Chân dung chủ nhân giải Nobel Văn học 2010

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 08/10/2010 09:59:00 +07:00

(VTC News) - Mario Vargas Llosa là cha đẻ của hơn 30 tiểu thuyết. Ông được đánh giá là xuất sắc nhất trong số những tác giả sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha.

(VTC News) - Mario Vargas Llosa, nhà văn lão thành người Peru đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn học 2010, là cha đẻ của hơn 30 cuốn tiểu thuyết. Ông được đánh giá là xuất sắc nhất trong số những tác giả sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha.


Khi cái tên Mario Vargas Llosa được xướng lên tại Stockholm trong buổi chiều 7/10, nhiều người cho rằng đó là cách để Ủy ban bầu chọn giải thưởng tránh sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế cho là họ thiên vị các nhà văn châu Âu (5/6 nhà văn đoạt giải trong 6 năm gần đây là người châu Âu, người còn lại quốc tịch Thổ Nhỹ Kì). Song, Mario Vargas Llosa, một nhà văn mang dòng máu châu Mỹ Latin hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh với giải Nobel Văn học, giải thưởng danh giá nhất mà một nhà văn có thể nhận được.

Mario Vargas Llosa (phải) chia vui cùng cựu Tổng thống Peru Alejandro Toledo sau khi biết mình trở thành chủ nhân giải Nobel Văn học.

Có rất nhiều điều để nhận xét về Vargas Llosa. Một mặt, đó là một nhà văn thiên tài, được đánh giá là xuất sắc nhất trong số những tác giả sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha, là cha đẻ của hơn 30 cuốn tiểu thuyết, trong đó có những cuốn cực kỳ nổi tiếng: “Thời đại anh hùng” (hay còn gọi là “Thành phố và những con chó”), “Ngôi nhà xanh”, “Buổi nói chuyện ở nhà thờ”,… Ông nổi tiếng với nhiều thể loại khác nhau như báo chí, tiểu thuyết lịch sử, kịch mang nội dung chính trị, và trở thành một nhà phê bình xuất sắc; người được trao giải Cervantes - giải thưởng danh giá nhất cho một nhà văn sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha vào năm 1995. Một mặt, đó là một chính khách từng tranh cử Tổng thống Peru vào năm 1990 (thất bại trước Alberto Fujimori) để rồi 3 năm sau trở thành công dân Tây Ban Nha và gia nhập Viện hàn lâm quốc gia Nam Âu này trong giai đoạn 1994 - 1996; là người ủng hộ nhiệt thành cuộc cách mạng Cuba do Fidel Castro lãnh đạo để rồi sau đó quay lưng lại với nó…

Vargas Llosa nhận giải Don Quijote de la Mancha từ nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos năm 2009.
Giống như nhiều nhà văn mang trong mình dòng máu Mỹ Latin, Vargas Llosa rất ưa thích chủ đề chính trị. Chính trị trở thành đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của nhà văn 74 tuổi này. Cuốn sách “Thời đại anh hùng” đúc kết từ những năm tháng theo học tại Học viện quân sự Leoncio Prado của Llosa từng nổi danh suốt những năm 1960, song lại gây rất nhiều tranh cãi. Tại Peru, hàng nghìn bản in đã bị đốt bởi màu sắc chính trị chứa đựng trong đó.

Llosa sinh ngày 28/3/1936 tại Arequipa, Arequipa, Peru trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Ông là con duy nhất của ông Ernesto Vargas Maldonado và bà Dora Llosa Ureta. Vài tháng sau khi Llosa chào đời, cha mẹ ông ly hôn và không lâu sau đó, cha ông công khai chuyện tình ái với một phụ nữ người Đức. Kết quả của mối quan hệ này là Llosa có thêm 2 đứa em cùng cha khác mẹ: Enrique và Ernesto Vargas. Mario Vargas Llosa được gửi tới Bolivia cho ông bà ngoại nuôi trong một trang trại trồng bông. Suốt những năm tháng tuổi thơ, Vargas Llosa luôn được dạy rằng cha mình đã mất, bởi mẹ và ông bà ngoại không muốn cho ông biết về cuộc ly hôn của cha mẹ mình.

Mario Vargas Llosa tại cuộc triển lãm “Mario Vargas Llosa - Độc lập và cuộc đời” tổ chức tại Ngôi nhà châu Mỹ Latin ở Paris hôm 13/9.

Mãi tới năm 1946, Llosa mới chuyển về Lima (thủ đô Peru) để gặp cha lần đầu tiên. Ông sống cùng cha cho tới năm 14 tuổi, khi được gửi vào học tại Học viện quân sự Leoncio Prado. Tại đây, ông trở thành một nhà báo nghiệp dư, chuyên viết cho các tờ báo địa phương. Ông bỏ học ở Học viện quân sự, chuyển tới học ở Piura. Tới năm 1953, ông theo học luật, văn học tại Đại học quốc gia San Marcos và cưới Julia Urquidi, em vợ của bác ngoại mình. Năm ấy, Llosa 19 tuổi còn vợ ông mới 13. Ông tốt nghiệp Đại học quốc gia San Marcos vào năm 1958 và nhận học bổng tới học ở Madrid. Năm 1959, ông chuyển tới Pháp làm giáo viên ngoại ngữ và phóng viên của AFP. Năm 1964, Vargas Llosa ly dị Julia rồi một năm sau cưới Patricia Llosa, cô em họ của mình và sinh 3 người con.

Vargas Llosa đã thuyết giảng tại rất nhiều trường Đại học trên thế giới, từ Mỹ, Nam Mỹ cho tới châu Âu và còn giảng dạy tại Đại học danh tiếng Princeton.

Mario Vargas Llosa là một trong số những nhà văn sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha xuất sắc nhất hiện nay.


"Ông là một tác giả nổi tiếng, một trong số những nhà văn vĩ đại nhất trong cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha. Ông là một trong số những tác giả thuộc thế hệ sau của cuộc cách mạng văn học Mỹ Latin những năm 1960, 1970 và hiện vẫn miệt mài với công việc sáng tác, phê bình” - Peter Englund, thành viên Ủy ban bầu chọn giải Nobel nhận xét về Vargas Llosa. Theo trang web chính thức của Nobel Prize thì giải thưởng này được trao cho “cách vạch ra những kết cấu của sức mạnh quyền lực và những hình ảnh sắc sảo về sức phản kháng, sự nổi loạn và thất bại”.

Như vậy, sau 28 năm mới có một nhà văn Nam Mỹ đoạt giải Nobel Văn học (sau nhà văn huyền thoại Gabriel García Márquez người Colombia, 1982). Vargas Llosa cũng là nhà văn châu Mỹ Latin đầu tiên có được vinh dự này kể từ sau Octavio Paz (người Mexico, 1990). Ông sẽ nhận được phần thưởng 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,53 triệu USD).

Các nhà văn đoạt giải Nobel Văn học trong thập kỷ
 

Mario Vargas Llosa (Peru-2010): Các tác phẩm gây ảnh hưởng: The Time of the Hero, The Green House, Conversation in the Cathedral.

Herta Mueller (Rumania-2009): Các tác phẩm gây ảnh hưởng: Nadirs, Oppressive Tango, The Passport.

Jean-Marie Gustave Le Clezio (Pháp-2008): Các tác phẩm gây ảnh hưởng: The Deposition, Desert, Beloved Earth.

Doris Lessing (Anh-2007): Các tác phẩm gây ảnh hưởng: The Grass is Singing; The Golden Notebook; The Good Terrorist.

Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ-2006): Các tác phẩm gây ảnh hưởng: My Name is Red; Snow; Istanbul: Memories of a City.

Harold Pinter (Anh-2005): Các tác phẩm gây ảnh hưởng: The Dumb Waiter; The Caretaker; The New World Order.

Elfriede Jelinek (Áo-2004): Các tác phẩm gây ảnh hưởng: We are Decoys, Baby!; Wonderful, Wonderful Time; The Piano Teacher.

John M. Coetzee (Nam Phi-2003):Các tác phẩm gây ảnh hưởng: Waiting for the Barbarians; Life and Times of Michael K; Disgrace.

Imre Kertesz (Hungary gốc Do Thái-2002):Các tác phẩm gây ảnh hưởng: Fatelessness; Kaddish for a Child Not Born; Liquidation.

V.S. Naipaul (Anh gốc Trinidad-2001): Các tác phẩm gây ảnh hưởng: In a Free State; The Middle Passage; A Million Mutinies Now; The Enigma of Arrival.

Cao Hành Kiện (Pháp gốc Hoa-2000) Các tác phẩm gây ảnh hưởng: Soul Mountain (Linh Sơn); Fugitives; One Man’s Bible.

 

Bích Bích


Bình luận
vtcnews.vn