Cần phân tách dòng vốn vay phi sản xuất

Kinh tếThứ Bảy, 25/06/2011 05:42:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều ý kiến cho rằng việc đánh đồng khái niệm “phi sản xuất” hiện nay là chưa thỏa đáng.

(VTC News) – Ngày 30/6 là hạn cuối cùng  để các ngân hàng đưa tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất do với tổng dư nợ tối đa là 22%. Mốc giờ G đã cận kề và không nhiều ngân hàng sẵn sàng cho việc này.Theo đại diện của một ngân hàng thương mại nằm trên phố Láng Hạ: “Nếu không phân định rõ ràng đâu là “phi sản xuất”, đâu là “sản xuất” thì sẽ rất khó cho cả phía ngân hàng, tổ chức tín dụng và cả người được vay”.

Chỉ thị 01/CT – NHNN ngày 1/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định rõ thời gian và mức dư nợ phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa  là 22% (đến ngày 30/6) và 16% (đến ngày 3/12/2011). Sự quyết liệt này từ phía NHNN là nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

"Ngân hàng Nhà nước cần có thêm hướng dẫn..."

Cụm từ “dư nợ phi sản xuất” liên tục được các đơn vị truyền thông nhắc đến, đặc biệt là trong hội thảo chuyên ngành của lĩnh vực bất động sản (BĐS) và chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán, các chủ đầu tư BĐS cho rằng việc đánh đồng khái niệm “phi sản xuất” hiện nay là chưa thỏa đáng.

Cần phải có sự phân tách cụ thể về nguồn vốn cho vay được sử dụng trong mục đích nào, sự quay vòng của dòng vốn đó ra sao và hiệu quả sử dụng được đánh giá đến đâu. Việc này, không phải ngân hàng nào cũng có kịp thời gian để rà soát lại toàn bộ số dư nợ cho vay phi sản xuất của đơn vị mình.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Chủ trương này của NHNN là hoàn toàn đúng đắn để đảm bảo an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, về phía NHNN phải có thêm những hướng dẫn đối với các ngân hàng về việc phân tách dòng vốn trong dư nợ cho vay phi sản xuất”.

Ông phân tích: Trong lĩnh vực BĐS có nguồn vốn được dùng để xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thì nguồn vốn này phải được dùng như là một loại vốn của sản xuất. Trên cơ sở vốn này, đã có thể giải quyết được hai vấn đề là tạo ra hàng hóa là nhà ở và tạo ra công ăn việc làm cho một lượng người lao động trong xã hội. Cái này thì Nhà nước cần khuyến khích.

Nguồn vốn dùng để đầu tư xây nhà ở xã hội được coi là sản xuất hay phi sản xuất? (Ảnh internet) 

Một lượng vốn khác được các chủ đầu tư dùng để đầu tư vào các sàn BĐS,  đầu cơ… thì mới được gọi là nguồn vốn “phi sản xuất”. Cái cần hạn chế sự rủi ro chính là nguồn vốn cho vay phi sản xuất này khi hàng nghìn tỷ đồng đang bị “đắp chiếu” ở đâu đó mà không tạo ra những giá trị  về kinh tế, xã hội, lao động việc làm.

Hoặc giả như trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều công ty đại chúng huy động vốn từ nguồn giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Số vốn này sẽ được quay vòng và tái sử dụng vào các mục đích kinh doanh, sản xuất thực có của công ty.

Nếu các cổ đông tham gia ủng hộ cho cổ phiếu của công ty này mà không đủ vốn thì sẽ đi vay ngân hàng. Theo cách hiểu thông thường nhất, ngân hàng sẽ từ chối hoặc hạn chế cho vay vì đây được coi như là cho vay phi sản xuất. Mặc dù, trên thực tế, số vốn này được các cổ đông sử dụng đúng mục đích là đầu tư vào sản xuất trực tiếp.

"Xử phạt các ngân hàng không đảm bảo đúng lộ trình..."

Đại diện một ngân hàng thương mại nằm trên phố Láng Hạ cho biết: “Nếu không phân định rõ ràng đâu là “phi sản xuất”, đâu là “sản xuất” thì sẽ rất khó cho cả phía ngân hàng, tổ chức tín dụng và cả người được vay”.

Theo vị này, dù mục đích vay và sử dụng vốn của người vay là chính đáng nhưng vì nằm trong khung “phi sản xuất” nên ngân hàng phải hạn chế để tuân thủ đúng quy định của NHNN và tránh rủi ro nếu có. Cái khó của người đi vay là cần vốn mà không thể có vốn.

Trước giờ G như quy định, phần lớn bộ phận tín dụng của các ngân hàng đang chạy đua nước rút để đảm bảo đúng lộ trình nhưng sự thực này rất khó có thể thực thi. Chỉ có một số ít các ngân hàng như Vietinbank, Oceanbank, Techcombank… là đủ tự tin trước mốc giờ G khi đã kịp khống chế và đưa mức dư nợ phi sản xuất trên tổng dư nợ tối đa từ 10,2% – 22%.  

Mới đây, trao đổi với báo giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, hiện còn 20 ngân hàng đang có dư nợ phi sản xuất trên 22%, cá biệt có 2 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất trên 50%.

Thống đốc cũng cho rằng việc quy đinh giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất đã được NHNN ban hành từ đầu tháng 3 nên hoàn toàn đủ thời gian để các ngân hàng điều chỉnh giảm vào cuối tháng 6.

Sau ngày 30/6, NHNN sẽ có chế tài xử phạt với tất cả các ngân hàng không đảm bảo đúng lộ trình đã được đưa ra. Mặt khác, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để có những hướng dẫn cụ thể cho những thắc mắc mà các ngân hàng đang gặp phải trong quá trình thực hiện.

Hoài Nam


Bình luận
vtcnews.vn