Những loại đồ uống làm tăng nguy cơ loãng xương

Đời sốngThứ Tư, 29/04/2015 07:16:00 +07:00

Các nhà nghiên cứu cho biết rằng phụ nữ uống 330mg cafein mỗi ngày tương đương với bốn tách cà phê tăng nguy cơ gãy xương hơn những người khác.

(VTC News) - Các nhà nghiên cứu cho biết rằng phụ nữ uống 330mg cafein mỗi ngày tương đương với bốn tách cà phê tăng nguy cơ gãy xương hơn những người khác.

Uống cà phê thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. 

Rượu

Theo TS Dina Khader, cố vấn dinh dưỡng tại Mount Kisco, New York (Mỹ), mức tiêu thụ rượu ở mức độ nặng và mạn tính có thể góp phần làm giảm khối lượng xương, hao mòn các tế bào tạo xương, tăng nguy cơ rạn xương và làm chậm quá trình lành vết thương ở khu vực này. 

Để tăng cường độ vững chắc của xương và phòng chống loãng xương, nên uống rượu ở mức độ vừa phải. Phụ nữ chỉ nên uống 1 ly rượu/ngày và đàn ông là 2 ly rượu/ngày.

Cà phê

Trong một nghiên cứu gần đây trên 31.527 phụ nữ Thụy Điển trong độ tuổi từ 40 đến 76 do Cục Quản lí Thực phẩm Quốc gia Thụy Điển tiến hành, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng những phụ nữ uống 330mg cafein mỗi ngày tương đương với bốn tách cà phê tăng nguy cơ gãy xương hơn những người khác. 

Đặc biệt điều này còn ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Các nhà nghiên cứu không tìm ra được sự liên hệ giữa trà và tăng nguy cơ gãy xương. Lí do có thể là cafein trong trà chỉ bằng một nửa ở cà phê.

Nước có ga

Theo nghiên cứu đo mật độ khoáng xương trong xương sống và hông của 1413 phụ nữ và 1125 nam giới tại Framingham theo mức độ tiêu thụ nước giải khát của họ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng đồ uống có ga và các loại cà phê khác cũng có thể gây ra loãng xương. 

Theo nhà nghiên cứu dinh dưỡng và điều phối viên Kristine Cuthrell, Trung tâm nghiên cứu ung thư thuộc trường Đại học Hawaii tại Honolulu: “Lượng phốt pho trong nước ngọt có ga có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi”.

Đồ uống nhiều muối 

Muối (cụ thể là natri) làm mất canxi, làm suy yếu xương theo thời gian. Theo các chuyên gia, bạn sẽ mất khoảng 40 mg canxi trong nước tiểu cho mỗi 2.300 mg natri, lượng natri bạn sẽ nhận được trong một ngày (bằng một muỗng cà phê muối).

Trong một nghiên cứu được tiến hành đối với phụ nữ sau mãn kinh, nó đã được tìm thấy rằng những phụ nữ tiêu thụ một chế độ ăn giàu natri thì xương sẽ dễ mất chất khoáng hơn so với những người không ăn nhiều muối.

Biện pháp phòng ngừa bệnh loãng xương

Tăng cường can-xi

Can-xi quan trọng không chỉ bởi vì nó cấu thành xương mà còn bởi vì nó ngăn chặn sự loãng xương, giảm mật độ xương. 

Thực vậy, khi nồng độ can-xi trong máu giảm, cơ thể sẽ sản xuất hormon Parathormon có nhiệm vụ “giải phóng” can-xi (phần lớn từ xương) chuyển vào trong máu. Quá trình di chuyển này làm giảm hàm lượng canxi trong xương, lâu ngày gây bệnh loãng xương.

Bổ sung vitamin D

Vitamin D cho phép cơ thể hấp thụ canxi. Nếu thiếu vitamin D, xương sẽ trở nên giòn và yếu. Ở người lớn, quá ít vitamin D sẽ dẫn tới dị dạng xương và loãng xương.

Có thể bổ sung vitamin D bằng thực phẩm. Khi vào cơ thể, vitamin D được hấp thu trong ruột non kèm theo chất béo rồi được đưa vào máu. Tuy nhiên, vitamin D có ít trong thực phẩm tự nhiên trừ một vài loại cá biển béo (nhất là trong gan của chúng).

Vận động thường xuyên

Vận động thể chất thường xuyên giúp bảo vệ hệ xương: kích thích sự hình thành xương và tăng cường cơ bắp nên tránh được nguy cơ gãy xương, rạn nứt xương.


An Nhiên (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn