Cán bộ 'hô biến' ruộng của 16 hộ dân thành ao cá: Lãnh đạo huyện chỉ đạo làm rõ

Thời sựThứ Sáu, 18/08/2017 12:07:00 +07:00

Chính quyền huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của anh Nghĩa trong việc tự ý đào ruộng của 16 hộ dân để làm ao nuôi cá.

Liên quan vụ việc ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vận động 16 hộ dân thôn Cự Lâm (xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) nhượng lại ruộng lúa để đào ao nuôi cá nhưng không cấp được ruộng mới cho dân như đã hứa, PV VTC News đã có buổi làm việc với chính quyền huyện Can Lộc để làm rõ.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Viết Tiến, Phó chủ tịch HĐND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nhận được phản ánh về việc ông Nghĩa tự ý đào ruộng của người dân thôn Cự Lâm để đắp ao nuôi cá, huyện đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.

“Giờ đang trong thời gian thanh tra nên chưa biết đúng sai thế nào, nhưng quan điểm của huyện là nếu ai làm sai thì người đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”, ông Tiến nói.

Video: Cán bộ tư pháp huyện 'hô biến' ruộng dân thành ao nuôi cá

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc cho biết, hiện xã đã nhận được chỉ đạo, yêu cầu của huyện về việc công khai kiểm tra làm rõ, đồng thời trước mắt giao trách nhiệm cho người liên quan phải hoàn trả lại mặt bằng ruộng cho người dân.

"Anh Nghĩa tự ý đào ruộng của dân là sai, nhưng cái sai lớn nhất của anh Nghĩa là nóng vội, chưa cấp được ruộng mới cho dân nhưng đã tự ý thuê máy đào ruộng cũ của dân để đắp ao nuôi cá", ông Quế nói.

Trả lời PV VTC News, anh Nguyễn Viết Nghĩa, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Can Lộc cam kết, sau khi thu hoạch xong vụ lúa tháng 10/2017 sẽ thuê máy đào hoàn trả lại mặt bằng ruộng cho người dân thôn Cự Lâm để người dân tiếp tục canh tác.

Trước đó, theo phản ánh của 16 hộ dân tại thôn Cự Lâm, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) trước đây gia đình họ sống chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá dưới sông Vạn Chài.

Năm 1996, họ được vận động lên bờ sinh sống và được nhà nước giao đất, cấp bìa cho mỗi hộ 1 sào ruộng tại cánh đồng Nghèn (thuộc thôn Cự Lâm) để canh tác mưu sinh.

Đến năm 2015, ông Trần Hữu Đoài - Trưởng thôn Cự Lâm đến vận động 16 hộ dân nhường lại 16 sào ruộng lúa tại đồng Nghèn để chuyển về nhận 16 sào ruộng khác tại đồng Trại (thuộc thôn Cự Lâm) để canh tác. Ông Đoài hứa sẽ cấp bìa mới cho 16 hộ dân nếu họ chuyển về nhận ruộng tại đồng Trại để canh tác.

img_0059-4-0912150

Nhiều diện tích ruộng của người dân thôn Cự Lâm bị cán bộ huyện đắp đường, đào ao nuôi cá. (Ảnh: P.H)

Sau đó, ông Đoài yêu cầu 16 hộ, mỗi hộ dân phải đóng 600.000 đồng để lấy kinh phí đắp đường tại cánh đồng Trại để phục vụ quá trình cải tạo ruộng lấy đất sản xuất cho 16 hộ dân.

Anh Trần Sỹ Năng (một trong 16 hộ dân có đất ruộng tại đồng Nghèn) cho biết: "Khi 16 hộ dân đồng ý chuyển về nhận đất ruộng ở đồng Trại để canh tác thì ông Đoài không cấp được sổ đất như đã hứa trước đó. Người dân lên hỏi chính quyền xã thì xã bảo hiện tại địa phương không có quỹ đất dự phòng và không đồng ý việc cấp bìa, cấp ruộng tại cánh đồng Trại.

Không được nhận đất ở đồng Trại và cấp bìa như đã hứa, chúng tôi quay lại ruộng mình ở đồng Nghèn để tiếp tục canh tác thì đất ruộng của chúng tôi ở đây đã bị anh Nguyễn Viết Nghĩa (trú xã Vượng Lộc, hiện là Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Can Lộc) huy động máy múc làm đường, đào ao để nuôi cá mà chúng tôi không hề được biết”.

Chính vì vậy, gần 3 năm nay, 16 hộ dân thôn Cự Lâm dù vẫn nắm trong tay sổ đất nhưng không còn ruộng để sản xuất.

Một số sào ruộng đã bị ông Nghĩa thuê máy múc đắp đường, đào ao sâu 1m để thả cá, số ruộng còn lại đã bị đắp ngăn không còn đường vào để sản xuất. Các hộ dân nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Anh Trần Quốc Tiến (thôn Cự Lâm, xã Vượng Lộc) bức xúc: “Chúng tôi là dân nông nghiệp, kinh tế khó khăn, sống chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng. Đã gần 3 năm nay, 16 hộ dân chúng tôi nắm trong tay bìa đất nhưng lại không có ruộng để sản xuất.

Chúng tôi yêu cầu phải trả lại mặt bằng ruộng như cũ để dân sản xuất, đồng thời những ai làm sai sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luât, phải có phương án đền bù 3 năm sản xuất cho người dân dân”.

Phan Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn