Chàng trai sở hữu 2 bằng thạc sỹ danh giá: 'Việt Nam là nơi khởi nghiệp lý tưởng'

Giáo dụcThứ Năm, 17/12/2015 11:06:00 +07:00

Sở hữu 2 bằng thạc sĩ các đại học danh giá nhất nước Pháp, Võ Xuân Hoài vẫn từ chối nhiều cơ hội làm việc ở các tập đoàn nước ngoài để về Việt Nam lập nghiệp

(VTC News) -  Sở hữu 2 bằng thạc sĩ của các đại học danh giá nhất nước Pháp, Võ Xuân Hoài vẫn từ chối nhiều cơ hội làm việc ở các tập đoàn nước ngoài để về Việt Nam lập nghiệp.

Thạc sỹ Võ Xuân Hoài, nguyên Tổng thư ký Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp đã chia sẻ câu chuyện của chính bản thân về quá trình học tập tại Pháp và tâm sự khi về Việt Nam khởi nghiệp.
Thạc sỹ Võ Xuân Hoài
Thạc sỹ Võ Xuân Hoài 

Khoảng thời gian sinh sống và học tập tại Pháp là những kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời của thạc sỹ Võ Xuân Hoài. Anh Hoài đã có cơ hội để học tập, được làm việc, được trải nghiệm, được thử thách, được giao lưu với các bạn bè tại Pháp và trên thế giới. Nhưng chàng trai trẻ này cũng khẳng định cuộc sống du học không chỉ toàn “màu hồng ”.

-Cuộc sống của anh khi học tập ở Pháp chắc hẳn không chỉ có “màu hồng”?

Tôi cũng giống như hầu hết các bạn đi du học. Tôi đã tham gia làm thêm tại các cơ sở sản xuất và dịch vụ tại Pháp dành cho sinh viên trong thời gian du học.

Việc làm thêm với tôi không phải quá nặng gánh cho việc trang trải chi phí học tập vì đã có một phần hỗ trợ của chương trình học bổng mà tôi giành được.

Việc đi làm thêm dù rất vất vả nhưng là rất cần thiết với tôi để tôi có thể “ lớn” lên, học hỏi, trải nghiệm được nhiều hơn, tôi thấy tự hào đã có một công việc làm thêm tại thủ đô Paris đô hội dù đó chỉ là công việc chân tay.

Tuy nhiên, trong thời gian ở Pháp tôi có tham gia phụ trách Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp nên việc đi làm thêm, tôi chỉ thực hiện được trong một năm đầu.

- Với hai bằng thạc sỹ tại Pháp, chắc hẳn anh có rất nhiều cơ hội làm việc tại Pháp?

Tôi rất may mắn khi được tốt nghiệp tại những cơ sở đào tạo hàng đầu nước Pháp. Tôi tốt nghiệp Thạc sỹ về Khoa học và Công nghệ tại Trường ENS de Cachan, là một trường “ Grande École ” thuộc hệ thống các trường lớn của Pháp và Thạc sỹ Tài chính – Kinh tế tại Đại học Paris 1 Pantheon – Sorbonne, trường Đại học tổng hợp nổi tiếng của Cộng hòa Pháp theo chương trình học bổng rất uy tín của liên minh Châu Âu, Erasmus Mundus, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo trẻ của các nước ngoài Châu Âu.

Với sự may mắn này, sau khi tốt nghiệp tôi cũng có những cơ hội nhất định về việc làm tại Pháp, như công tác tại các trường đại học hoặc các ngân hàng và công ty tài chính ...
Tuy có nhiều cơ hội làm việc tại Pháp nhưng thạc sỹ Võ Xuân Hoài vẫn về nước để lập nghiệp
Tuy có nhiều cơ hội làm việc tại Pháp nhưng thạc sỹ Võ Xuân Hoài vẫn về nước để lập nghiệp 

- Bỏ qua những điều kiện thuận lợi ở Pháp để về nước lập nghiệp có khiến anh phải cân nhắc không?

Thực ra việc về nước tôi đã lựa chọn ngay từ thời điểm chuẩn bị bước chân đến nước Pháp nên việc quyết định với tôi không quá khó khăn mặc dù tôi biết nhiều khó khăn đang đón chờ mình khi về nước.

- Khi đó, quyết định lựa chọn về Việt Nam lập nghiệp của anh có được gia đình, bạn bè ủng hộ?

Gia đình và bạn bè tôi thì chưa thực sự ủng hộ khi tôi quyết định về Việt Nam. Sau thời gian học tập tại Pháp, gia đình vẫn mong muốn tôi ở lại để tiếp tục làm việc để có một nguồn thu nhập tốt hơn và một cuộc sống ổn định hơn và sẽ “ sướng hơn “ khi về Việt Nam.

Tôi rất hiểu suy nghĩ này của gia đình nhưng việc trở về vẫn là quyết định cuối cùng của tôi.


Du học sinh Việt : Về hay ở? (Nguồn: VTV)

- Những ngành học của anh khi về Việt Nam có phù hợp hay không?

Chuyên ngành của tôi hoàn toàn phù hợp khi trở về Việt Nam. Tôi hoàn toàn có thể làm trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, giáo dục cũng như tài chính ...

Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì những ngành này có khá nhiều cơ hội bên cạnh sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các ứng cử viên được đào tạo trong và ngoài nước.
Khi còn ở Pháp, thạc sỹ Võ Xuân Hoài cùng các học sinh Việt tại Pháp tổ chức giao lưu với giáo sư Ngô Bảo Châu.
Khi còn ở Pháp, thạc sỹ Võ Xuân Hoài cùng các học sinh Việt tại Pháp tổ chức giao lưu với giáo sư Ngô Bảo Châu. 

- Anh từng tâm sự khi về Việt Nam sẽ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm, đầu tư cho chăn nuôi. Dự định đó bây giờ phát triển đến đâu rồi?

Tôi rất thích kinh doanh và khởi nghiệp, đây cũng là một trong những lý do thúc đẩy tôi về Việt Nam, một đất nước nhiều cơ hội để khởi nghiệp không chỉ cho người Việt Nam mà những người nước ngoài.

Thời điểm mới về, tôi cũng đã xây dựng các kế hoạch khá cụ thể để khởi nghiệp trong đó vấn đề thực phẩm sạch là điểm mà tôi và những người bạn rất quan tâm.
Dự án cũng đã được thực hiện ở quy mô nhỏ tuy nhiên chưa thành công vì rất nhiều yếu tố mà chúng tôi chưa đạt được cũng như thị trường Việt Nam còn nhiều điều kiện chưa thể đáp ứng.

Hiện nay, chúng tôi cùng một nhóm Việt kiều nữa vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư vào một dự án nông nghiệp.

Tôi hy vọng trong thời gian tới có đủ điều kiện khách và chủ quan để phát triển.


- Phải chăng, ở Việt Nam thời điểm hiện tại cũng không thiếu cơ hội cho những bạn du học sinh muốn về nước lập nghiệp?

Việt Nam đã ký kết tham gia 14 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, và đặc biệt mới đây nhất Hiệp định xuyên Thái Bình Dương đã được thông qua bởi các nước thành viên.

Với sự hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, đã tạo rất nhiều cơ hội khởi nghiệp, lập nghiệp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung cũng như các du học sinh nói riêng khi về nước.

Với lợi thế là một du học sinh và có những hiểu biết nhất định về cơ hội trong thời kỳ hội nhập, công việc của tôi chủ yếu hợp tác với nước phát triển về đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, xuất khẩu và hợp tác với các nước chậm phát triển hơn trong khối AEC về cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng .... 

Theo tôi, với những người có năng lực cơ hội để có một cuộc sống ổn định với điều kiện phúc lợi xã hội cao ở nước ngoài là không khó nhưng cơ hội để có thể bứt phá và phát triển sự nghiệp của riêng mình ở các nước phát triển là không hề dễ dàng.

Để làm được điều đó thì Việt Nam là một trong những điểm bắt đầu lý tưởng nhất.

- Có ý kiến cho rằng, nếu tốt nghiệp những ngành kinh tế, công nghệ thì du học sinh hoàn toàn có thể về Việt Nam để khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu theo đuổi con đường nghiên cứu, giảng dạy thì nên ở nước ngoài vì có môi trường thuận lợi và được đầu tư nhiều hơn. Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào?

Về cơ hội để khởi nghiệp với các ngành kinh tế và công nghệ ở Việt Nam với các du học sinh thì đã rõ, còn cơ hội  cho những người làm khoa học, tôi cũng một phần đồng tình với ý kiến của họ.

Tuy nhiên, với những người đã có kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tôi thấy rất nhiều cơ hội cho họ khi về nước.

Vì trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin ngày càng phổ biến, khi về nước họ hoàn toàn tiếp tục có nhiều cơ hội hợp tác với các đơn vị ngoài nước để nghiên cứu, đào tạo và đồng thời ở Việt Nam đang rất cần những con người như họ để hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo trong nước.

Và họ cũng chính là những cầu nối vững chắc để kết nối nền khoa học, giáo dục trong nước và quốc tế. Nên cơ hội phát triển sự nghiệp của họ là hoàn toàn có cơ sở.
Võ Xuân Hoài trong buổi nhận bằng Thạc sĩ tại ĐH Paris 1.
Võ Xuân Hoài trong buổi nhận bằng Thạc sĩ tại ĐH Paris 1. 

- Một bộ phận du học sinh lo ngại không về nước phải chăng là do thiếu thông tin về sự phát triển của đất nước?

Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, tôi nghĩ họ không thiếu thông tin về đất nước.

Tuy nhiên, thực tế nhiều du học sinh vẫn lo ngại việc về nước và họ thậm chí bám trụ lại nước ngoài để đi làm những việc không đúng chuyên môn hay các việc lao động phổ thông.

Từ thực tế của một số người bạn của tôi, những người có năng lực thực sự và luôn hướng về đất nước với một lý tưởng và trách nhiệm sống rõ ràng, khi họ về nước làm việc một thời gian họ lại phải tìm cơ hội ra nước ngoài tiếp tục công việc và tìm giải pháp khác để phát triển sự nghiệp.

Quả thực, tôi vẫn chưa thấy một cơ chế thực sự nghiêm túc về việc tuyển dụng và thu hút những người có trình độ sau khi học tập ở các nước phát triển về nước làm việc mà chúng ta đang để họ “ tự bơi “.

Không phải ai đi du học cũng giỏi hơn người học tập trong nước, nhưng rất nhiều trong số họ có năng lực thực sự và khát khao đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Tôi luôn tin tưởng thế hệ đi du học ở những nền giáo dục tiên tiến sẽ là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Họ sẽ là người mang luồng gió mới, kiến thức mới, tư duy mới và sự bền vững, sáng tạo vào sự phát triển của dân tộc.

- Có một thống kê thú vị cho thấy 12/13 quán quân Olympia không về nước. Thực tế này được lý giải như thế nào?

Mỗi người có một lựa chọn, nhưng với 12/13 quán quân Olympia không về nước tôi hoàn toàn ủng hộ họ.

Họ là những người có trình độ, sự hiểu biết khi đã có quyết định như vậy có nghĩa họ đã chọn ra con đường tốt nhất để phát triển bản thân có thể đóng góp cho nhân loại và nước nhà.

Với suy nghĩ của tôi, thì càng nhiều du học sinh có khả năng làm việc được ở nước ngoài thì càng mừng cho đất nước và việc về hay ở của họ cũng sẽ góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Bởi vì, là người Việt dù đi đâu, ở đâu rồi họ cũng sẽ hướng về với nơi mình được sinh thành, nên khi họ thành công ở nước ngoài thì giá trị đóng góp cho đất nước sẽ càng lớn hơn.

Tôi tin người Việt  sẽ trở về với đất Việt vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Võ Xuân Hoài cùng du học sinh Việt tổ chức quảng bá văn hóa Việt Nam
Võ Xuân Hoài cùng du học sinh Việt tổ chức quảng bá văn hóa Việt Nam 

- Là người có nhiều năm học tập, sinh sống ở nước ngoài, anh có lời khuyên gì cho các bạn du học sinh đang băn khoăn giữa việc về hay ở?

Việc về hay ở do tự bản thân mỗi người quyết định dựa vào năng lực và mục tiêu của mình.

Nếu ở lại mà làm được nhiều việc tốt cho bản thân cho nước sở tại và có thể góp phần cho sự phát triển chung của đất nước thì nên ở lại, còn về mà cũng chỉ để tìm cách phát triển kinh tế cho bản thân mà làm hại cho đất nước thì không nên về.

Một thực tế, trong giai đoạn hiện nay nơi có nhiều du học sinh Việt Nam theo học như: Anh, Pháp, Mỹ, Úc … thì cơ hội để cạnh tranh vị trí việc làm với người bản địa cũng không phải là dễ dàng nếu du học sinh không có sự vượt trội.

Vậy nên, những người nào thực sự đủ khả năng hãy ở lại còn không thì nên có kế hoạch về nước sớm để trải nghiệm những thách thức và hướng tới các cơ hội phát triển ở Việt Nam.

Du học sinh cũng không nên lý tưởng quá và kỳ vọng quá cơ hội khi trở về để rồi nản chí mất động lực. Vì họ cũng cần phải biết mình là ai và đã xứng đáng với những gì mình nghĩ sẽ được hưởng chưa?

- Nhà nước cần có những chính sách cụ thể như thế nào để Việt Nam thực sự là vùng “đất lành” để những chú “chim Việt” khắp năm châu có thể tự nguyện, hào hứng tìm về?

Nhà nước cần có một thống kê cụ thể nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài. Khi có nhu cầu cụ thể sẽ có những chính sách cụ thể thu hút và sử dụng họ.

Nếu lúc nào chúng ta cũng kêu gọi họ về nước mà không có quy hoạch bố trí hay hỗ trợ họ trong các công việc thì đó là một sự lãng phí cho chính họ và xã hội.

Lực lượng du học sinh là khối tài sản quý báu, là nguyên khí của quốc gia nên chúng ta cần có một chính sách mang tầm quốc gia dành riêng cho đối tượng này.

Thành tích của Thạc sỹ Võ Xuân Hoài

-    Học bổng Erasmus Mundus của Liên minh Châu Âu nhằm nâng cao năng lực lãnh đọa trẻ các nước ngoài Châu Âu.
-    Học bổng Đại sứ quán Pháp.
-    Nguyên Tổng thư ký Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp
-    Phó Chủ tịch Hội cựu sinh viên Việt Nam tại Pháp.
-    Sáng lập viên Mạng lưới các cựu du học sinh quốc tế - International Alumni Network (IAN)
-    Phó Tổng thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV)
-    Phụ trách Hợp tác quốc tế Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn