Càng lên cao, tỷ lệ học sinh khá giỏi càng giảm

Giáo dụcThứ Sáu, 30/07/2010 11:26:00 +07:00

(VTC News)- "Trong chất lượng giáo dục, đã đến lúc cần nâng tỷ lệ học sinh khá giỏi. Càng lên cao, tỷ lệ học sinh khá giỏi càng giảm".

(VTC News) - "Trong chất lượng giáo dục, đã đến lúc cần nâng tỷ lệ học sinh khá giỏi. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh khá giỏi là 78%; đến THCS, tỷ lệ giỏi là 15%, khá là 33%; THPT, tỷ lệ học sinh giỏi là 5% và khá là 32%. Như vậy, càng lên cao, tỷ lệ học sinh khá giỏi càng giảm. Đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ và trả lời".

Hội nghị tổng kết năm học 2009 - 2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010- 2011
( Ảnh: Phạm Thịnh)
Đó là những nội dung được Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nêu ra trong Hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào hôm qua 29/7.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh những thành tích đáng chú ý mà ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua. Năm học vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục, thông qua 2 Nghị quyết: về cơ chế tài chính và giám sát giáo dục đại học. Chương trình kiên cố hóa trường lớp học đã thu được nhiều thành tích đặc biệt ở các địa phương.

Giáo dục vùng khó, giáo dục vùng dân tộc đã có những chuyển biến rất rõ rệt cả trên quy mô số lượng, chất lượng, cả về đội ngũ học sinh, thầy cô giáo, đặc biệt là về cơ sở vật chất. Nhắc đến kết quả thi tuyển sinh, Bộ trưởng cho rằng, với tất cả tinh thần cảnh giác cao độ với sự quay lại của bệnh thành tích mà chúng ta phải chống trong mấy năm vừa rồi, chúng ta có thể tự tin nói rằng, chất lượng của giáo dục phổ thông đã có sự chuyển biến.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì hội nghị
Bên cạnh những thành tích, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh thêm một số hạn chế: Thứ nhất, về tổng thể chất lượng giáo dục của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH, việc khắc phục và sự tiến bộ trong quá trình khắc phục những hạn chế, nhược điểm đó còn chậm. Một số hiện tượng tiêu cực vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh vẫn còn. Về vấn đề “nói không”, “chống” học sinh đánh nhau, ma túy, văn hóa phẩm độc hại, chống trò chơi điện tử bạo lực cũng cần được tuyên truyền hơn nữa.

Hàng nghìn cán bộ của các cơ quan trung ương và lãnh đạo các địa phương cũng tới dự
Vấn đề trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú cũng được Bộ trưởng đặc biệt chú ý ở tất cả các mặt như cả vấn đề chống bỏ học, phấn đấu giữ quy mô, tăng quy mô học sinh dân tộc, cả vấn đề nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả, vấn đề thầy, trò, vấn đề cho học sinh hòa nhập với các học sinh dân tộc khác, với học sinh dân tộc Kinh, đồng thời chú ý đến việc giữ bản sắc.
Độc giả muốn tra cứu điểm thi ĐH, CĐ 2010 miễn phí, bấm vào đây >> Click her


Phát biểu tại Hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến giáo dục phổ thông”. Theo bà Bình, giáo dục phổ thông là nền tảng của nền giáo dục quốc dân, đòi hỏi sự chỉ đạo, quản lý toàn diện của Bộ GD&ĐT. Những năm qua, chúng ta đã có quan tâm đến giáo dục phổ thông, nhưng chưa thực sự đúng mức”.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh:Phạm Thịnh)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chúc mừng những thành tích ngành Giáo dục đạt được trong thời gian vừa qua đồng thời đưa ra những ý kiến chỉ đạo, những vấn đề ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

Dựa trên các số liệu trong bản báo cáo tổng kết năm học 2009-2010, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo: "Đã đến lúc cần nâng tỷ lệ học sinh khá giỏi. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh khá giỏi là 78%; đến THCS, tỷ lệ giỏi là 15%, khá là 33%; THPT, tỷ lệ học sinh giỏi chỉ còn 5% và khá là 32%. Như vậy, càng lên cao, tỷ lệ học sinh khá giỏi càng giảm. Đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ và trả lời".

Ngoài ra Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành Giáo dục một số vấn đề khác như: vấn đề phát triển trường chuyên; đẩy mạnh áp dụng tin học trong quản lý nhà trường và giảng dạy; vấn đề dạy học ngoại ngữ và xây dựng chương trình phổ thông mới sau năm 2015.

Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT cùng đại diện các Sở GD&ĐT đã ký cam kết thi đua. Hội nghị cũng đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 Sở GD&ĐT có thành tích xuất sắc, dẫn đầu các vùng thi đua trong năm học; trao tặng cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho 28 Sở GD&ĐT đứng thứ nhì các vùng thi đua trong năm học. Ngoài ra Bộ cũng trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 26 Sở GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong các mặt công tác.

Hội nghị sẽ kết thúc vào hôm nay 30/7.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn