'Cán bộ về hưu tiền đâu ra mà lắm thế?'

Thời sựThứ Ba, 07/10/2014 07:22:00 +07:00

Cử tri quận Hoàn Kiếm, HN đặt câu hỏi 'cán bộ về hưu rồi mà tiền của nhiều như vậy thì ở đâu ra'.

'Nghỉ hưu rồi mà tiền của nhiều như vậy thì ở đâu ra? Như trường hợp của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, báo chí nêu đúng sai thế nào cần phải làm rõ'- cử tri quận Hoàn Kiếm, HN nêu.

Chiều 6/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm.

Tại buổi tiếp xúc cử tri này, đề cao các hoạt động của Thường vụ Quốc hội giữa 2 kỳ họp song cử tri Nông Quang Lộc, Ủy viên UBMTTQ quận Hoàn Kiếm tỏ ra băn khoăn khi chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế rất chậm. Ông Lộc cũng cho rằng, cách tính GDP không sát thực, không định vị được nền kinh tế.

Cử tri Lộc đặt câu hỏi "nền kinh tế đang phục hồi liệu có đúng không?" và cho rằng nền kinh tế đang ở tình trạng rủi ro khi nợ công, nợ xấu lớn còn lớn, mặt khác chúng ta lại đang phải đi vay tiền để trả nợ.
Cử tri Nông Quang Lộc phát biểu ý kiến (Ảnh: ND) 
Đề cập đến vấn nạn tham nhũng, băn khoăn vì sao thu hồi tài sản chỉ được 10%, ông Lộc cho rằng việc quản lý tài sản, tiền của cán bộ không thực sự nghiêm túc. Cử tri đề nghị phải xử lý nghiêm cả người nghỉ hưu nếu vẫn dính đến tham nhũng.

“Nghỉ hưu rồi mà tiền của nhiều như vậy thì ở đâu ra? Dư luận phản ánh, cơ quan có trách nhiệm phải thông báo cho dân biết rõ. Như trường hợp của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền báo chí nêu đúng sai như thế nào? Nếu chúng ta cứ im lặng thì người ta sẽ không phản ánh nữa. Chống tham nhũng phải mạnh hơn, vì đây là vấn đề sống còn của chế độ” – cử tri Lộc đề nghị.

Liên quan đến vấn đề quy trách nhiệm, cử tri Hoàn Kiếm đề nghị nếu người nào không làm được việc thì phải miễn nhiệm, cách chức hoặc có cơ chế từ chức. Các nước văn hóa từ chức cao lắm, lòng tự trọng cao lắm. Khi không làm được việc thì người ta xin từ chức. Còn chúng ta do gắn liền với nhiều quyền lợi, bổng lộc nên theo cử tri văn hóa từ chức vẫn còn rất kém.

Đề cao chủ trương lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, cử tri Bùi Phi Hữu (phường Hàng Trống) cho đây là việc làm rất quyết liệt của Quốc hội, đã và đang tạo được sự đồng thuận của cử tri và nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, cử tri Hữu cũng cho rằng, việc trả lời chất vấn thời gian qua cũng được nâng cao, nhưng cần đi thẳng vào vấn đề chất vấn hơn nữa, tránh để chủ tọa phiên chất vấn phải nhắc nhở nhiều.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Quang chia sẻ với cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 6/10 (Ảnh: ND) 
Một vấn đề khác được nhiều cử tri quan tâm là Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo cử tri, việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện đã được thực hiện thí điểm,nhưng đến giờ này cử tri vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào về kết quả thực hiện nên vẫn còn nhiều băn khoăn. Cử tri đề nghị trước khi văn bản được ban hành thì phải có sự đóng góp ý kiến của người dân và phải được sự chuẩn y của Bộ Tư pháp.

Giải đáp những băn khoăn của cử tri liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Quang cho rằng, Luật tổ chức chính quyền nhân dân hiện đang được tổng kết đánh giá với 2 phương án. Ông Quang đồng thuận với việc thực hiện phương án 2, giữ nguyên HĐND cấp quận, huyện, phường, vì ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát của nhân dân.

Về chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, đây là quyết tâm chính trị của Đảng ta được xác định từ Đại hội 11. Thủ tướng Chính phủ sau đó cũng đã quán triệt, tái cấu trúc con đường duy nhất đúng là cổ phần hóa và phải quyết tâm làm. Thủ tướng cũng yêu cầu thủ trưởng đơn vị nào nào làm không quyết liệt, hay làm chậm thì sẽ phải luân chuyển sang các đơn vị khác.

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn