Câu chuyện bên nồi bánh chưng xanh ngày 30 Tết

Thời sựThứ Sáu, 27/01/2017 06:58:00 +07:00

Ngọn lửa bén nồi bánh chưng đang cồn cào thúc giục chúng ta làm thế nào để giữ gìn và phát triển nền văn hóa của người Việt.

Đêm 30 Tết Âm lịch, trong một ngôi nhà cổ truyền nằm bên ngã ba sông Hồng - sông Đuống…

Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới được ngồi bên một bếp lửa đun nồi bánh chưng. Ở thành phố, một vài cặp bánh chưng cần thiết để cúng gia tiên thường được đi mua, hoặc đặt nấu bánh.

Còn ở phần lớn các làng quê châu thổ hiện giờ, vào những ngày cuối năm, gói và đun nồi bánh chưng vẫn được coi là một nghi lễ, một niềm vui thú vô hạn - nhất là đối với bọn trẻ con.

cach-chua-banh-tet-banh-chung-bi-song-ngay-tet-2

Gói và đun nồi bánh chưng là một nghi lễ, một niềm vui thú vô hạn mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Lúc này, ở nhiều phương trời xa, những người Việt chắc cũng đang nhớ về Tổ quốc, đêm Giao thừa cổ truyền, nhớ nồi bánh chưng xanh…

Bên ngọn lửa bập bùng từ những gộc tre khô, chúng tôi nhớ đến truyền thuyết Lang Liêu và bánh chưng bánh dầy.

Truyền thuyết đẹp như một giấc mơ bình dị và thuần khiết đến nao lòng từng in sâu vào tuổi thơ mỗi chúng ta...

Ngày xưa, thời Vua Hùng không nhớ rõ đời thứ bao nhiêu, vua cha nhân ngày lễ Tiên vương truyền rằng: người con nào dâng lễ vật được vua ưng ý thì sẽ truyền lại ngôi báu cho.

Nhưng rồi, mọi của ngon vật lạ trên rừng dưới biển được dâng lên, vua cha đều dửng dưng mà chỉ thích thú với chồng bánh chưng bánh dầy của vợ chồng Lang Liêu - người con út. Và ông càng thêm cảm phục khi hiểu rõ cái ý tưởng làm bánh của con: một bánh tượng trưng cho Đất, một bánh tượng trưng cho Trời. Vua liền truyền ngôi cho Lang Liêu...

banh chung 2

Sự tích bánh chưng bánh dày đã có từ thời Văn Lang.

Đằng sau truyền thuyết là cái sự thật nghề nông được khuyến khích và coi trọng từ thời Văn Lang, thuở bình minh của châu thổ. Xa hơn nữa, người Việt cổ thời nguyên thuỷ đã biết trồng lúa cùng với chăn nuôi gia súc.

Nhiều nhà nông học thế giới đã khẳng định rằng: bán đảo Đông Dương là quê hương của cây lúa.

Nơi đây có "lúa trời", "lúa ma" - tức là loại lúa không trồng mà mọc, và hàng trăm loại lúa do con người tạo ra: lúa sớm, lúa muộn, chiêm, mùa, nếp, tẻ, nương. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong tác phẩm "Vân đàì loại ngữ" đã thống kê được gần 200 loại lúa khác nhau...

Sử cũ của Trung Hoa là "Giao châu ngoại vực ký" chép: "Ruộng lạc theo nước thuỷ triều lên xuống mà làm, dân khẩn ruộng ấy mà ăn, nên gọi là dân lạc".

Điều đó chứng tỏ người Việt cổ đã có tài trị thuỷ, xây đắp những công trình tưới tiêu nước, biết sử dụng chế độ nước của sông ngòi.

Truyện thần thoại Sơn Tinh - Thuỷ Tinh là một thiên anh hùng ca phản ánh những cuộc chiến thắng lũ lụt để giành giật lấy những mảnh đất màu mỡ ven sông của người xưa. Hệ thống đê điều khổng lồ ngày nay trên châu thổ sông Hồng là kết quả của bao mồ hôi, xương máu và trí lực của ông cha ta từ hàng ngàn năm để bảo vệ sự sống mà trước hết là bảo vệ cây lúa.

Sách "Vân đại loại ngữ" của cụ Lê Quý Đôn có chép lại một câu trong sách Tàu "Cổ kim chú" như sau: "Năm Diên Quang thứ hai, đời vua An Đế (132) nhà Hán, ở quận Cửu Chân lúa tốt quá: 150 gốc lúa được những 768 bông". Quận Cửu Chân trong thời Hán thuộc tức là Thanh Hoá - Nghệ Tĩnh ngày nay. Cổ sử Trung Hoa còn có sách chép "Lúa Giao Chỉ chín hai mùa".

Có nghĩa là từ hàng nghìn năm trước ông cha ta đã biết thâm canh, dùng phân bón nên lúa mới tốt như thế! Di chỉ khảo cổ nền văn hoá Đông Sơn ( cũng tức là văn minh Văn Lang) cho thấy những dụng cụ bằng đồng hình lưỡi cày, hình lưỡi liềm hái thô sơ, và những hạt gạo cháy, cả vỏ trấu. Ngoài ra, dân châu thổ còn trồng cả khoai, đậu và nhiều loại cây ăn quả, cây thuốc nam.

Gia-dinh-yeu-dau-2

Từ hàng nghìn năm trước, ông cha ta đã biết thâm canh, phát triển nghề trồng lúa nước.

Ở nước ta, đặc biệt là trên vùng châu thổ sông Hồng, việc canh tác gắn liền với chống lũ lụt, hạn hán, ngăn nước mặn, và thau chua rửa mặn.

Thời Lạc Việt, ông cha ta “làm ruộng theo nước thuỷ triều lên xuống" như sử gia Trung Quốc quan sát, đó là phương pháp "thuỷ nậu" nghĩa là đưa nước vào ruộng, ngâm cho cỏ chết, đất nẫu ra, rồi tháo hết nước. Lúc đầu thì "theo thuỷ triều lên xuống", sau thì đắp bờ giữ nước lại khi cần mới tháo ra. Mùa mưa thường có lũ lụt vì tập trung 80% nước cả năm, cần thiết phải đắp đê ngăn nước sông.

Sử cũ nước ta đã chép rằng đời Lý đã cho đắp nhiều đoạn đê dọc những con sông lớn vùng đồng bằng, khơi một số kênh ngòi tháo nước chống úng. Con đê quan trọng nhất thời ấy là đê Cơ Xá ngăn nước sông Hồng ở Thăng Long.

Thời Trần, hệ thống đê điều lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Chu phát triển, đặc biệt đắp đê Quai Vạc hai bên sông Cái (sông Nhị ) từ đầu nguồn đến bờ biển.

Đê đập hàng năm được tu bổ, bồi đắp thêm. Phụ trách kiểm tra đôn đốc việc đê điều là các chánh phó sứ hà đê, "già trẻ, sang hèn" đều có trách nhiệm hộ đê, nhà vua đôi lúc cũng thân hành ra cổ vũ.

Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có chép lời của quan hành khiển Trần Khắc Chung: "Lúc dân gặp nạn lụt, người làm vua phải cứu giúp ngay, sửa sang đức chính, không còn gì quan trọng hơn việc ấy".

Nhưng công trình đắp đê biển lớn nhất ở nước ta thì phải đến thế kỷ XIX với Nguyễn Công Trứ.

Nghề trồng lúa nước ta ở châu thổ buộc người nông dân phải tát nước khi thiếu nước và tháo nước khi thừa nước - một gia đình riêng rẽ thì không thể nào làm được, rồi còn hệ thống đê điều, mương máng nữa. “Nước lụt thì lút cả làng”. Vì vậy sự gắn bó đoàn kết trong một cộng đồng là vô cùng thiết yếu.

Trong cuốn "Bản sắc văn hoá Việt Nam", nhà nghiên cứu Phan Ngọc có nhận xét: "Làng xã ra đời trong cái môi trường sinh thái học này, do đó nó rất vững chắc. Không phải ngẫu nhiên mà làng xã dưới những hình thức khác nhau tồn tại hàng ngàn năm cho đến giờ.

Cùng với ông Phan Ngọc, nhiều nhà nghiên cứu nhân văn khác cũng đã nêu ra cái "minh triết dân gian" - như là một tinh hoa của văn minh châu thổ trong mối quan hệ giữa con người với con người: "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", "Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn", "Ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hoá ra ăn mày”... Chính cái truyền thống tình nghĩa ấy, cái minh triết dân gian ấy đã góp phần không nhỏ tạo ra một nền văn hoá đạo đức khá cao của Việt Nam ta có tự ngàn xưa.

Cái văn hoá đạo đức đó hiện giờ ra sao, làm thế nào để giữ gìn và phát triển nó?... Ngọn lửa bén nồi bánh chưng như cũng đang cồn cào thúc giục chúng ta. Đấy là những câu hỏi buộc phải trả lời một cách lương thiện...

Video: Độc đáo bánh chưng đen mừng năm mới của người Tày ở Lạng Sơn

 

M.A Nguyễn Anh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn