Căn bệnh kỳ quái của chàng trai mỗi khi nhìn thấy gián bò

Sức khỏeThứ Tư, 27/07/2016 06:51:00 +07:00

Gián trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, một căn bệnh kỳ quặc với chàng trai 25 tuổi đến mức anh phải đi chữa trị khắp nơi mà chưa thuyên giảm.

Đó là trường hợp của anh Trần Hữu D. (25 tuổi, ở Hải Phòng). Là một thanh niên cao lớn, có vẻ ngoài trông khoẻ mạnh, nhìn D. không ai nghĩ anh lại mắc phải căn bệnh kỳ lạ là dị ứng với gián dù chỉ cần nhìn, không cần chạm vào loài côn trùng này. 

Bà Nguyễn Vân H. (mẹ D. cho biết), gián trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với D., điều mà anh không bao giờ muốn nhắc lại. Mỗi khi nhìn thấy gián là D. sợ hãi, lao ngay vào phòng riêng, trùm kín chăn, không chỉ thế, anh còn bị nổi mẩn khắp người. 

Trả lời về trường hợp của anh Trần Hữu D., TS – BS Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng Bộ môn Dị ứng Trường Đại học Y Hà Nội, giám đốc Trung tâm Dị ứng – miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đây đúng là ‘bệnh’ kỳ lạ nhưng chủ yếu vẫn là do tâm lý khiến cơ thể sản sinh ra nốt mẩn. 

Hiện anh D. vẫn đang tìm cách chữa trị căn bệnh kỳ lạ của mình nhưng chưa được tận gốc. 

gian1

 

Không chỉ D., đã có một Hội những người sợ gián được lập ra để những người chung hoàn cảnh cùng chia sẻ về nỗi sợ gián của mình. 

Một thành viên chia sẻ: "Hồi 5 tuổi mình bị gián bò vào chân nên từ đó đến giờ rất sợ gián. Cứ gặp gián là nổi da gà, chân tay bủn rủn, ngứa ngáy khắp người. Hôm nào mà gặp gián thì đêm đó thế nào cũng ngủ mơ bị đàn gián tấn công".

Thành viên khác còn bày tỏ nỗi kinh sợ: "Hôm đó, tôi đi nhậu về xỉn quá quên rửa miệng. Ban đêm, gián bò lên miệng liếm láp, mình phản xạ tự nhiên đưa tay lên chùi 1 phát, nó chèm bẹp cả ra, cái mùi gián kinh không chịu nổi, kèm thêm hơi men trong miệng thoát ra nữa... Bữa đó mình ói ngay trên giường luôn".

Còn Jone, một người Mỹ chia sẻ trên BBC: "Lúc đó, tôi còn là một đứa trẻ, một buổi sáng tỉnh dậy, tôi thò tay vớ cái bánh kem sô cô la gần đó và cho vào miệng nhai. Một mùi vị khủng khiếp và tôi nhổ ra ngay tấm thảm. Thật kinh khủng, đó là gián trong miếng bánh. Quá khủng khiếp nên tôi bị ám ảnh từ đó đến giờ".

Các chuyên gia cho biết, có nhiều phương pháp điều trị chứng ám ảnh sợ hãi như những người sợ gián, từ tư vấn, tâm lý liệu pháp, thôi miên... Và khi bị ám ảnh sợ hãi, có thể dùng liệu pháp nhận thức - hành vi, giúp người bệnh tập thích nghi, có thể tập nhìn qua ảnh, tập nhìn gián trong lọ.

Người bệnh cần tập từng bước, cố gắng trấn tĩnh nỗi sợ, tập đến khi nào hết sợ thì qua bước kế tiếp, từ từ cho đến khi đến bước cuối cùng.

Jeff Lockwood, một giáo sư về khoa học tự nhiên và nhân văn tại Đại học Wyoming, Mỹ bắt đầu điều trị bệnh sợ gián bằng hàng loạt câu hỏi với bệnh nhân. ‘Điều gì từ gián khiến anh sợ hãi, có phải do màu sắc hay đôi chân gián khiến anh sợ?’

Lockwook kiên nhẫn lắng nghe bệnh nhân kể những câu chuyện của mình và đặt câu hỏi: ‘Vậy gián chưa thực sự làm bạn đau đớn phải không?’. Ông khẳng định, để khống chế nỗi sợ hãi cần phải quen với những nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi.

gian

 

Tại Tây Ban Nha, một cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học được tiến hành trên 6 người tình nguyện bị suy nhược bởi nỗi sợ gián.

Một người tham gia muốn bán căn hộ của cô sau khi thấy gián, trong khi người khác từ chối đến thăm bà ngoại vì sợ nhìn thấy một con gián ở nhà bà. Còn những người khác cho biết, ‘mất hoàn toàn kiểm soát’ khi nhìn thấy một con gián.

Trước khi trải qua liệu pháp tăng cường thực tế, không ai trong số 6 người này đồng ý đi vào căn phòng có chứa một con gián sống trong một thùng nhựa.

Nhưng sau khi để những con gián giả bò trên bàn tay trong vòng 1-3 giờ, mức độ lo lắng của họ từ từ giảm. Khi thử nghiệm kết thúc, họ có thể tiếp cận một cách gián tiếp, thậm chí sờ một ngón tay vào thùng chứa gián trong một vài giây. Mười hai tháng sau khi điều trị ban đầu, những người tham gia  tiếp tục được điều trị duy trì và nâng cao và giảm dần nỗi sợ hãi của mình với gián. 

"Một bộ não ám ảnh đã được lưu trữ thông tin xấu về gián: họ nghĩ rằng gián là rất rất nguy hiểm", Cristina Botella, giáo sư tâm lý học lâm sàng và lãnh đạo của nghiên cứu này cho biết. "Hệ thống tăng cường thực tế, nhằm thay đổi điều sợ hãi bằng cách chứng minh gián vô hại. Khi đó, bộ não có thể lưu trữ thông tin mới mà không tương thích với cái cũ và nỗi sợ hãi cũng sẽ dần bớt đi", bà nói.

Video: Sợ hãi tột cùng khi cận kề hàm cá mập

Kiến Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn