiếng Anh và không quên kèm theo lời quảng cáo: "Sữa xách tay từ Úc về đấy, xịn 100%!".

Có thể dễ dàng hỏi mua sữa xách tay tại bất kỳ cửa hàng kinh doanh sữa lớn nào trên thị trường. Ảnh minh họa 

 
Tình trạng tương tự lại diễn ra khi tôi tìm đến một cửa hàng sữa trên phố Bạch Mai, Hà Nội. Cả một ngôi nhà 4 tầng thấy bày đủ các loại sữa. Chúng tôi lại được một phen "hoa mắt", làm như để đỡ mất thời gian, tôi hỏi luôn một nhân viên bán hàng "ở đây có sữa xách tay không?". Ngay lập tức, nhân viên này trả lời liến thoắng: "Có, sữa S26. Nhưng sữa xách tay nên bọn em không chịu trách nhiệm về chất lượng đâu nhé, về sữa lỡ có vấn đề gì chúng em không đổi lại đâu đấy. Tốt nhất chị mua sữa ngoại nhập khẩu qua công ty cho an toàn".

Để tìm hiểu thêm, PV quay về lần tìm trên mạng, chỉ sau một cú kích chuột thì hàng loạt địa chỉ cung cấp sữa xách tay hiện ra. Chọn số điện thoại cố định 04 66XX 80XX và gọi, tôi được người ở đầu dây bên kia trả lời như một lời quảng cáo: "Ở đây, chúng tôi chuyên cung cấp các sản phẩm về sữa và dinh dưỡng cho mẹ và bé. Có đầy đủ các loại sữa cho các bà mẹ lựa chọn, từ sữa nhập khẩu như Abbott, Friso, Xo, Enfa, Anlene… đến các loại sữa xách tay của từ Nhật như: Meiji, Wakado, Morinaga hay S26… Chúng tôi còn giao hàng miễn phí đến tận nhà khách hàng". Tôi hỏi thêm về địa chỉ của cửa hàng được nhân viên cho biết ở số 48 ngõ 91 đường Trần Duy Hưng (Hà Nội).

Thị trường sữa online: Chưa cơ quan nào kiểm soát?


Việc các chủ hàng kinh doanh, buôn bán sữa lợi dụng sự đa dạng phong phú của các mặt hàng để trà trộn bán những loại "sữa ngoài luồng" vẫn là một thực tế. Đặc biệt, thị trường sữa online được giao dịch rất dễ dàng, gần như chưa có cơ quan nào kiểm soát.  

Thêm vào đó, người tiêu dùng vô tình hoặc do không có đủ thông tin nghiễm nhiên trở thành người tiếp tay cho hành vi buôn lậu khi sử dụng sữa xách tay. Tâm lý "sính ngoại" của nhiều bà mẹ, quan niệm cho rằng sữa xách tay mới đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng hơn sữa nội đã khiến cho những chủ buôn lậu tranh thủ kiếm lời.
 
Giá cả của các loại sữa xách tay cũng không hề rẻ hơn một số loại sữa được nhập khẩu qua con đường chính thống, còn so với sữa nội thì đắt “cắt cổ” hơn nhiều. Ví dụ một lon sữa Meiji dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi, khối lượng 900 gram được nhập khẩu qua công ty có giá hơn 300.000 đồng, trong khi sữa Meiji xách tay cùng loại được nhân viên quảng cáo “xịn” 100% thì có giá 549.000 đồng. Sữa S26 dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi loại xách tay cũng khá đắt với giá 399.000 đồng/1 lon 900 gram. Trong khi sữa Dielac dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi của công ty Vinamilk được Bộ Y tế kiểm định chất lượng cũng chỉ có giá hơn 100.000 đồng/1 lon 900 gram.
 
Khi mua sữa xách tay thì ngoài đảm bảo miệng của nhân viên bán hàng người tiêu dùng cũng chẳng được sự đảm bảo tin cậy về chất lượng nào khác. Người tiêu dùng nếu mua phải loại sữa ngoại ngoài luồng kém chất lượng thì cũng đành "ngậm ngùi" mà thôi.

Rõ ràng, chất lượng của các loại sữa xách tay đến đâu thì chỉ có… trời mới biết. Việc nhốn nháo các loại sữa xách tay trên thị trường đã khiến cho thị trường sữa nói chung bị xáo trộn, khiến người tiêu dùng chưa thật an tâm với mặt hàng này. Việc kiểm soát sữa trên thị trường thực, cũng như việc siết chặt hơn việc quảng cáo, bán hàng sữa trên mạng là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan quản lý vì đây là một kênh giao dịch ngày càng phổ biến trong thời đại bùng nổ internet. Rất nhiều người mua và người bán đến được với nhau qua kênh bán hàng này, nhưng chất lượng sữa được cung ứng vẫn bị bỏ ngỏ.  

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, 7 tháng năm 2010, Cục trực tiếp kiểm tra, hậu kiểm 19 đơn vị sản xuất kinh doanh sữa. Các mẫu sữa được lấy tại 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, phát hiện 26% cơ sở vi phạm về ghi nhãn sản phẩm, như nhãn ghi thêm các nội dung không có trong công bố tiêu chuẩn, ghi không đúng về thành phần cấu tạo hoặc không phù hợp với bản chất của sản phẩm.

Đáng lưu ý, có 6 trong tổng số 84 mẫu xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng vi chất với hàm lượng DHA, canxi thấp hơn công bố, hoặc có hàm lượng chì cao hơn mức công bố.



Theo VnMedia

Bình luận
vtcnews.vn