Chàng thợ mộc 16 vợ “mang cái khùng điên giúp đời”

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 06/04/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - 16 người đàn bà mê gì ở một kẻ tàn tật, mắc đủ thứ bệnh trong người, lại nghèo rách nghèo nát, nghèo nhất thế gian như lời thi sĩ?

(VTC News) - 16 người đàn bà mê gì ở một kẻ tàn tật, mắc đủ thứ bệnh trong người, lại nghèo rách nghèo nát, nghèo nhất thế gian như lời thi sĩ?


Tuần sau, cuối giờ chiều, tôi lại tìm đến làng Khoan Tế (Đa Tốn, Gia Lâm). Lần này thì thấy chiếc xe máy Trung Quốc không biển dựng ở cổng.

Cổng nhà thi sĩ Đăng Hành cũng lạ, cao đến đầu gối và không khóa. Tôi chợt sững người trước hai dòng chữ trên tường loang lổ: “Hữu duyên tình nghĩa thì vào/ Lý - Bá – Hán – Sở chào chào, cút ngay!”.

 

Hai người đàn bà đứng tuổi, người nhặt rau, người thái thịt, lúi húi nấu nướng trong cái bếp nhỏ xíu sau nhà. Riêng thi sĩ Đăng Hành ngồi khoanh tròn trong màn… làm thơ.

Có khách đến, nhất là giới văn chương chữ nghĩa, thi sĩ Đăng Hành đều vồn vã. Không một chút cảnh giác, chẳng sợ ai lừa, thi sĩ cứ hồn nhiên xả hết tâm tư, suy nghĩ của mình. Cái bản tính vồn vã, dễ gần, thật lòng, chất phác lại không kém phần lãng mạn, hư thực ấy là thứ mật ngọt hạ gục đàn bà?

Tôi hỏi thi sĩ Đăng Hành một câu, mà có lẽ, ai gặp anh cũng hỏi: “Anh có bí quyết gì mà chị em chết như ngả rạ thế?”. Đăng Hành bảo: “Nếu tớ bảo tớ là người tàn tật, cậu có tin không?”. Nói rồi, Đăng Hành chui vào trong màn, lục trong chiếc túi nhỏ, mà anh vẫn thường đeo vắt ngang vai khi “bầu trời trái đất rong chơi”, để tìm một tấm thẻ đi xe buýt… miễn phí. Không là người tàn tật, thì sao người ta cấp cho chiếc thẻ đó?

Tài sản của thi sĩ Đăng Hành chỉ là những chiếc cưa han gỉ kỷ niệm đời thợ mộc... 
Những chai rượu la liệt khắp nhà. 

Rồi Đăng Hành phanh áo, khoe bộ ngực nõn nà, mà săn chắc bảo tôi: “Cậu có tin không? Tớ mắc đủ các thứ bệnh tim, gan, phèo phổi, dạ dày… Riêng tiểu đường tớ bị nặng nhất”. Nói rồi, thi sĩ lại lục đống giấy tờ ngổn ngang tìm cho tôi xem kết quả xét nghiệm đường huyết đã… rất nặng.

“Từ nhiều năm trước, bác sĩ bảo tớ sắp chết, chỉ sống được vài năm nữa là cùng. Mỗi lần bác sĩ bảo thế, tớ lại về chụp một kiểu ảnh chân dung, để lên bàn thờ, sau này con đàn cháu đống có thứ mà đóng vào khung đem thờ. Thế nhưng, tớ vẫn sống nhăn răng ra đấy. Chắc thần chết chưa muốn nhập khẩu cho kẻ điên xuống địa ngục” – thi sĩ Đăng Hành miệng nói, tay vạch những chai rượu, những bình rượu thuốc trải kín mặt tủ, để tôi trông thấy cả chục tấm hình chân dung phóng to tướng anh dựng trên mặt tủ. Cả chục tấm hình chân dung, chả có cái nào giống nhau cả. Cái thì tóc dài thẳng mượt, cái thì tóc xoăn tít, cái đội mũ trông rất phong tình, nhưng lại có cái anh cạo đầu trọc lốc. Anh giải thích tấm ảnh cạo đầu trọc lốc ấy, rằng anh thích sự mới lạ, không thích lặp lại: “Cả chục tấm ảnh, mà cái nào cũng giống nhau thì chụp làm gì”.

Bác sĩ bảo Đăng Hành chỉ sống được vài năm nữa, thế là anh cạo trọc đầu chụp ảnh chân dung. 

Rồi anh chỉ tay ra mảnh đất trước nhà, chỉ toàn cỏ dại, vài cây tre già. Có 2 cây ổi to tướng, cao vọt qua mái nhà, nhưng không bẻ cành, tỉa lá, nên chả ra hoa, chả đậu quả. Nhìn khắp nhà thi sĩ, thì cũng không thấy có gì quý giá, ngoài một lô một lốc cưa, đục treo lủng lẳng trên tường, trên mái nhà, vài chiếc lốp xe cũ treo trên xà nhà, chai rượu la liệt khắp nơi, sách báo chất thành đống và đặc biệt là mấy chục chiếc mũ. Thi sĩ Đăng Hành có thú vui sưu tầm mũ mão.

Vậy, 16 người đàn bà mê gì ở một kẻ tàn tật, mắc đủ thứ bệnh trong người, lại nghèo rách nghèo nát, nghèo nhất thế gian như lời thi sĩ?

Góc thơ của thi sĩ Đăng Hành. 

“Bảo tớ tham lam lấy 16 vợ cũng được, mà bảo tớ đi giải quyết khó khăn cho xã hội cũng được. Tớ cũng từng là một thằng lính, cũng từng ra sống vào chết. Tớ rất hiểu những nữ đồng đội, những thanh niên xung phong, họ cũng ra sống vào chết, lấy thân mình để cứu đồng đội. Nhưng khi hòa bình, các đồng đội nam thành đảng viên, thành quan chức, lấy vợ trẻ, đẻ con ngoan. Những đồng đội nữ, những thanh niên xung phong, những người đàn bà rụng tóc, lỡ thì, xấu xí, bệnh tật, không có trình độ… thì ai rước? Rồi về già, họ sẽ hoang tưởng, họ sẽ thần kinh, họ bị thoái hóa, họ thành những kẻ không người nương tựa, và sẽ thành gánh nặng cho xã hội. Các ông đồng đội nam có dám hy sinh không, hay chỉ khư khư bảo vệ cho gia đình nhà ông? Tôi giang tay ra, tôi bảo vệ em? Em chỉ ước mơ có một đứa con và tôi giúp được. Tôi là một thằng đàn ông, với tôi, điều đó quá dễ dàng. Đến với tôi, em có tình dục, có con, có một tương lai để hy vọng”. Nguyễn Đăng Hành lên đồng với tư tưởng mà chỉ có những “thi sĩ gàn” như anh, chả sợ đếch gì giáo lý nho nhe cuộc đời, mới dám nói, mới dám bộc lộ. Người ta có thể nghĩ, đó là sự ngụy biện, song ở một góc độ khác, có thể đó là một tư tưởng đầy nhân văn.

Điều gì khiến đàn bà chết mê chết mệt lão thi sĩ tự nhận mình vừa gàn, và điên này? 

Tôi hỏi rằng, chắc anh thừa biết lấy 16 bà vợ như thế, thì rõ là anh đã vi phạm quy định hôn nhân một vợ một chồng? Thi sĩ Đăng Hành tuyên bố: “Tớ đang muốn được ra tòa, để tớ nói với mấy bà quan tòa, mấy ông thẩm phán rằng, tôi đã phạm tội, tội của tôi là làm cho mười mấy người đàn bà hạnh phúc, sung sướng…”. Anh lại lý sự thêm, một nữ chính khách nổi tiếng của nước ta đã nói, mỗi người đàn bà đều có quyền có con, nhưng không được phép phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Đăng Hành hỏi: “Nhà nước ta công nhận con ngoài giá thú, cũng xót xa cho những người đàn bà nhỡ nhàng, vậy tớ đang làm cái việc giúp đỡ những người nhỡ nhàng, vậy là tớ làm đúng đấy chứ? Còn ai bảo tớ vi phạm, thì tớ xin khẳng định rằng, cho đến lúc này, tớ đây vẫn là một thằng trai tân, một thằng chưa vợ, bởi vì tớ chưa một lần đăng ký kết hôn (Bắc Hồng có Nguyễn Đăng Hành/ Vợ thì chưa có nhân tình vài xâu – Bài Tự Bạch). Đến cái xe máy của tớ, mua từ năm 2001, tớ cũng có đăng ký đâu. Tớ không thích sự ràng buộc mang tính hình thức, kể cái cái xe máy. Nhưng, có một thứ giấy tờ ràng buộc, tớ không bao giờ chối, tớ sẵn sàng làm, đó là dắt những đứa con, 24 đứa con đi đăng ký khai sinh, mang họ Nguyễn gốc làng Khoan Tế của tớ”.

Với người đàn bà nào, Đăng Hành cũng làm lễ cưới đàng hoàng, cốt để các bà, các chị đỡ tủi thân. 
Thi sĩ Đăng Hành và người vợ thứ 15.  

Có một điều lạ, dù không đăng ký kết hôn với bà nào, nhưng 16 bà vợ trước khi về ở với thi sĩ Đăng Hành, anh đều làm đúng thủ tục, cũng đón rước đàng hoàng, cũng cỗ đầy mấy chục mâm ra mắt họ hàng, chả khác bất cứ một đám cưới nào. Duy chỉ có một điều, theo nguyên tắc bất di bất dịch, là anh chỉ động phòng hoa chúc vào ngày thứ… 3 sau lễ kết hôn.

Thi sĩ Nguyễn Đăng Hành bảo rằng, số anh là số giời đày, phải đi làm công việc giải quyết hậu quả buồn của xã hội. Tất cả những người đàn bà bệnh tật nặng nhất, già nua nhất, xấu xí nhất, không kẻ nào đoái hoài đến, anh sẵn sàng giang tay giúp đỡ. Bà nào chỉ cần có đứa con rồi mất hút, anh cũng quên luôn (số này nhiều lắm, anh không thống kê vào số con chính thức 24 đứa của mình), bà nào muốn có được tấm chồng, không muốn mang tiếng chửa hoang, anh cũng giúp với sự nhiệt tình, vô tư, không tính toán. Từ người đàn bà bị thằng Sở Khanh quất ngựa truy phong sau khi no xôi chán chè ở Hưng Yên, định cạo đầu đi tu, cũng được Đăng Hành nâng đỡ, giúp có thằng cu, đến người đàn bà bị thằng đểu lừa hết đất cát, nhà cửa, tiền tình ở Hải Dương, định nhảy sông tự vẫn, cũng được thi sĩ Đăng Hành giúp lấy lại niềm tin vào cuộc sống bằng 2 đứa con đẹp đẽ.

Đăng Hành tự nhận anh là kẻ điên, thằng khùng như người đời gán cho, nhưng tôi tin rằng, cái khùng điên của anh lại giúp cuộc đời này vơi đi bao nỗi chua xót:

“Đâu vì mây gió nguyệt hoa
Xót đời cám cảnh nên ta giúp đời
Là cây phải nảy búp chồi
Nụ hoa phải đáng một đời nụ hoa
Là con thì phải có cha
Là gái hợp cẩn giao hòa âm dương

Sao đời bất hạnh vô duyên
Bao cây không rễ bao thuyền bơ vơ
Hương hoa phai phảng ngẩn ngơ
Ai dòm, ai ngó, ai tơ, ai tình
Tủi buồn hoa vẫn trắng trinh
Hận đời, hận kiếp, hận mình hận duyên
Ta đây dẫu chẳng thánh hiền
Cũng liều mang cái khùng điên giúp đời”
                                            (Giúp đời – Nguyễn Đăng Hành)

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn