Cảm ơn mẹ vì đã là mẹ của con!

Góc của nàngThứ Năm, 12/11/2015 12:07:00 +07:00

Con bỗng thấy nhớ mẹ cồn cào, thèm được ôm mẹ thật chặt, lắng tai nghe mẹ dặn: Hạnh phúc là biết cho đi mà không mong nhận lại, là biết sống vị tha

Con bỗng thấy nhớ mẹ cồn cào, thèm được ôm mẹ thật chặt, lắng tai nghe mẹ dặn: "Hạnh phúc là biết cho đi mà không mong nhận lại, là biết sống vị tha để luôn ngẩng cao đầu".

Mẹ của con!

Nếu giờ này ở nhà, chắc hẳn mẹ đã gõ cửa phòng, nhẹ nhàng nhắc con ngủ sớm, giữ sức khỏe mai còn đi học. Hôm nay là ngày đầu con sống ở xứ người - rời xa khỏi vòng tay mẹ. Khi đặt bước chân đầu tiên xuống sân bay, con bỗng thấy lòng mình đầy háo hức. Thế là con đã thật sự bắt đầu một cuộc sống mới như con từng mơ ước và mẹ vẫn thường cổ vũ con hãy thực hiện ước mơ ấy.

Con bỗng thấy nhớ mẹ cồn cào, thèm được ôm mẹ thật chặt, lắng tai nghe mẹ dặn: "Hạnh phúc là biết cho đi mà không mong nhận lại, là biết sống vị tha để luôn ngẩng cao đầu"


Con nhớ bà ngoại nói, đôi mắt con đượm buồn là bởi ngày xưa mẹ khóc nhiều - từ hồi con mới chỉ là cái bào thai chưa được ba tháng tuổi trong bụng mẹ. Khi ấy, bà nội coi khinh công việc nhân viên bưu điện của mẹ, bà nói mẹ làm việc lương thấp không đủ sống thì làm sao nuôi được con. Và bà yêu cầu mẹ bỏ việc để phụ bà trông nom cửa hàng buôn bán lớn ở chợ Đồng Xuân. Mẹ không đồng ý. Bà đã nói: "Biết thế này, tôi thà cưới cho con trai một con vợ nhà quê để nó tuân theo lời tôi, chứ không phải một đứa chống lại mẹ chồng như cô. Con tôi trót lấy phải đứa như cô đúng là nhà tôi vô phúc". Mà, bà đã làm thật đó thôi. Bà cưới vợ khác cho bố chỉ vì mẹ kiên quyết không bỏ nghề, nhẫn tâm đẩy mẹ đang mang thai cháu nội của bà vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha. Bà đuổi mẹ ra khỏi nhà sau khi bắt bố từ hôn, người chồng vốn răm rắp nghe lời của bà đã không hề bênh vực mẹ mà còn vui vẻ đồng ý cưới vợ khác.

Cầu cứu chồng không được, mẹ đã khóc cạn nước mắt nhưng không ai bênh vực, mẹ đành về nhà mẹ đẻ để nương tựa. Hai nhà cùng trong một khu tập thể, thấy mẹ bụng mang dạ chửa mà lại bị nhà chồng đuổi đi rồi cưới con dâu mới, người đời cay nghiệt buông lời dèm pha: "Chắc chửa hoang nên bị ruồng bỏ", rồi "ăn ở phải thế nào thì người ta mới đuổi ra ngoài đường như thế". Tới cả anh em ruột cũng còn nghi ngại mẹ làm điều gì tai tiếng thật nên sợ vạ lây, tránh né mẹ. Cũng có người thương mẹ, khuyên mẹ hãy phá bỏ cái thai vì đó là con của kẻ bạc tình. Tủi hận thật không sao kể xiết. Thế nhưng mẹ ngậm đắng nuốt cay vượt qua tất cả, nhất định không bỏ con.

Ở cách nhau có vài dãy nhà, dù không muốn nhưng khó tránh khỏi những chạm trán thường ngày. Lúc nhỏ, con hay trách thầm mẹ quá khắt khe, không yêu thương con. Mẹ nhớ không, đã có lần con khóc rồi hét toáng lên: "Con ghét mẹ". Nghe xong mẹ không đánh, không mắng mà ôm con vào lòng khóc nức, mặc cho con vùng vằng. Nước mắt mẹ ướt đẫm cả mặt, cả cổ con. Nhưng giờ con hiểu vì sao mẹ làm thế, con cũng hiểu vì sao mỗi dịp trung thu mẹ lại đưa con đi lang thang tới tận muộn mới về trong khi những đứa trẻ gần nhà được quây quần phá cỗ dưới trăng, hát hò vui vẻ. Con hiểu vì sao khi con bước chân từ trường về mẹ bắt con làm đủ thứ việc để con không có thời gian đi chơi với bọn trẻ con cùng phố. Phải làm thế chắc hẳn mẹ cũng xót xa lắm, mẹ sợ con tổn thương khi thấy người bố ấy nhìn con khinh khỉnh nhưng lại hết lòng yêu thương, chăm sóc cho hai đứa con gái với vợ khác.


Mẹ muốn giành hết nỗi đau về mình... 

Tới khi con đi học, lũ bạn cùng lớp chỉ trỏ hỏi con: "Bố mày đâu?", "Sao mày không có bố?" cũng là lúc sự hận thù bắt đầu nhen nhóm trong con. Con không thỏa mãn với câu trả lời của mẹ rằng: "Con đừng quan tâm tới mấy lời chọc ghẹo đó, chỉ cần con học giỏi hơn tất cả, con sẽ không phải sợ gì". Nhưng mẹ ơi, mẹ có biết chúng nó còn rỉ tai nhau "cái đứa ấy nó học giỏi thì cũng để làm gì, suy cho cùng cũng là đứa con hoang, con rơi". Thay vì đấm vào mặt chúng cho thoả nỗi uất ức, con trút giận lên thân xác mình như một người điên trong cơn tức giận. Bởi con biết, đánh được chúng để thỏa mãn mình thì đồng thời con cũng làm mẹ đau lòng. Người ta sẽ lại nói mẹ là "không biết dạy con". Người ta sẽ chửi con là "đứa không có bố, mai này rồi chẳng ra gì". Nhất định con không để bất cứ ai có cơ hội nói ra bất kỳ lời nào làm tổn thương mẹ như vậy. Dường như mẹ biết nỗi khổ ấy của con, mẹ lặng lẽ thuê nhà đi ở nơi khác, chuyển con sang học trường mới.

Thế mà con đã để người đời chê trách mẹ, mẹ biết không? Khi bà nội hấp hối, người bố ấy đã đến tìm con, nói rằng bà nội và bố muốn xin lỗi con, muốn con sang nhà để bà được nhận cháu. Con đã lạnh lùng: "Cháu không biết bác là ai! Cháu cũng không biết ai là bà nội! Bố cháu đã chết 16 năm trước". Con đã đóng sập cánh cổng nhà mình, mặc cho ông ấy van nài. Lúc đó trong lòng đứa trẻ mới lớn là con chỉ có nỗi căm hận chất chồng. Con đã 15 tuổi, sao ông ấy không đến nhận con trong suốt 15 năm đó? Con có tội gì để bị bố mình bỏ rơi ngay từ khi chưa chào đời? 

Phải chăng bây giờ họ cần đứa cháu này vì tổ tông nhà họ cần người có cháu chịu tang chứ họ yêu thương gì mà đến nhận con? Con lạnh lùng từ chối họ, lúc đó con khoái chí lắm vì đã thay mẹ trả thù cho cả mẹ và cả cho con nữa. Nhưng con không ngờ rằng, bởi con giấu mẹ chuyện bà nội sắp qua đời mà thiên hạ thêm một lần miệt thị mẹ và con là "kẻ máu lạnh", "sống nhẫn tâm". Không bao giờ con muốn mẹ của con phải đau lòng như vậy. Mẹ ơi, sâu thẳm nỗi nhớ ấy trong con còn có một cảm giác tội lỗi đeo bám, khiến con day dứt khôn nguôi. Những lúc mẹ tự trách mình không biết bà nội mất để về thắp cho bà một nén nhang tiễn biệt thì lương tâm con lại dằn vặt. Chính con đã giấu mẹ... Mẹ vẫn luôn nhắc nhở: "Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn". Trong con lúc đó chỉ biết có oán hận, đâu đã hiểu lẽ đời...


Khi lòng mẹ trĩu nặng, lòng con cũng chẳng thể nhẹ nhàng. Bởi với con, mẹ quan trọng hơn mọi thứ trên đời. Mẹ đã cho con sự sống khi mà ngày ấy mẹ hoàn toàn có quyền bỏ đi cái thai mới chưa đến ba tháng tuổi. Cũng đã có lúc con chán nản, bỏ bê học hành, đi theo đám bạn chơi bời, dấn thân vào thế giới u mê của những trò chơi để trốn tránh thực tại. Nếu không có mẹ ròng rã bao ngày đi khắp nơi tìm con, kéo con ra khỏi thế giới ấy, rồi nỗ lực từng ngày đưa con bước đến con đường xán lạn thì có lẽ con đã chẳng được ở đây như ngày hôm nay. Mẹ không chỉ là người sinh thành, nuôi dưỡng mà còn là nghị lực sống của con. Cuối cùng sau gần 20 năm nỗ lực của mẹ, con đã giành được học bổng du học nước ngoài.

Suốt chặng đường bay, con suy nghĩ rất nhiều. Con nhận ra rằng mọi sự hi sinh, nhẫn nhịn mẹ đã làm đều là vì con. Mẹ khắt khe với con để con được trưởng thành, được hơn người. Mẹ dạy con sống yêu thương, biết tha thứ vì muốn cuộc đời con có nhiều hơn niềm vui và tình yêu hơn sự thù hận. Mẹ từng nói: "Con người hơn các động vật khác là nhờ có trí khôn và đạo đức. Nếu bỏ đi đạo đức, con người chẳng khác gì loài thú". Mẹ hãy tha thứ cho sai lầm của con mẹ nhé. Con nhất định trở thành người tốt để xứng đáng với niềm tin, tình yêu và sự hi sinh của mẹ. Con sẽ làm như mẹ dạy: sống tha thứ, xóa bỏ hận thù - chỉ có như thế con mới có thể ngẩng cao đầu, hiên ngang bước đi.

Ngày hôm nay, nước mắt con rơi bởi hạnh phúc khi được làm con của mẹ. Ngày trở về, con mong được ngắm nhìn gương mặt mẹ rạng rỡ tự hào vì đã sinh ra con. Con sẽ phấn đấu để gặt hái thành công, sống đàng hoàng để những kẻ đã nói: "Mẹ con nó sẽ chẳng làm nên được gì đâu" phải ân hận. Con sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy rằng: Dẫu bị chà đạp nhưng con của mẹ vẫn được nuôi dạy thành người bởi mẹ của con là người phụ nữ sống lương thiện và vị tha.

Tâm Giao/Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Bình luận
vtcnews.vn