Chàng trai "Bóng bay"

Tổng hợpThứ Bảy, 04/12/2010 02:24:00 +07:00

Từ hai trái bóng bay màu xanh và cam dài, thon thon như quả mướp, sau những động tác vặn, xoắn thoăn thoắt cực kỳ "pờ rồ", Hưng đã tạo ra một bông hoa...

HTML clipboard

Từng là cựu "Amser" lớp Hóa 2, Vũ Tá Việt Hưng đã khiến người thân và bạn bè choáng khi quyết định thi khối D vào Khoa Tài chính, trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Và bây giờ họ còn ngạc hiên hơn khi anh chàng có trái tim với những sở thích không tuân theo bất cứ quy luật nào chuyển sang đam mê những trái… bóng bay!

Từ hai trái bóng bay màu xanh và cam dài, thon thon như quả mướp, sau những động tác vặn, xoắn thoăn thoắt cực kỳ "pờ rồ", Hưng đã tạo ra một bông hoa màu cam sáu cánh tặng bé gái đang tròn mắt ngạc nhiên nhìn cậu trong quán café. Tiếp sau đó là một loạt những hình thù khác: con sư tử, con thỏ, cái mũ, cái ô… lần lượt hiện ra từ đôi tay như múa của Hưng với nguyên liệu ban đầu là những trái bóng đầy màu sắc. Màn biểu diễn của cậu chẳng khác nào một "ảo thuật gia" khiến mọi người xung quanh phải thán phục, trầm trồ.


 
Chàng trai trẻ sinh năm 1992 giải thích đó là trò "Bóng bay nghệ thuật", tiếng anh nghĩa là "Balloon twisting" hoặc "Balloon Modelling", người chơi bóng được gọi là Twister: "Nói một cách dễ hiểu nhất thì nó là thổi bóng, xoắn và vặn, căn làm sao để tạo thành hình mà mình mong muốn. Có rất nhiều kĩ thuật twist từ đơn giản đến phức tạp như: pinch and twist, locking twist, fold twist, bean twist…". Hưng cho biết nguồn gốc của "Bóng bay nghệ thuật" hiện vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều tài liệu cho rằng nó bắt nguồn từ Mỹ với những màn biểu diễn của Herman Bonnert trong một hội nghị của các ảo thuật gia năm 1939. Một số nguồn tin khác cho rằng cha của đạo diễn Joseph Maar từng ba lần giành giải Emmy – Henry Maar mới là Twister đầu tiên. Tuy nhiên, dù nguồn gốc từ đâu chăng nữa thì trên thế giới bộ môn nghệ thuật này được phổ biến rộng và phát triển mạnh ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực Mỹ và châu Âu. Thậm chí ở một số nước còn tổ chức các khóa học về "Bóng bay nghệ thuật" và cấp chứng chỉ cho những học viên sau khi hoàn thành khóa học. Còn ở Việt Nam, "Balloon Modelling" vẫn khá mới mẻ, chưa có nhiều người biết đến và yêu thích. Bản thân Hưng cũng chỉ mới trở thành "tín đồ" của bộ môn này cách đây nửa năm và trong một hoàn cảnh rất… tình cờ.

 

Lần đầu tiên Hưng nhìn thấy những trái "bóng bay nghệ thuật" là vào năm lớp 10, khi cậu đi ngang qua một cửa hàng Lotteria mới khai trương. Nhìn những trái bóng được vặn xoắn thành nhiều hình thù con giống khác nhau cậu học sinh trường Ams đã ngay lập tức thấy thích thú. Tuy nhiên, lúc ấy Hưng chỉ tò mò không biết làm những trái bóng này như thế nào, có khó không chứ hoàn toàn không có ý định theo học hay đam mê nó một cách nghiêm túc. Bẵng đi một thời gian, khi thi tốt nghiệp cấp 3 xong, Hưng đi chợ đêm xả "xì trét" và thấy một nhóm các anh chị sinh viên đang đứng làm "Balloon" ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Tận mắt chứng kiến màn biểu diễn, Hưng đã bị cuốn hút và đến xin theo học. Một tuần hai buổi, các anh chị dạy cho Hưng những bước cơ bản: từ cách thổi bóng sao cho vừa, căn hơi sao cho chuẩn, vặn bóng như thế nào cho đúng… Một tháng sau, khi Hưng có thể làm những sản phẩm đơn giản đầu tiên như hình cái que, trái tim, chiếc nơ… thì lớp học giải tán. Vẫn thích thú với những hình thù ngộ nghĩnh từ trái bóng bay, Hưng mò mẫm lên mạng học theo các clip có sẵn và rồi đam mê lúc nào không biết.

 

Theo Hưng, để chơi "Balloon" hoàn toàn không khó, chỉ cần hơi khéo tay, kiên trì, đam mê và biết tự mình vượt qua nỗi sợ… bóng nổ. "Hồi mới làm mỗi lần bóng nổ em đều giật bắn mình. Lúc vặn nghe tiếng bóng cọ vào nhau rít rít cũng thấy ghê. Phải mất đến hai ngày mới vượt qua được cảm giác đó. Nhưng như các bạn khác thường chỉ mất một ngày thôi", vừa vặn quả bóng thành hình trái tim, chàng sinh viên năm nhất vừa hồn nhiên giải thích. Chơi bóng bay nghệ thuật khó nhất là căn hơi và nút vặn trên bóng. Khi bơm bóng hay vặn bóng đều phải căn bằng tay xem lượng hơi đủ chưa, không được quá căng cũng không quá mềm. Bao giờ bơm bóng cũng phải để thừa một đoạn ở phía đằng cuối sao cho vừa đủ. Khi xoắn, vặn bóng hơi sẽ dồn xuống đoạn cuối đó. Nếu căng quá bóng sẽ nổ, nhưng nếu mềm hình sẽ không được ưng ý, thường bị teo nhỏ ở phía đằng đuôi. Mỗi sản phẩm thường để được từ 3 đến 7 ngày. Thời tiết mát mẻ thường để được lâu hơn. Đặc biệt, đây không phải là "nghề" cho những người mắc bệnh… mồ hôi tay. Để có thể vặn, xoắn được bóng đòi hỏi tay người làm phải luôn trong trạng thái khô ráo.

Hưng cho tôi xem dụng cụ "tác nghiệp" của cậu. Rất đơn giản, chỉ gồm một túi bóng bay dài nhiều màu sắc và một chiếc bơm nhỏ. Chiếc bơm là sản phẩm Hưng tự chế bằng cách kết hợp bơm xe đạp với cái đầu bơm của bơm bóng tay bình thường. Cậu nhóc hào hứng khoe đã đặt hàng và đang chờ lấy được chiếc xilanh bơm bóng chuyên dụng. Khi đó hơi bơm bóng sẽ vừa vặn và chuẩn xác hơn. Còn bóng thì Hưng thường nhờ bạn nhập hàng về từ Thái Lan, giá mỗi quả từ 1000 đồng đến 1500 đồng tùy từng thời điểm. "Em không dám mua bóng Mĩ, xịn thật đấy nhưng đắt quá. Còn bóng Việt Nam thì mỏng và ít màu quá, lại chỉ có một size. Bóng Thái giá hợp lý, dày và đàn hồi tương đối tốt và có đến 3 size để kết hợp", chàng trai "bóng bay" chia sẻ.

 

Những ngày đầu tập luyện, bóng thi nhau nổ khiến ví tiền của Hưng lẹm đi khá nhiều. Để tiết kiệm, cậu nhóc sinh năm 1992 thường xem clip và học thuộc các bước làm. Đến khi khách yêu cầu là thực hành luôn. Bắt đầu thực hành với những hình thù đơn giản, sau ba tháng Hưng đã có thể biểu diễn điêu luyện cùng những quả bóng với rất nhiều hình thù khác nhau: con thỏ, cái mũ, bông hoa, chiếc bánh sinh nhật, con sư tử, chiếc ô… Những hình đơn giản Hưng chỉ mất khoảng từ 2 đến 5 phút cho một sản phẩm. Những hình phức tạp như bánh sinh nhật, chiếc ô… sẽ cần nhiều thời gian hơn. Càng ghép nhiều bóng thì thời gian hoàn thiện tác phẩm càng lâu hơn và đương nhiên cũng … tốn nhiều tiền hơn. Tác phẩm khiến cậu hao tổn "nhiên liệu" nhất từ khi học chơi bóng đến giờ là làm bánh sinh nhật, ngốn hết 15 quả bóng. "Em mới chỉ dám làm có 3 cái bánh sinh nhật thôi, vì … tốn tiền quá", cậu cười hồn nhiên.

Thỉnh thoảng, vào những tối chủ nhật, Hưng thường lên vườn hoa Lý Thái Tổ biểu diễn, vừa để thỏa mãn niềm đam mê, vừa để… hồi vốn, lấy tiền chơi bóng tiếp. Mỗi một quả bóng thổi lên giá 5 nghìn, sản phẩm nào càng nhiều bóng thì giá càng đắt hơn. Thông thường, Hưng bán chạy nhất những hình máy bay, vịt Donal, con thỏ, bông hoa… giá khoảng từ 10 nghìn tới 15 nghìn. "Em vẫn phải đi học, không có nhiều thời gian bán bóng nhiều, thu nhập chỉ đủ tiền để mua bóng thôi. Chủ yếu em theo đuổi bộ môn này là vì đam mê. Khi nhìn thấy một hình nào đó trên clip, em làm theo và làm được thì cảm giác vô cùng sung sướng. Thi thoảng, có thể tự mình làm ra những sản phẩm ngộ nghĩnh để tặng bạn bè, người thân và các em nhỏ thì cũng vui lắm chị ạ", cậu thổ lộ. Hưng cho biết cậu cũng đang ấp ủ một kế hoạch kinh doanh với bộ môn "bóng bay nghệ thuật" trong tương lai. Hiện cậu cũng có kha khá những đơn đặt hàng làm bóng cho các buổi sinh nhật hay party. Số lượng đơn đặt hàng cũng ngày một nhiều lên.

 

Không phải là người chơi "bóng bay nghệ thuật" đầu tiên ở Việt Nam nhưng tới thời điểm này Hưng được xem là người gắn bó với bộ môn ngộ nghĩnh đầy màu sắc này lâu nhất. Cậu sinh viên năm thứ nhất vẫn đang hi vọng sẽ phổ biến được bộ môn này rộng rãi hơn tới giới trẻ. Hiện tại, Hưng đang chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết "nghề" của mình với hai người bạn khác. Cậu cũng đã liên lạc được với một số người đã từng chơi "bóng bay nghệ thuật" trước kia ở Việt Nam. Hưng hi vọng có thể thành lập được một câu lạc bộ để cùng chia sẻ sở thích, đam mê cũng như những kỹ thuật của "Balloon twist".

Mạnh Tiến


Bình luận
vtcnews.vn