"Cha mẹ nên chia sẻ, hướng dẫn con ứng xử với game"

Thời sựThứ Ba, 14/09/2010 12:09:00 +07:00

(VTC News) - Khi các bậc phụ huynh quan tâm, cùng chia sẻ và hướng dẫn, trẻ sẽ phát triển có định hướng và tránh được hậu quả của những việc làm vì tò mò...

(VTC News) - Trả lời báo chí bên lề buổi đối thoại trực tiếp trên Kênh VTC2 về quản lý game online mới đây, Nhà báo Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) đã đưa ra lời tư vấn tới các bậc làm cha mẹ khi được hỏi về việc phụ huynh có nên cùng chơi game online với con. 

>> Chuyên đề trên VTC News: Hiến kế quản lý game online 

- Thưa Thứ trưởng, trong thời gian vài tháng qua, dường như vấn đề "bạo lực trong game online" vẫn chưa chưa có được những tiêu chí để phân định rạch ròi?

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: "Khi phụ huynh quan tâm, hướng dẫn, trẻ sẽ tránh được hậu quả của những việc làm vì tò mò". (Ảnh: A.L) 

- Vấn đề này thực ra không phải là mới. Trong quá trình xây dựng luật, vấn đề này đã được đặt lên bàn của Quốc hội, của các cơ quan quản lý và bàn thảo tại nhiều cuộc hội thảo. Trong tất cả các luật đều ghi không được kích động bạo lực, kích dâm, đồi truỵ, làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục.

Nhưng vì sao vấn đề này vẫn “nóng”? Bởi vì người ta không phân định được rạch ròi giữa bạo lực và kích động bạo lực.

Nếu cứ có cảnh đầu rơi máu chảy mà coi là kích động bạo lực thì tôi đặt lại vấn đề: Trong một trận đánh quân dân ta chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, quân địch chết như rạ, có cảnh đầu rơi máu chảy đấy nhưng lại hoàn toàn không kích động bạo lực. Đó là sự bảo vệ hết sức chính đáng của dân tộc trước kẻ thù xâm lược.

Những hình ảnh rất mạnh, như những hình ảnh bắn súng, làn đạn xé trời rất ghê gớm khi đó lại tạo được xúc cảm mạnh mẽ về tính chất anh hùng ca. Những hình ảnh có là bạo lực cách mạng. Nên chúng ta đừng lo ngại chuyện có yếu tố bạo lực hay không.
Do đó, nếu quản lý mà đưa ra tiêu chí cấm những cảnh đầu rơi máu chảy, thì như các phim của nền điện ảnh Cách mạng của chúng ta sẽ như thế nào?

Nhưng, nếu sách báo, các tác phẩm văn học nghệ thuật hay cụ thể ở đây là game đưa ra các hành vi bạo lực khiến người chơi bắt chước, đưa ra những hành động vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật thì cái đó lại phải tẩy trừ, nghiêm cấm ngay. Cái đó là kích động bạo lực, cần ngăn chặn.

Vì thế, thời nay, chúng ta cần có những hội đồng thẩm định để xem xét các sản phẩm văn hóa giải trí. Bằng kinh nghiệm, bản lĩnh và sự nhạy cảm của mình, họ sẽ xem xét và đánh giá từng trường hợp cụ thể.

- Ở cấp quản lý địa phương, các DN chịu sự quản lý của từng tỉnh, thành phố. Chẳng hạn như TP.HCM muốn cấm một số game, nhưng các thành phố khác lại không. Quan điểm của Bộ TT-TT như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Tôi cho rằng giải pháp của TP.HCM là giải pháp tình thế trong một thời điểm nhất định. Đó là những biện pháp giải quyết trong khoảng thời gian 1 văn bản đang được chuẩn bị thay thế bởi 1 văn bản khác. Trong thời điểm xã hội đang rất bức xúc thì cần có những giải pháp mang tính tình thế trong những thời điểm rất ngắn.

Có những giải pháp nơi này nơi kia áp dụng chưa phù hợp trong tổng thể, nhưng trong một thời điểm nào đó có thể chấp nhận. Tôi nghĩ, khi quy chế quản lý game quy định đầy đủ và được ban hành chính thức thì sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để chúng ta nhìn nhận và đánh giá tổng thể, tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của game online.

- Nhiều nước trên thế giới thành công khi quản lý game online qua CMND điện tử nhưng biện pháp này chưa được áp dụng ở VN, thưa ông?

- Về chủ trương, Bộ TT-TT đã đặt ra và đang kết hợp với Bộ Công an để xây dựng CMND điện tử. Và trong thời gian tới chúng ta sẽ làm được, sau khi xửlý các vấn đề kỹ thuật.

Thực tế, trong quá trình phát triển, chúng ta cần học tập kinh nghiệm quản lý của các quốc gia đi trước. Nhưng người Việt Nam rất sáng tạo, chúng ta học tập và có những áp dụng cho phù hợp tình hình thực tiễn cụ thể ở Việt Nam. Ngay như ở Trung Quốc, trong việc quản lý giờ chơi đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, họ quản lý ngặt nghèo. Họ xây dựng cả những hệ thống quản lý nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có chứng minh thư điện tử...

Có nhiều bài học mà chúng ta có thể học tập từ nước bạn như Trung Quốc, Hàn Quốc để áp dụng trong công tác quản lý của chúng ta.

- Nhiều bậc cha mẹ khẳng định sẽ chơi game cùng con mình với suy nghĩ rằng chúng không có ai chơi nên phải tìm tới thế giới ảo. Cũng có ý kiến trái ngược, tuyên bố rằng sẽ cấm tiệt con chơi game. Ở vị trí là người trụ cột trong gia đình, ông nghiêng về ý kiến nào hơn?

- Với góc độ là một người cha trong gia đình, tôi cho rằng mỗi gia đình đều có một phương pháp để giáo dục con cái mình. Điều đó tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận của từng bậc cha mẹ. 

Nhưng vấn đề chung, tôi nghĩ, nếu bố mẹ luôn gần gũi bên con cái, cùng chia sẻ với con cái cả những cái hay và cái dở, cùng tham gia hướng dẫn để định hướng suy nghĩ cho trẻ thì đó là điều rất tốt.

Càng cấm thì trẻ càng tò mò. Vì thế, tôi cho rằng khi các bậc phụ huynh cùng chia sẻ và hướng dẫn, trẻ sẽ phát triển đúng hướng và tránh được hậu quả của những việc làm vì tò mò khi không có người giám hộ bên cạnh, đặc biệt là khi chúng chưa có khả năng tự xử lý những vấn đề của chính mình.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình, thành viên Hội đồng thẩm định Game Quốc gia:

 TS. Trịnh Hoà Bình
Phụ huynh phải tỉnh táo và thận trọng chứ không thể “vơ đũa cả nắm” và đổ lỗi cho game là “bạch phiến số”, là con ngáo ộp… Bởi suy cho cùng, sự phát triển của mỗi người có phần ảnh hưởng lớn từ sự quan tâm, giáo dục của gia đình.

Không có game nào dạy người ta cách giết người, mà chỉ có cảnh tiêu diệt kẻ địch nhưng thông qua hành vi đó, cái thiện chiến thắng cái ác, cái thiện chiến thắng cái ác…

Kết cục của cái bạo lực đó vẫn tôn vinh cái đẹp, tôn vinh cái thiện và nó không hề nguy hiểm. Tuy nhiên điều đó cũng tuỳ thuộc vào tuỳ lứa tuổi, vào sự thích nghi và khả năng nhận thức của mỗi cá nhân.


Hoàng Ly ghi

Bình luận
vtcnews.vn