Cha mẹ kỳ vọng quá lớn: Học sinh tiểu học bị tâm thần

Giáo dụcThứ Ba, 06/03/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Ở nhà, dù trong phòng khách hay nhà bếp, tiểu Cường đều đi theo góc vuông. Em tránh xa các vật dụng trong gia đình như cốc nước, tủ vô tuyến…

(VTC News) – Ở nhà, dù trong phòng khách hay nhà bếp, tiểu Cường đều đi theo góc vuông. Em tránh xa các vật dụng trong gia đình như cốc nước, tủ vô tuyến…

Tuy thời gian nghỉ đông đã kết thúc nhưng tiểu Cường (tên nhân vật đã được thay đổi) lại không thể quay trở lại trường như các bạn học khác. Lý giải về chuyện này, cô Trần, mẹ của tiểu Cường vừa khóc vừa nói: “Cháu nó mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Theo chuyên gia tâm lý, tuy nguyên nhân bên ngoài là áp lực học tập quá lớn nhưng kỳ thực là do cha mẹ quá kỳ vọng vào cháu bé gây nên”.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Tiếng Anh: Obsessive - Compulsive Disorder - OCD) là bệnh rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, liên quan trực tiếp đến Stress.

Dấu hiệu phổ biến của bệnh là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng.

OCD được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm 10 bệnh lý gây ra tàn phế nặng nề nhất trên toàn cầu.

"Con tôi sẽ thi vào Đại học Thanh Hoa"

Tiểu Cường năm nay 8 tuổi. Tuy gầy yếu, xanh xao, đeo kính cận 3 độ, nhưng đi đâu em cũng đeo chiếc cặp sách nặng hơn 10 kg.

Nhìn bề ngoài, em không có gì khác so với những đứa trẻ bình thường cùng trang lứa và không ai nghĩ rằng em mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế.


Tuy nhiên, tiếp xúc với tiểu Cường, hàng loạt những hành động lạ thường của cậu bé dần dần phơi bày. Tiểu Cường mở cặp lấy hộp bút, sau đó lấy hết sách giáo khoa, vở bài tập, rồi mới mở hộp bút lấy bút. Viết được mấy chữ, em phát hiện viết sai, muốn dùng bút xóa xóa đi. Nhưng tiểu Cường không lấy luôn bút xóa trong hộp bút mà đem tất cả mọi thứ cất vào cặp theo trình tự lấy ra, rồi lại lấy ra theo trình tự cũ, sau cùng mới lấy bút xóa.

Thì ra, cha mẹ tiểu Cường mong cậu bé “không thua kém bạn bè, phải thi đậu vào trường điểm”, ép em học rất nhiều. Kỳ vọng quá lớn của cha mẹ khiến tiểu Cường trở nên không bình thường.

"Con tôi sẽ thi vào Đại học Thanh Hoa” là câu nói cửa miệng thường ngày của cha mẹ cậu bé". Tuy mới học lớp 3, lại trong thời gian nghỉ đông nhưng tiểu Cường lại tất bật với 7 lớp học thêm: toán, văn, anh…
Cha mẹ mong em học thật nhiều để không thua kém bạn bè.

Nhưng nếu biết trước ngày hôm nay, cha mẹ em có lẽ không làm như vậy.

"Làm gì cũng phải cẩn thận"

Sau tết, lớp học thêm xảy ra chuyện: Cốc nước cô giáo để trên bàn bị rơi vỡ. Do lớp học có gắn camera nên sau khi xem lại, cô giáo phát hiện cốc nước do tiểu Cường không cẩn thận làm vỡ. Về chuyện này, mẹ của tiểu Cường đã xin lỗi cô giáo, bồi thường cho lớp và mắng tiểu Cường mấy câu.

Chiếc cặp đo đùng trên vai các em nhỏ không còn là chuyện lạ

Không ngờ, từ hôm xảy ra chuyện, cho dù là ra hoặc vào lớp, tiểu Cường đều tránh cốc nước rất xa. Dần dần, tiểu Cường đi men theo tường, rồi đi theo góc vuông để đến chỗ ngồi …

Ở nhà, dù trong phòng khách hay nhà bếp, tiểu Cường đều đi theo góc vuông. Em tránh xa các vật dụng trong gia đình như cốc nước, tủ vô tuyến… Phóng viên hỏi tiểu Cường tại sao đi theo góc vuông, cậu bé ngây ngô đáp lại "làm gì cũng phải cẩn thận cô ạ".

Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) là trường đại học hàng đầu Trung Quốc hiện nay.

Nhiều nhà lãnh đạo của Trung Quốc như Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, nguyên Thủ tướng Chu Dung Cơ, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, ... đều tốt nghiệp từ ngôi trường này.

Trường còn lọt vào top 14 trường đại học đẹp nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn và top 35 trường đại học tốt nhất thế giới do Tạp chí The Times Higher Education Supplement bình chọn.

Thời gian trôi đi, những hành động lạ thường của tiểu Cường càng ngày càng nhiều. Mẹ của tiểu Cường tâm sự: "Để trốn học thêm, tiểu Cường lấy rất nhiều lý do như mũi chảy máu, đau bụng, chóng mặt, … Dần dần, chỉ cần nghe đến hai chữ 'học thêm', tiểu Cường lập tức mệt mỏi, không đau đầu thì buồn nôn".

Thấy con có những biểu hiện lạ, cô Trần đã đưa tiểu Cường đi khám bệnh. Nhưng kết quả là tất cả đều bình thường. Tuy nhiên, không vì thế mà các biểu hiện khác thường ở cậu bé ít đi. Sau đó, với sự gợi ý của các bác sĩ, mẹ tiểu Cường đã đưa cậu bé đến chuyên gia tâm lý.


Căn bệnh quái ác

"Đây là biểu hiện của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế" - câu nói của chuyên gia tâm lý Lưu Trường Huy, Trung tâm Y tế tinh thần thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc khiến cô Trần thực sự suy sụp.

Để tiểu Cường không thua kém bạn bè, ngay từ nhỏ, cha mẹ liên tục nhắc nhở "làm gì cũng phải cẩn thận, không được cẩu thả". Trong môi trường giáo dục nghiêm khắc và luôn đòi hỏi sự hoàn hảo ấy, tiểu Cường không được giải phóng về tâm lý. Đó là căn nguyên sâu xa của căn bệnh quái ác mang tên rối loạn tâm thần cưỡng chế trong con người em ngày hôm nay.

Điều khiến mọi người không khỏi giật mình là, theo số liệu thống kê, trong 20 người có ít nhất từ 1 đến 2 người mắc bệnh rối loạn tinh thần cưỡng chế. Số bệnh nhân rối loạn tinh thần cưỡng chế còn đang tăng cao trong học sinh tiểu học và trung học.

Sáng Nguyễn


Bình luận
vtcnews.vn