Câu hát Sli gọi tình

Tổng hợpThứ Sáu, 28/09/2012 10:18:00 +07:00

Thật bất ngờ Nguyễn Trang Nhung lại kể với tôi chuyện thất bại trước mà không hề xấu hổ...

Thật bất ngờ Nguyễn Trang Nhung lại kể với tôi chuyện thất bại trước mà không hề xấu hổ. Đó là vụ làm phim Khách sạn chó mèo ở khách sạn “5 sao” của ông Bảo Sinh. Tại đây có đủ các dịch vụ chăm sóc thú cưng như bác sĩ, nhân viên chăm sóc sắc đẹp: chải lông - tắm rửa - sửa móng vuốt.

Lại có cả nghĩa trang cho chó mèo mai táng 8 triệu hỏa thiêu 3 triệu đồng. Một năm lại còn có hai lần làm lễ cầu siêu. Trang Nhung tưởng rằng độc đáo nào ngờ sau phát sóng em bị “chê tơi tả”. Nhớ đời. Em cười khanh khách than: “Vụng dại quá!”. Tôi cười, nói với em: “Ai nên khôn mà chả dại đôi lần” mà đây mới có một lần.

Người Việt mình ở nước ngoài xa lâu thường nhớ quê rất muốn biết những gì dù nhỏ nhoi nhưng là bản sắc lại càng khao khát biết. Chương trình “Góc cuộc sống” trên Kênh VTC10 gọi nôm là Kênh “Văn Hóa Việt” Nguyễn Trang Nhung đang làm, là hướng tới nguyện vọng ấy của Việt kiều. Ví như chuyến làm phim cô cùng ê-kíp cất công lên tận huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn để làm chân dung một ông tên là Ninh Xuân Nhật được cán bộ văn hóa Hữu Lũng giới thiệu là người đam mê sưu tầm văn hóa dân tộc Cao Lan.


Không may cái ông Nhật ấy lại ốm đi nằm viện ở thành phố Lạng Sơn. Những chuyện rủi ro như thế này không hiếm. Hiềm nỗi lại ở nơi tỉnh xa. Cả ê-kíp buồn rũ kéo nhau xuống phiên chợ xã Tân Thành. Trời cứu. Những câu hát Sli quyến rũ tỏ tình của trai gái trẻ dân tộc Nùng nơi chợ phiên ấy đã gợi ý cho họ đổi hướng đề tài. Hát Sli thường hát ở các buổi chợ phiên. Vậy là dỡ máy. Ghi hình khẩn trương như ăn gỏi. Cậu quay phim say duyên người mà bấm máy mê mải như duyên của mình vậy. Sli có rất nhiều kiểu hát.

 
Với Sli Phàn Slình như ở đây, khi hát phải có từng đôi nam - đôi nữ và giọng hát từng đôi cũng phải hòa hợp, có người giọng cao, có người giọng trầm để cùng nhau hòa âm. Hát Sli giao duyên thể hiện sự ứng đối tài khéo của mỗi người, với những lời ca Sli ví von bóng bẩy tinh nghịch ẩn chứa nhiều hàm ý xa xôi, không có bài hát sẵn mà là ứng khẩu. Cứ thế đối đáp đôi mắt tình tứ say sưa.

Chừng đã đủ hiểu nhau bén nhau là từng đôi mang cái nửa của mình tách ra tìm một nơi xa khuất dấu thân hẹn thề. Tại đây Trang Nhung bắt gặp một cặp đôi già cũng xuống phiên chợ này hát giao duyên. Anh Nông Văn Đông cho hay đó là cặp đôi Mã Văn Uẩn và Ngô Thị Sèng, qua hát Sli mà nên vợ nên chồng. Bà Sèng bảo ông Uẩn hát rất hay, mê câu hát của ông mà lấy.

Thấm thoắt 30 năm rồi. Bây giờ xuống chợ hát là để dạy cho lũ trẻ tập… giao duyên.  Anh Nông Văn Đông còn cho biết truyền thống hát Sli của người Nùng có từ lâu, thế hệ trẻ như các anh hậu bối rất muốn học hỏi thêm, mở trường lớp mời các cụ dạy.

Thẻ nhớ các cảnh hát tình tứ đã đủ. Thấy cần thêm những cảnh gia đình và cuộc sống đời thường ở nhà ông bà Uẩn và Sèng cho phong phú, Trang Nhung quyết định đi tiếp đến cái bản gia đình ông bà cư trú cách chợ 3 cây số. Dọc đường xe không đi được vì lầy lội trời đổ mưa đêm trước. Trang Nhung và quay phim xuống xe vác đồ nghề cuốc bộ. Làm phim muốn nhiều cảnh hay, lạ là phải cầu kỳ.


Ông bà Mã Văn Uẩn và Ngô Thị Sèng xúc động quý thương hai nhà báo trẻ say sưa với nghề đã làm thịt… hai con vịt thết bữa trưa cơm rượu. Lại may, ông Lục Văn Tráng nhà gần đó thấy có khách cũng sang chung cụm bát rượu. Lại được thêm một cái phỏng vấn. Ông Tráng cho hay cái lúc ông còn là trẻ chăn trâu đi chợ trai Nùng đã biết hát Sli rồi. Ông còn lưu giữ được một cuốn sách bố đẻ để lại dạy cách mớm lời hát Sli.

 
Nguyễn Trang Nhung kể lại chuyến đi Hữu Lũng nghe hát Sli ấy hào hứng dẻo quẹo cứ như đôi môi em đang hát “Em như hạt nước long lanh quá / Thì hứng cho đầy đôi mắt anh”. Về Hà Nội, Trang Nhung phải cậy nhờ Nhạc sĩ Thao Giang ở Trung tâm phát triển âm nhạc Việt diễn giải bổ trợ. Ông cho hay “cái hát Sli” này, nó là thể thơ 7 chữ, một thể thơ rất hiếm ở vùng đồng bằng. Nó là thứ đặc trưng của dòng văn học “cái hát Sli”. Có một điều rất hay là người ta phải ứng đối - ứng đáp như hát giao duyên vùng quan họ vậy.

Tôi là người Việt ở trong nước đi nhiều biết nhiều mà còn thấy lạ và hấp dẫn với “cái hát Sli” huống hồ người Việt ở nước ngoài xa quê thăm thẳm.

Chương trình “Góc cuộc sống” trên Kênh VTC 10 là thể loại phim tài liệu. Thời lượng 15 phút. Làm khéo có cảm xúc dễ phiêu. Đề tài chỉ là một “góc cuộc sống” thôi. Nhưng cái góc ấy là cái góc bản sắc Việt.

Của những con người yêu cuộc sống đến lạ lùng. Họ gìn giữ bảo tồn nét văn hóa rất đời thường nhưng cốt cách lại đáng trọng. Như chuyện bà Nguyễn Thị Gái ở quận Hoàn Kiếm ngày hai buổi sáng chiều ra bờ Hồ Gươm ném những mẩu bánh mì xuống hồ cho cá ăn. Hằng ngày bà đi gom những khúc bánh mỳ thừa ở các cửa hàng ăn nguội, về hong phơi la liệt khắp nhà.

Thiếu, thì bà bỏ tiền ra mua. Có thể là tôi đã đôi lần thấy bà Gái hoặc ai đó giống như thế đứng tung những mẩu bánh mì vụn cho cá ăn vào những buổi sáng đi bộ tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm. Những đàn cá chép vàng óng vùng quẫy tung tóe tranh nhau đớp mồi rộn ràng mặt nước vui ơi là vui trước con mắt nhiều người đứng quanh trầm trồ nhìn ngắm.

 
Rồi nhà văn Dương Thu Ái chuyên gom bút cũ giấy đã viết một mặt để viết bản thảo. Bằng những cây bút ấy những trang giấy ấy ông đã viết và xuất bản 245 tác phẩm. Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận ông giành 3 kỷ lục:

- Nhà văn có số sách xuất bản nhiều nhất trong một năm.

- Nhà văn có số lượng sách dịch và sáng tác nhiều nhất.

- Nhà văn duy nhất viết sách bằng bút nhặt và giấy cũ.

Rồi có một ông lão tên là Nguyễn Văn Minh ở Thanh Xuân 10 năm liền hằng ngày đi các phố lột xé những tờ giấy quảng cáo vặt dán bừa giữ cho mỹ quan đường phố. Ấy vậy mà vẫn chưa làm được bởi mỗi lần đến nhà đều bị các con ông mắng xơi xơi phản đối không cho quay.

Ông Nguyễn Mạnh Hà ở Trương Định có cái thú sưu tầm và trồng các loại hoa lan để bạn bè hoặc người yêu lan đến tiệc chè ngắm hoa và đàm đạo. Ông Trần Công Phúc ở phố Tạ Hiện lại có cái thú sưu tầm quạt điện cổ chạy chổi má than hoặc hơi nước. Muôn người muôn vẻ hay hay.

Trang Nhung thú vị nhất là lần làm phim về nghệ nhân làm mặt nạ giấy mỗi mùa Trung thu. Chỉ một mùa Trung thu thôi. Bà tên là Hương Lan đã 50 tuổi nhà ở phố Hàng Đậu. Bà là người phụ nữ duy nhất trong họ tộc quyết bảo tồn nghề truyền thống gia đình. Nhà ở phố cổ nên chật trội lại sản xuất ở tầng trên cao.

Các mặt nạ bồi giấy bà Lan bày phơi la liệt ở hành lang và sang cả các nóc nhà lân cận. Không gian hẹp quay phim rất khó tác nghiệp. Phích cảnh mãi rồi lia, quay đi quay lại rất tù túng. Trang Nhung bày đặt thêm cảnh để bà Lan xuống đường mua giấy. Bà miễn cưỡng xuống. Trang Nhung đi mua giấy về bà đã lên gác trốn quay. Lại phải leo lên tầng cao dụ được bà Lan xuống thì lại gặp chuyện không ai nhận giúp việc đóng vai “người bán báo” để bà Lan mua.

 
Cuối cùng có một người đi đường thương cô nhà báo nhễ nhại mồ hôi vất vả đã nhận làm việc này. Bà Lan làm vội động tác mua làm anh quay phim toát mồ hôi chuyển cảnh mà không kịp. Bởi “câu hình ảnh” là phải có cảnh toàn, cảnh trung và cận cảnh, thậm chí đặc tả đôi tay bà Lan cuộn xấp giấy báo. Bà Lan cầm vội cuộn giấy báo là te tái leo tót lên cầu thang không trả tiền.

Trang Nhung lại phải mời bà xuống đưa tiền cho bà và thuyết phục bà làm lại cảnh này. Có nguy cơ bà Lan cáu. Trang Nhung phải cố xin bà thương cảm. Bà phì cười. Nào thì làm. Xong cảnh mua báo lên tới gác bà Lan lăn đùng ra giường thở hổn hển và tất cả cùng cười vang căn phòng nhỏ cứ như là đã hoàn thành một trường đoạn phim truyện nhựa.

Làm thế nào mà Trang Nhung săn được các đề tài? Tôi hỏi. Bạn bè mách. Đồng nghiệp mách. Lên mạng tìm. Mạng lưới cộng tác viên xi nhan. Kiếm tìm trong những chuyến đi thực tế hoặc trong cuộc sống thường nhật gặp. Cũng vất vả và công phu lắm lắm.

Trang Nhung, cô gái Nghệ An ra đất Hà thành lập nghiệp, mới “dại” có một lần mà đã “khôn” đến thế. Say mê đắm đuối với nghề lại một mình nuôi em ăn học đại học, và em cũng học lên, sẽ bảo vệ luận án thạc sĩ  cuối năm nay. Dưới cách nhìn của tôi em cũng là một “góc cuộc sống” như chương trình em đang làm.

Nguyễn Khiếu Bảo Châu

Bình luận
vtcnews.vn