Cắt nhầm thận: Sai từ khâu chẩn đoán hình ảnh

Sức khỏeThứ Năm, 15/12/2011 02:49:00 +07:00

(VTC News) - Sáng nay hội đồng khoa học Bệnh viện đa khoa Cần Thơ có buổi gặp gỡ báo chí, giải thích về scandal cắt nhầm thận của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú.

(VTC News) - Sáng nay hội đồng khoa học Bệnh viện đa khoa Cần Thơ có buổi gặp gỡ báo chí, giải thích về scandal cắt nhầm thận của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú.

Với tinh thần cầu thị, sáng ngày 15/12 bác sĩ Lê Quang Võ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - đã mời đại diện các cơ quan báo chí muốn nắm rõ thông tin về cuộc họp hội đồng khoa học chuyên môn do bác sĩ Võ làm Chủ tịch hội đồng.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Cần Thơ "giải trình" với các phóng viên về trường hợp cắt nhầm thận. 

Các ủy viên của hội đồng khoa học dự họp sáng nay là những chuyên gia, bác sĩ có uy tính gồm Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Thận - Tiết niệu Việt Nam cùng Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đàm Văn Cương (Trưởng khoa Y kiêm Trưởng Bộ môn Tiết niệu Đại học Y dược Cần Thơ) và bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Quang Dũng, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Quá trình “mổ xẻ” bệnh án của chị Hứa Cẩm Tú ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho thấy bệnh nhân vào viện vì thận trái ứ nước rất to, có sỏi gây mất chức năng, chỉ định phẫu thuật bỏ thận trái là đúng chuyên môn và bố trí kíp nội soi phù hợp.

Nguyên nhân dẫn đến scandal hi hữu này, theo nhận định của các chuyên gia, là do lỗi chẩn đoán hình ảnh ban đầu khi siêu âm. Thận hình móng ngựa qua siêu âm hay chụp X-Quang đều có thể nhận ra nhưng có thể cán bộ y tế chuyên môn không cao, mới gặp lần đầu nên không chẩn đoán được chị Tú có thận hình móng ngựa, dính nhau. Đây là trường hợp dị dạng hiếm gặp mà theo Tiến sĩ Chuyên thì có thể đây là lần đầu tiên phát hiện tại Cần Thơ.

Chính vì không chẩn đoán trước được nên khi can thiệp nội soi kíp phẫu thuật thấy máu ra nhiều. Tiến hành mổ hở là phù hợp với biện pháp tiếp theo và lúc này các bác sĩ thấy hai quả thận dính nhau. Song bác sĩ Nguyên cứ tưởng đây là dị dạng thận trái nên cắt luôn, giữ lại thận phải nhưng thực ra đó là thận phải dính với thận trái nên sau phẫu thuật chị Tú không còn quả thận nào.

Liên quan đến ca mổ này, trách nhiệm cá nhân của từng người trong kíp phẫu thuật sẽ được xem xét theo từng mức độ vi phạm, sai sót, rủi ro trong chuyên môn do yếu năng lực. Còn đối với buổi họp hội đồng khoa học sáng 15/12 chủ yếu là tìm ra giải pháp tốt nhất để điều trị và hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân.

Hiện tai, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã gởi bệnh phẩm lên TP HCM để tiếp tục nghiên cứu. Việc đúng sai, trách nhiệm của kíp mổ đến đâu sẽ được làm rõ sau khi bệnh nhân xuất viện và kết quả phân tích bệnh phẩm được xác lập.

“Trước mắt vẫn là phải chạy thận định kỳ cho chị Tú, sau đó nếu có nguồn thận phù hợp chúng tôi sẽ tiến hành ghép thận cho bệnh nhân”, Tiến sĩ Chuyên cho biết.

Diễm Hằng

Bình luận
vtcnews.vn