Chân dung 'người đóng thế' Tổng giám đốc ACB

Kinh tếThứ Năm, 23/08/2012 07:10:00 +07:00

(VTC News) - Giới kinh doanh lại xuất hiện thêm một Tổng giám đốc “đóng thế” - ông Đỗ Minh Toàn, CEO tạm quyền của ACB. Khả năng của ông đang là dấu hỏi lớn.

(VTC News) - Giới kinh doanh lại xuất hiện thêm một Tổng giám đốc “đóng thế”. Đó là ông Đỗ Minh Toàn, CEO tạm quyền của ACB. Nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi về khả năng của vị lãnh đạo này.

Mười năm lên sếp bự

Là người Phú Yên, sinh năm 1971, ông Đỗ Minh Toàn bỗng dưng “nổi tiếng” khi tạm đảm nhận chức vị Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu ACB thay ông Lý Xuân Hải. Hiện ông Toàn đang nắm giữ 58.632 cổ phiếu ACB, tương đương 1,3 tỷ đồng. Và dư luận đang đặt ra câu hỏi về khả năng của vị lãnh đạo này.

Nếu bà Chu Thị Thanh Hà mất 10 năm để đi từ một nhân viên lên chức sếp bự - Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT - thì ông Đỗ Minh Toàn cũng phải mất từng đó thời gian mới đạt được ghế Phó tổng giám đốc thường trực của Ngân hàng Á Châu (ACB).

Điểm chung của hai nhân vật tài năng này chính là bất ngờ được “đề bạt” tạm giữ chức Tổng giám đốc trong tháng 8/2012. Bà Hà tạm thay ông Trương Đình Anh đang nghỉ phép. Ông Toàn tạm thay ông Lý Xuân Hải “đi vắng” để phục vụ công tác điều tra bầu Kiên.

Ông Đỗ Minh Toàn - Người tạm thay ông Hải - Tổng giám đốc ACB trong khi ông Hải vắng mặt phục vụ điều tra vụ bầu Kiên. 

Không chỉ phấn đấu trong 10 năm tính từ thời điểm đi làm, ông Toàn đã phải “vượt qua chính mình” ngay khi còn ngồi trên ghế đại học.

Năm 1989, ông Toàn trúng tuyển với điểm số khá cao vào hai trường đại học lớn ở TP.HCM là Kinh tế và Ngân hàng. Sau nhiều đắn đo, ông đã chọn ngân hàng mà không biết rằng ngành ngân hàng sẽ gắn bó lâu dài với ông đến thế.

Tuy nhiên, con đường học hành của ông cũng lắm chông gai. Dù điểm đầu vào rất cao nhưng kết thúc năm học đầu tiên, ông Toàn rơi từ vị trí top 3 khi mới vào trường xuống top cuối. Nguyên nhân được ông giải thích đó chính là ông học khối A nên chưa bắt nhịp được với các môn xã hội.

Nhưng vốn là người có tài, có trí, ông sớm chấn chỉnh bản thân. Và kết quả mà ông Toàn đạt được chính là Top 5 khi ra trường và một suất học bổng “Vì ngày mai phát triển” do Ngân hàng ING của Hà Lan trao tặng. Ông dành 2 năm làm việc cho ING.

>> Xem thêm toàn cảnh Bầu Kiên - "Đại gia đầu bạc" bị bắt

Bước ngoặt đã đến vào năm 1995 khi ông Toàn gia nhập ACB với chức danh nhân viên Phòng Đầu tư. Ban đầu ông nghĩ ông chỉ làm vài ba năm rồi đi nhưng môi trường làm việc và công tác đào tạo ở ACB đã cho ông một niềm tin và mọi thứ tiến triển theo chiều hướng tốt hơn.

 

Cần phải coi nhược điểm của các ngân hàng thương mại nhà nước là bài học kinh nghiệm cho ngân hàng mình.
Phó tổng giám đốc thường trực ACB Đỗ Minh Toàn
Từ một nhân viên, anh được đề bạt vào vị trí Phó phòng, Trưởng phòng, Giám đốc Chi nhánh rồi Phó tổng giám đốc, nhờ vào nỗ lực của chính bản thân và “lực đẩy” từ phía lãnh đạo.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công, ông Toàn nói: “Tôi luôn cố gắng làm tốt công việc được giao dù là những việc nhỏ nhất và điều đó đã cho tôi niềm tin là tôi cũng sẽ làm tốt những việc lớn hơn”.

Có vượt qua được thử thách?

Bà Chu Thị Thanh Hà “nhậm chức” trong bối cảnh FPT vẫn kinh doanh hiệu quả dù không đạt chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, kết quả đó vẫn được đánh giá là khả quan.

Trong khi đó, ông Toàn “nhậm chức” trong tình cảnh khó khăn hơn nhiều. Bầu Kiên, người được dư luận “mặc định” coi là “ông lớn” của ACB vừa bị bắt. Việc ông Kiên bị bắt ít nhiều tạo nên áp lực cho ACB. Mà áp lực đầu tiên chính là việc không ít người dân vội vàng rút tiền khỏi ngân hàng này.

Chính vì vậy, người ta cũng có lý do để lo lắng cho ông Toàn. Câu hỏi đặt ra là liệu vị Tổng giám đốc tạm quyền có thể thay thế vị Tổng giám đốc “đi vắng” Lý Xuân Hải chèo lái ACB vượt khó hay không?

Câu trả lời là có thể có, có thể không nhưng người ta hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vào ông Toàn.

Trong suốt thời gian làm việc, không chỉ học hỏi qua thực tế công việc, ông Toàn còn chịu khó đến lớp để bổ sung kiến thức từ sách vở. Trong 10 năm làm việc ở ACB, ông đã có thêm hai bằng cử nhân về kinh tế và luật, sau đó là bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Columbia Southern.

Ngoài bộ sưu tập bằng cấp, ông Toàn còn chứng minh được năng lực trong tư duy làm việc.

Là người phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, ông Toàn cảm thấy tâm đắc khi đã làm được hai việc: một là xây dựng tính hệ thống và sự chuyên nghiệp trong các hoạt động của ngân hàng; hai là xây dựng quy trình quản lý chặt chẽ, quy trình nghiệp vụ rõ ràng và đào tạo thêm nguồn nhân lực chủ chốt cho ngân hàng.

Ngoài bộ sưu tập bằng cấp, ông Toàn còn chứng minh được năng lực trong tư duy làm việc. 
Ông Toàn quan niệm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, đôi khi có cả cạnh tranh không lành mạnh, trong lĩnh vực ngân hàng như hiện nay, có ngân hàng cần phải có bộ máy biết phản ứng nhanh và thích ứng tốt với môi trường kinh doanh.

“Cần phải coi nhược điểm của các ngân hàng thương mại nhà nước là bài học kinh nghiệm cho ngân hàng mình”, ông Toàn bộc bạch.

Chính vì vậy mà trong quản lý, quan niệm “sống lâu lên lão làng” bị anh xem là vật cản cần phải loại bỏ và hình thức luân chuyển công việc được khuyến khích.

Ông Toàn cho rằng: “Bạn phải làm đủ lâu nhưng không quá lâu để mắc sai lầm và có đủ thời gian để tự sửa sai”.

Kết quả là năm 2007, ông Đỗ Minh Toàn đã được nhận danh hiệu “Nhà lãnh đạo trẻ triển vọng của Việt Nam năm 2007” do tạp chí The Asian Banker trao tặng.

Đánh giá về giải thưởng này, ông Toàn cho biết: “Thực sự, có giải thưởng hay không thì mình vẫn làm việc như vậy, nhưng mình được, tức là ngân hàng được. Có chăng, về mặt cá nhân, giải thưởng này giúp cho xã hội nhìn nhận mình tốt hơn”.

“Chân dung” ông Toàn khiến người ta tin rằng ACB có lý do khi đặt ông lên “ghế nóng”. Trong khi đó, ACB đưa ra lý giải rất đơn giản. Ông Nguyễn Thanh Toại, “phát ngôn viên” của ACB giải thích việc ACB cử ông Đỗ Minh Toàn lên điều hành tạm thời khi Tổng giám đốc vắng mặt là do quy định khi ông Toàn đảm nhiệm cương vị Phó tổng giám đốc thường trực của ACB.

Ông Toại còn cho biết thêm không riêng lần này, từ trước tới nay, mỗi khi Tổng giám đốc Lý Xuân Hải đi vắng, việc điều hành hoạt động đều được giao cho Phó tổng giám đốc thường trực Đỗ Minh Toàn.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn