Cảnh sát giao thông: "Núp" hay đứng cạnh gốc cây?

Thời sựThứ Tư, 20/04/2011 05:15:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều CSGT cho rằng họ không đứng gần đèn giao thông mà đứng cạnh gốc cây gần đó là để đảm bảo an toàn khi dừng xe, xử lý người vi phạm.

(VTC News) – Theo một số sĩ quan cảnh sát giao thông (CSGT), lý do mà nhiều CSGT không đứng gần đèn giao thông mà đứng cạnh gốc cây gần đó là để đảm bảo an toàn khi dừng xe, xử lý người vi phạm.

CSGT đứng cạnh gốc cây gần ngã tư Tạ Quang Bửu – Lê Thanh Nghị.
Ảnh: HT

Trên các đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Đại Cồ Việt…của Hà Nội, người ta hay bắt gặp CSGT đứng cạnh gốc cây, gần chốt giao thông. Vì sao họ phải làm vậy?

Từ cái lý của CSGT…

Theo Trung tá Trần Ngọc Quyên, CSGT TP Hà Nội, lý do một số chiến sĩ đứng gần gốc cây, gần chốt giao thông là vì nếu đứng ở ngay chốt giao thông hoặc ở giữa đường thì rất nguy hiểm, bởi nhiều kẻ vi phạm sẵn sàng đâm thẳng vào công an khi có tín hiệu dừng xe. Mặt khác, khi người dân dù vi phạm nhưng đang đi xe tới các điểm chốt, nếu bất ngờ bắt dừng xe thì rất dễ gây tai nạn cho người điều khiển phương tiện.

CSGT đứng nép bên cửa, quan sát người đi lại ở đường Đinh Tiên Hoàng, sát hồ Gươm. Ảnh: HT 

Do đó, theo Trung tá Quyên, một số CSGT đã đứng “chếch” chốt giao thông một chút, không phải “ẩn nấp”, mà để “hãm” tốc độ của người vi phạm từ xa, thuận tiện cho việc xử lý.

“Nếu đứng ngay ngã ba, ngã tư thì không thể dừng xe, xử phạt được. Nhiều người vi phạm thậm chí còn bảo, CSGT tránh ra cho họ đi” – Đại úy Xuân Phương, Đội CSGT số 2 giải thích.

Phạt cho đủ chỉ tiêu?

Một đội trưởng CSGT  tiết lộ, một nguyên nhân khiến công an phải “rình” để xử phạt là vì có chỉ tiêu mỗi ca phải “bắt” được bao nhiêu trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, vị này cũng phân tích, phải làm như vậy, để các chiến sĩ công an xử phạt nghiêm khắc hơn với mọi đối tượng, vì nếu không, họ có thể sẽ “bỏ qua" cho một số trường hợp sai phạm.
Còn Trung tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội Tham mưu – Kế hoạch, Phòng CSGT TP Hà Nội khẳng định, việc  các chiến sĩ đứng cách chốt giao thông 50m là phù hợp quy định của Bộ Công an. Theo đó, CSGT hoạt động trong bán kính 50m, xung quanh chốt giao thông, để đảm bảo trật tự đi lại trong khu vực này.

Phòng CSGT Hà Nội cũng chỉ quy định việc xử phạt sai phạm không được thực hiện trong bóng tối, lùm cây…mà phải xử phạt chỗ thông thoáng, nhiều người thấy, chứ không quy định CSGT không được phép đứng sau gốc cây để làm nhiệm vụ – Trung tá Trần Ngọc Ánh cho hay.

Còn Đại úy Xuân Phương phân tích thêm: “Nếu ai cũng chấp hành luật giao thông thì kể cả công an có “núp” trong bụi cây cũng không xử phạt được. Nên ý thức người dân mới quan trọng nhất”.

…đến cái "nếu" của người dân

Sáng 20/4, tại ngã tư Trần Phú – Hoàng Diệu, có 3 chiến sĩ công an không đứng ở chốt gần ngã tư, mà đứng cách đó gần 30m, cạnh các cây xà cừ. Nhiều người không nhìn thấy CSGT nên đã vượt ẩu, không bật đèn khi rẽ phải, đi sai làn đường…

“Nếu có CSGT đứng ngay ngã tư, chắc là tôi không dám đi sai làn đường” – người vi phạm là anh Nguyễn Trung Hiếu, 27 tuổi, kỹ sư xây dựng, hộ khẩu ở ô 17, Hạ Long, Nam Định tâm sự với VTC News.

Trước đó tại ngã tư Tạ Quang Bửu – Lê Thanh Nghị, có đến 5 cảnh sát (kể cả lực lượng cơ động) không đứng ở vị trí đèn báo hiệu để điều khiển các phương tiện mà lại đứng gần 2 cây to trên phố Tạ Quang Bửu, chủ yếu xử phạt các phương tiện vượt phải sai quy định, hoặc không đội mũ bảo hiểm.

“Nếu công an đứng bên đường, để ai cũng nhìn thấy thì chắc chắn sẽ ít người dám vượt đèn đỏ” – Chị Nguyễn Thị Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) nhận xét.

CSGT đứng cạnh gốc cây ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng.
Ảnh: Hoàng Tuân
 

Một giảng viên đại học tại Hà Nội trong email gửi cho chúng tôi đã so sánh, CSGT có điểm giống giám thị: nếu giám thị cứ đứng trong phòng thì khó có ai dám quay cóp, nhưng nếu giám thị rình, nấp thì không khó để bắt được nhiều người vi phạm.

Giờ cao điểm CSGT phải ưu tiên phân luồng

Trung tá Trần Ngọc Ánh khẳng định, vào giờ cao điểm, CSGT cần tập trung phân luồng là chính, để tránh tắc đường. Mặt khác, những CSGT đi tuần tra thì chỉ đứng ở một điểm nào đó khoảng 30 phút, rồi phải chuyển sang các điểm “nóng” khác.

Hoàng Lan

Bình luận
vtcnews.vn