Chân dung các đại gia Thái đang ‘đổ bộ’ vào Việt Nam

Kinh tếThứ Sáu, 06/05/2016 10:50:00 +07:00

Những đại gia Thái Lan đang thâu tóm nhiều hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đều là gia tộc gốc Hoa.

Những đại gia Thái Lan đang thâu tóm nhiều hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đều là gia tộc gốc Hoa.

Thực hiện được những thương vụ thâu tóm “khủng” như Big C và Metro, những đại gia Thái Lan (TL) đang đổ bộ vào Việt Nam (VN) đã từ lâu khẳng định vị thế hàng đầu của mình tại TL và khu vực.

Gã khổng lồ bán lẻ Thái Lan

Tập đoàn Central dù không phải là một cái tên đình đám trên quy mô toàn cầu nhưng vẫn được đánh giá là một gã khổng lồ trong thị trường Đông Nam Á, trang Tech Crunch bình luận. Đây là một trong những tập đoàn bán lẻ có vị thế lớn nhất tại TL và đang nhanh chóng mở rộng kinh doanh sang nhiều nước trong khu vực như VN, Malaysia và Indonesia. Với nhiều đại siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ quy mô toàn quốc, tổng giá trị của tập đoàn này lên đến gần 10 tỉ USD với hơn 70.000 nhân sự.

Chủ sở hữu của tập đoàn này chính là gia tộc Chirathivat, giàu thứ 14 châu Á và đứng thứ ba tại TL, xếp sau đối thủ “truyền kiếp” Charoen Sirivadhanabhakdi, theo Forbes. Đứng đầu danh sách giàu có của TL là nhà Chearavanont - chủ nhân của Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P Group) trùm về thức ăn gia súc tại TL và khu vực. Vào năm 2014, trước các biến động chính trị tại TL tác động đến Tập đoàn C.P, nhà Chirathivat đã từng dẫn đầu danh sách những gia tộc giàu có nhất đất nước chùa vàng. Mặc dù Central là một tập đoàn đa ngành hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau như nhà hàng, khách sạn,… nhưng chính đế chế bán lẻ mà Central gầy dựng đã đóng góp phần lớn cho sự giàu có của gia tộc Chirathivat.

Tạp chí Forbes cho biết đế chế bán lẻ tạo nên đến 65% tổng khối gia sản kếch xù trị giá 12,3 tỉ USD của gia đình này. Từ năm 2013, Central được điều hành bởi Tos Chirathivat, thế hệ thứ ba của gia tộc. Ông nội của ông Tos là Tiang Chirathivat, một người di cư nghèo đến từ Trung Quốc, đã mở một cửa hàng bán rổ tại Bangkok vào năm 1927. Hơn 20 năm sau, ông Tiang và gia đình chuyển việc kinh doanh đến gần khách sạn Oriental, đổi tên thành cửa hàng thương mại Central và bán nhiều mặt hàng hơn. Đến năm 1957, con trai của ông là Samrit đã mở cửa trung tâm thương mại đầu tiên tại TL và sau đó mở cửa trung tâm mua sắm cao cấp đầu tiên của TL vào năm 1982.

 CEO hiện nay của Tập đoàn Central là ông Tos Chirathivat, thế hệ thứ ba của gia tộc giàu có hàng đầu Thái Lan. Ảnh: BANGKOK POST
 Không chỉ mua lại Metro, Tập đoàn TTC của ông Charoen mới đây còn thâu tóm được chuỗi siêu thị Big C tại Thái Lan. Ảnh: ZUMA PRESS
Không chỉ “ngồi yên” trong thị trường khu vực, Central đang mở đường sang châu Âu. Năm 2014, gã khổng lồ TL đã mua lại trung tâm thương mại Illum tại Copenhagen (Đan Mạch). Năm 2011, tập đoàn này chi đến 370 triệu USD mua lại tập đoàn bán lẻ La Rinascente với hơn 11 trung tâm thương mại tại Ý. Tuy nhiên, Đông Nam Á mới chính là mối quan tâm đầu tư lớn nhất hiện nay của gã khổng lồ bán lẻ này.

Tờ Forbes cho biết tập đoàn này đang đẩy mạnh đầu tư tại Indonesia và Malaysia, thậm chí là có kế hoạch mở rộng hoạt động đến Myanmar. Trong buổi họp báo hằng năm vào tháng 3-2016, ông Tos Chirathivat đã tuyên bố sẽ mở thêm 420 cửa hàng bán lẻ trong năm nay. Ông ước đoán doanh thu bán lẻ của Central tại VN nhiều khả năng sẽ tăng gấp đôi sau khi mua lại Big C.

Năm 2015, doanh thu bán lẻ quốc tế của Central đã đạt đến 854 triệu USD. Tập đoàn đặt mục tiêu tổng doanh thu bán lẻ quốc tế trong năm 2016 đạt hơn 1,4 tỉ USD. Trang National Multimedia (TL) dự đoán doanh thu bán lẻ quốc tế của tập đoàn này đến năm 2020 sẽ đạt đến 2,8 tỉ USD.

Đế chế quyền lực của Charoen

Một trong những vụ thâu tóm đình đám khác của đại gia Thái tại VN chính là thương vụ chuỗi bán buôn Metro được mua lại bởi Berli Jucker (BJC), tập đoàn nằm dưới quyền sở hữu của tài phiệt nổi tiếng TL - ông Charoen Sirivadhanabhakdi, đối thủ trực tiếp của Central và dòng họ Chirathivat. Năm 2015, Tập đoàn Casino của Pháp quyết định bán 58,56% cổ phần Big C TL cho TCC của đại gia giàu thứ hai TL. Thương vụ này được định giá lên đến hơn 3,6 tỉ USD.

Ông Charoen với tổng tài sản lên đến 13 tỉ USD là người giàu có thứ hai TL vào năm 2015. Vị tỉ phú này bắt đầu khởi nghiệp từ một doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn. Năm 1995, tỉ phú Charoen chính thức sáng lập hãng bia ThaiBev với thương hiệu bia Chang nổi tiếng. Chỉ sau năm năm gia nhập thị trường, Chang chiếm thị phần tới 60% trên thị trường TL. Tên tuổi của ông nổi như cồn sau khi nắm quyền sở hữu của Tập đoàn nước giải khát Fraser&Neave vào năm 2013, theo Wall Street Journal. Tỉ phú 71 tuổi của TL cũng tham gia thị trường bất động sản thông qua Tập đoàn TCC Land. Ông Charoen nắm quyền sở hữu các tập đoàn này thông qua TCC - tập đoàn đầu tư hàng đầu TL của mình.

Charoen được biết đến là “trùm của các thương vụ lớn” tại TL, tờ Wall Street Journal cho biết. Ông là con trai của một gia đình tiểu thương gốc Hoa, có một cửa hàng tạp hóa ven đường tại Bangkok. Kể từ khi bỏ học và cùng bạn mở một lò rượu nhỏ, ông đã nhanh chóng thâu tóm gần như toàn bộ thị trường nước giải khát TL. Kể từ đó, Charoen đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trên vô số lĩnh vực, từ nước giải khát đến bất động sản, tài chính và nông nghiệp. Tương tự gia tộc Chirathivat, ông Charoen quản lý đế chế của mình kiểu “gia đình trị”. Hiện tại con trai ông - Thapana Sirivadhanabhakdi là giám đốc điều hành tại ThaiBev, con gái Wallapa là giám đốc điều hành của TTC Land. Con trai út của ông - Panote Sirivadhanabhakdi là thành viên HĐQT của F&N.

Trang Business Mirror cho biết tập đoàn bán lẻ Berli Jucker của ông Charoen đang lên kế hoạch trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á về sản xuất, bán hàng, hậu cần và phân phối bán lẻ. CEO của BJC - ông Aswin Techajareonvikul cho biết tập đoàn này sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại trong năm 2016. BJC nhắm đến mục tiêu chiếm lĩnh thị trường TL làm nền tảng chính và phát triển ra các thị trường VN, Lào và Campuchia làm các nhánh hỗ trợ. BJC đang chạy đua với Tập đoàn Central để mở rộng hoạt động ra Malaysia và Myanmar. Tập đoàn này cũng dự kiến mở thêm 19 chi nhánh mới từ giờ đến năm 2019.

Đất Thái giảm sức hấp dẫn?

Trang Nikkei Asian Review nhận định các công ty TL hiện ngày càng quan tâm đầu tư vào thị trường VN là do tình hình tăng trưởng kinh tế ảm đạm tại đất Thái. Theo báo cáo của AFP và Nikkei, thị trường TL đang ngày càng mất sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Đầu tư nước ngoài tại TL từ tháng 1-2015 đến tháng 11-2015 giảm mạnh đến 78%, xuống còn 93,8 tỉ baht (hơn 2,6 tỉ USD). Tờ The Bangkok Post bình luận thị trường TL đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường hấp dẫn hơn trong khu vực như Campuchia và VN.

Tập đoàn Central cũng đang có ý định thâu tóm hoạt động tại VN của trang bán hàng thời trang trên mạng Zalora. Vào tháng 11-2015, Tập đoàn Boon Rawd Brewery, nổi tiếng với thương hiệu bia Thái Singha, cũng tuyên bố đầu tư gần 1,1 USD vào Tập đoàn thực phẩm và đồ giải khát Masan, tờ Wall Street Journal cho biết. Trong cuộc họp báo hằng năm vào tháng 3-2016, ông Tos Chirathivat cho biết: “Quy mô của nền kinh tế VN vẫn nhỏ hơn TL nhưng lại đang tăng trưởng rất nhanh. Trong khoảng thời gian năm năm tới, thị trường VN sẽ tiếp tục phát triển mạnh”.

Đại gia Thái Lan giành lại những gì đã mất?

Theo trang Nikkei Asian Review, thương vụ thâu tóm của Tập đoàn Central tại VN diễn ra sau khi bị đối thủ Berli Jucker vượt mặt thâu tóm Big C TL. Trang Nikkei Asian Review cho biết Big C tại TL được sáng lập bởi chính Central với cửa hàng đầu tiên mở tại Bangkok vào năm 1994. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đại gia TL đã mất đa số cổ phần về tay Casino. Trong cuộc họp báo tháng 3-2016, Central cho biết họ còn nắm 25% cổ phần của chuỗi siêu thị này. Riêng gia tộc Chirathivat chỉ nắm lại 5% cổ phần của Big C TL, theo Nikkei Asian Review.

Tập đoàn Casino bắt đầu đổi tên các cửa hàng bán lẻ của mình tại VN thành thương hiệu Big C từ năm 2003, trang Nikkei Asian Review cho biết. Sau khi bán cổ phần của Big C TL và Big C VN, đại gia bán lẻ của Pháp sẽ thu về hơn 4,8 tỉ USD.
 

Nguồn: PL
Bình luận
vtcnews.vn