Cảnh báo hậu quả cho những người thích sâm tươi

Kinh tếThứ Sáu, 03/12/2010 06:30:00 +07:00

(VTC News)- Sâm tươi được rao bán tràn lan trên mạng với giá khoảng 3 triệu đồng/kg. Nhưng theo các chuyên gia, nếu không biết chế biến, không nên mua sâm tươi.

(VTC News) - Sâm tươi được rao bán tràn lan trên mạng với giá khoảng 3 triệu đồng/kg. Nhưng theo các chuyên gia, nếu không biết chế biến, người tiêu dùng không nên mua sâm tươi.

Ngày nay, sức khỏe được nhiều người coi trọng hơn khi đời sống kinh tế và thu nhập cá nhân được nâng cao. Một trong những liều thuốc bồi bổ sức khỏe mà mọi người thường hay nghĩ đến đó là nhân sâm. Tuy nhiên, nếu người mua không có những hiểu biết nhất định về sản phẩm này, khả năng mua phải hàng giả là rất lớn. Đó là chưa kể đến những hậu quả không mong đợi do việc sử dụng sâm không đúng cách.

Sâm tươi mua được ngay chỉ có thể là... sâm Trung Quốc

Chỉ cần một lệnh search trên mạng, người mua có thể tìm thấy trên các diễn đàn hay các trang web những lời giới thiệu và chào bán hấp dẫn về nhân sâm và các sản phẩm từ nhân sâm.


Một bạn gái có nickname nhungx… giới thiệu: “Nhà mình có người thân hiện đang làm việc cho một nông trại sâm bên Hàn Quốc, nay có nhận các loại sâm về bán tại Việt Nam, giá cả hoàn toàn hợp lý, chất lượng sâm đảm bảo 100%”.

Những bức ảnh sâm tươi Hàn Quốc được chào bán đầy rẫy trên mạng.

Hầu hết những người bán sâm (nhân sâm) đều tự hào cho rằng: “Mình đã từng sống và làm việc tại Hàn Quốc, có đầu mối từ xứ sở Kim chi nên  lấy sâm và chuyển hàng qua tay, không thuế… giá cả rẻ hơn nhiều so với ngoài thị trường". Đủ các loại sâm như sâm tươi, sâm khô, nước cốt sâm, trà sâm, kẹo sâm, rượu sâm,… bất kể loại nào người bán cũng có thể đáp ứng chỉ sau ít ngày.

Khi chúng tôi bày tỏ ý định muốn mua sâm tươi, anh H – người chuyên kinh doanh, buôn bán nhân sâm, cho biết: “Cao hồng sâm hoặc cao hắc sâm thì luôn có sẵn còn sâm tươi 2 hôm nữa mới về”. Theo anh H, sâm tươi có giá trị tương đối lớn lại không để được lâu, chỉ cần để trong tủ lạnh khoảng 1 tuần là sâm hỏng, hết tác dụng, vì vậy, muốn có sâm tươi thì người tiêu dùng phải đặt trước. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về chất lượng của sâm tươi 6 tuổi (loại sâm già, tốt nhất – pv), anh Hà “rào trước đón sau”: “Anh nói luôn là sâm nhà anh mua về không đủ 6 năm đâu, chỉ 5 năm thôi”. Nói về cách phân biệt giữa sâm non và sâm già, anh Hà chỉ ậm ừ: Nếu sâm nhỏ thì không đủ 6 năm, sâm già phải là sâm củ to từ 2 – 3 củ/kg. “Củ nào non nhìn như củ cải, non choẹt biết ngay”, anh Hà tiết lộ.


Trong vai một người muốn mua sâm tươi, pv VTC News tới nhà vợ chồng chị Nguyễn Thị X. (Cầu Giấy, HN). Khác hoàn toàn so với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi, căn nhà của chị không hề treo biển bán sâm, phần lớn khách giao dịch với chị là qua mạng.

Vừa đẩy mấy hộp sâm khô để sẵn trên bàn về phía tôi, chị X. vừa niềm nở giới thiệu: “Sâm tươi chỉ đẹp thôi”, được ưa chuộng trong trường hợp “đem đi biếu”, còn nếu mua về để sử dụng thì nên dùng sâm khô “để được lâu, hấp thụ nhanh hơn”.

Một số người buôn sâm thừa nhận: Sâm tươi chỉ "đẹp mã", được ưa chuộng trong trường hợp đem đi biếu, làm quà tặng.

Theo chị X., sâm tươi có 2 loại: Loại hồng sâm và loại bạch sâm. “Loại trắng là bạch sâm, giá rẻ hơn nhiều, nó giống như củ cải không có chân tay, còn hồng sâm vàng hơn, tốt hơn”. Thông thường, khách tới mua nhà chị thường chọn loại 6 củ/1kg, chia ra ngâm được 2 bình rượu để bày, còn loại 3 củ, chị X. tỉ tê: Không có nhiều vì sau 6 năm thu hoạch, trên cả một vườn sâm chỉ chọn ra được một số lượng nhỏ sâm đột biến, to hơn sâm thường. Về cách phân biệt, chị X. nói: “Khi mình rửa, sâm già thì dai còn sâm non thì mủn ra”.


Chị X. tiết lộ: Nếu mua hàng ở đâu giá rẻ, lại có sẵn trong tủ lạnh, không phải đặt mua trước thì sâm đó đích thị là sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc sâm của Việt Nam, chất lượng không đảm bảo mà khách hàng không thể nhận biết được.

Giá cả “trên trời”, chất lượng đảm bảo bằng “miệng”

Tùy thuộc vào độ tuổi mà những nhà kinh doanh sâm tươi sẽ định giá cho sản phẩm của mình. Những loại sâm 6 – 7 tuổi, các hoạt chất tích trữ đầy đủ nhất luôn được chào bán với giá cao nhất. Tuy nhiên, ở mỗi cơ sở, mỗi đơn vị buôn bán lại đưa ra các mức giá khác nhau.

Tại cửa hàng kinh doanh sâm Hàn Quốc của chị Tuyết (2x Lê Thánh Tông, HN), loại sâm 6 năm (8 củ/1kg) bán với giá “ưu đãi” 1.650.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trên Cầu Giấy - HN, cơ sở của chị Lan lại khẳng định “chắc nịch”: “Sâm xịn thực sự rất đắt. Nếu bán với giá trên 1 triệu hoặc thậm chí 2,5 – 2,8 triệu đồng/kg, cửa hàng chị không thể nào tồn tại được”.

Trên một số trang rao vặt, anh Công (tại Đà Nẵng) rao bán loại nhân sâm tươi 6 tuổi, giá tùy thuộc vào trọng lượng của củ: Loại 4 củ/kg có giá 2.450.000 đồngkg, loại 6 củ/kg: 2.150.000 đồng/kg, loại 7 - 8 củ/kg: 1.950.000 đồng/kg, còn loại trên 10 củ/kg, giá mềm hơn: 1.550.000 đồng/kg. Tin nhắn rao vặt này còn không quên kèm theo một lời nhắn nhủ, lưu ý khiến không ít người tỏ ra nghi vấn về chất lượng của sâm tươi mà anh Công đang bày bán: “Sâm và linh chi có rất nhiều hàng Trung Quốc, hàng kém chất lượng, bên mình có người Hàn Quốc mang về trực tiếp nên về chất lượng hoàn toàn yên tâm là hàng Hàn Quốc “xịn”, chất lượng đảm bảo, nếu quý khách muốn mua loại rẻ hơn cũng có”.

Trên website của Vườn sâm (Gò Vấp, TP.HCM), với việc đưa ra tác dụng kỳ diệu của sâm tươi trong việc tăng cường thể lực, bồi bổ cơ thể, phục hồi sắc khí, trị nhiệt, chống lão hóa, ung thư và bệnh tiểu đường, loại 3 củ/kg được “hét” giá 5.800.000 đồng/kg, 4 củ/kg có giá 3.800.000 đồng/kg. Nếu khách muốn chọn mua loại 6 củ/kg sẽ phải bỏ ra 2.490.000 đồng/kg, còn loại 8 củ/kg tương đương 1.950.000 đồng/kg. Ngoài ra, loại 10 củ/1 kg được bán với 1.650.000 đồng/kg, 12củ/1kg: 1.450.000 đồng/kg.

Chỉ cần search trên mạng, khách hàng có thể tìm thấy trên các diễn đàn hay các trang web với những lời giới thiệu và chào bán hấp dẫn về nhân sâm và các sản phẩm từ nhân sâm.

Có thể thấy, nhiều khách hàng bỏ ra một số tiền lớn để mua sâm tươi nhưng không thể “nhìn tận mắt, sờ tận tay” trước khi lựa chọn sản phẩm mà phải đặt hàng trước hoặc đặt cọc 500.000 đồng và sau 1 tuần hay ít nhất 2 – 3 ngày mới nhận được hàng. Tuy nhiên, khi hỏi về việc cam kết, đảm bảo chất lượng của sâm tươi được thực hiện như thế nào, phần lớn các chủ buôn bán đều cho rằng: “Khách hàng tin tưởng hoàn toàn chứ không yêu cầu gì hơn… Hàng đó (sâm tươi – pv) như rau, củ, quả, xách về qua tiếp viên thì làm sao có giấy tờ được”.

Sâm tươi tốt hay không còn phụ thuộc vào chế biến

Trò chuyện với pv VTC News, ThS. Lê Thanh Sơn,  khoa Thực vật và Tài nguyên cây thuốc, Viện Dược Liệu - Bộ Y tế, người đã có nhiều năm nghiên cứu về các loài sâm ở Việt Nam, cho biết: “Nhân sâm đã qua chế biến đóng trong các túi nilon được bày bán ở thị trường nhất là các tỉnh có biên giới giáp Trung Quốc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai… thường có giá tương đối rẻ chỉ vào khoảng từ 400.000 – 500.000 đồng/kg. Nếu đem so sánh với giá sâm tươi hiện đang được chào bán thì đã có sự chênh lệch rất lớn”.

Thông thường khoảng 3-4kg sâm tươi sau khi chế biến, sao tẩm được 1kg sâm thành phẩm. Trên thực tế, các loại sản phẩm này được nhập về Việt Nam theo con đường tiểu ngạch nên không hề được kiểm định chất lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ hoàn toàn là các củ sâm đã qua sử dụng, sau đó được chế biến sao tẩm, nói cách khác đó là bã sâm.


Đánh giá về chất lượng của những loại sâm đã qua sao tẩm hoặc chế biến thành hồng sâm, hắc sâm, trà sâm,… đóng hộp hoặc cho vào dạng túi, các chuyên gia về dược liệu đều không dám khẳng định. Hơn nữa, “để giữ được lâu, người ta có sử dụng chất bảo quản hay không và chất đó có tác hại đối với sức khỏe con người như thế nào tôi không dám chắc", ThS. Lê Thanh Sơn cho biết. 

Sâm tươi được chế biến hoặc ngâm rượu bày bán trong các siêu thị lớn như BigC, Fivimart... với nhiều mức giá khác nhau. 

Thông thường, sâm sau khi chế biến phải mềm, dẻo, ít khi chế biến hay sấy ở dạng khô. Công nghệ chế biến sâm cũng tùy theo từng vùng và tùy theo từng sản phẩm. Để tạo ra Hồng sâm, Hắc sâm đôi khi còn mang tính gia truyền hay "bí quyết”.

Đối với nguồn nhân sâm tươi, ở Việt Nam, ThS. Lê Thanh Sơn khẳng định: Việt Nam không có nhân sâm mọc tự nhiên. Trước đây có một số người mang nhân sâm từ Hàn Quốc, Nhật Bản về trồng ở Cao Bằng, Hà Giang nhưng thất bại. Nhân sâm tươi mà phần lớn người dân Việt Nam hiện nay đang mua và đang dùng chủ yếu xuất phát từ ở 2 nguồn: Một từ Hàn Quốc, hai là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là sâm trồng.

“Sâm tự nhiên là sâm được thu hái trong hoang dại, loại sâm này sử dụng nguồn dinh dưỡng tự nhiên và thông thường sinh trưởng phát triển chậm. Sâm trồng thường đã có tác động nhiều bởi con người, từ khâu chọn giống, đến chế độ phân bón… thậm chí ở Nga đã có sâm biển đổi gen. Để khẳng định chất lượng so với sâm tự nhiên là khó, theo cảm quan thì tôi nghĩ nó là không thể bằng sâm tự nhiên”, ThS. Lê Thanh Sơn nói.


Hiện nay, sâm tươi bày bán trên thị trường, không có ai kiểm định, phần lớn về Việt Nam theo dạng xách tay. Một số khách du lịch khi sang Hàn Quốc được đến tận vùng trồng sâm và mua trực tiếp ngay tại vườn thì giá qui đổi đã khoảng 6 triệu đồng/kg tươi loại 6-7 củ/kg. Dựa trên công lao động, công đầu tư phân bón và kĩ thuật cũng như thời gian thu hoạch (5 – 6 năm), giá này cũng là hợp lý – theo ước tính của anh Sơn.

 Sâm tươi ngâm rượu cũng phải đúng cách.

Thông thường, người bán sâm dựa vào độ tuổi của sâm để định giá. Tuy nhiên, rất khó để phân định được độ tuổi của nhân sâm tươi. Nếu là sâm Ngọc Linh, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang… hay những loài sâm thuộc nhóm đốt trúc - mỗi năm tạo ra một đốt (ở phần rễ củ),  có thể căn cứ vào đó chúng ta biết được độ tuổi của sâm.  Còn với nhân sâm (không có đốt) dù cắt ra, người tiêu dùng cũng không thể nhận biết được sâm bao nhiêu tuổi. Mặc dù vậy bằng cảm quan chúng ta cũng có thể nhận biết được sâm nhiều tuổi hay ít tuổi thông qua mức độ chắc của củ, mức độ già hay gồ ghề của phần vỏ… - ThS. Lê Thanh Sơn chia sẻ.


Cần phải hiểu rằng: “Nhân sâm tươi tốt hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta đưa vào cơ thể như thế nào” – ThS. Lê Thanh Sơn nhắc nhở, “không nên nghĩ rằng chúng ta mua sâm tươi về tùy tiện sử dụng rồi tự kết luận: “ăn sâm là bổ” – hoàn toàn không có chuyện đó. Cách thức sử dụng như thế nào, liều lượng ra sao, dùng vào thời điểm nào, dùng cho ai, đó mới là điều quan trọng”.

Thông thường, với tâm lý sợ hàng giả, người dân mua sâm tươi sau đó đem ngâm rượu rồi sử dụng.  Nhưng việc ngâm rượu sâm cũng không hoàn toàn đơn giản. Sâm phải được phơi sấy, sao tẩm theo phương thức riêng sau đó ngâm rượu cùng với một số vị thuốc khác thì sau khi uống rượu sâm mới kích thích vào cơ thể đem lại tác dụng hữu hiệu. Đây là cả một quá trình mà không phải tất cả những người hành nghề Đông y đều làm được.

“Nếu cho củ sâm tốt  5 điểm việc sao tẩm, chế biến và cách thức sử dụng sẽ chiếm 5 điểm còn lại ”, ThS. Lê Thanh Sơn ví von. 

Bài, ảnh: Tiểu Phương


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn