Cảm động hai anh em tật nguyền lấy vợ qua… thư

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 26/03/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Ở chân ngọn núi Gò Dài, dưới tán bụi tre pheo rậm rạp, ngay mép sông Hồng, có hai chàng trai, là hai anh em ruột, có số phận kỳ lạ và cay nghiệt.

(VTC News) - Ở chân ngọn núi Gò Dài, dưới tán những bụi tre pheo rậm rạp, ngay mép sông Hồng, có hai chàng trai, là hai anh em ruột, có số phận kỳ lạ và cay nghiệt.

Kỳ 1: Viết thư hiến mắt

Tôi biết hai anh em Phạm Văn Hương và Phạm Văn Xuân (Xuân Quang, Tam Nông, Phú Thọ) từ 8 năm trước. Lý do tôi tìm gặp là bởi ngày đó, Phạm Văn Hương và người anh trai Phạm Văn Xuân đã thực hiện một kế hoạch… kỳ dị, đó là viết thư gửi GS.TS Nguyễn Trọng Nhân – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện là Phó Chủ tịch Hội bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Nội dung thư mong muốn, nhờ GS. Nhân tìm giúp một cô gái mù và thực hiện phẫu thuật để hiến đôi mắt đẹp đẽ nhất của mình cho cô gái đó.

Hai anh em Hương và Xuân cùng hai người vợ lấy được qua thư từ. 

Hồi đó, vào lúc đêm khuya, Đài tiếng nói Việt Nam đã phát chương trình phỏng vấn GS. Nguyễn Trọng Nhân về đề tài cấy ghép các bộ phận trên cơ thể người. Sau khi nghe xong chương trình ấy, hai anh em Hương và Xuân đã nảy sinh một quyết định bất ngờ. Suốt đêm ấy, hai anh em chong đèn ngẫm ngợi, rồi viết một lá thư, nhờ đứa cháu mang ra bưu điện xã, gửi cho GS. Nguyễn Trọng Nhân. Nội dung lá thư thế này: “Kính gửi giáo sư Nguyễn Trọng Nhân! Cháu không giấu gì giáo sư, vừa qua cháu có xin bác Cường, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ cho cháu đi chữa bệnh, nhưng bác ấy bảo là không được vì kinh phí không có nên cháu rất buồn. Hôm nay cháu viết thư cho giáo sư, nhờ giáo sư trực tiếp về nhà cháu xem giúp bệnh cho cháu xem có chữa được không (...). Nếu mà không chữa được, cháu xin nhờ giáo sư tìm cho cháu một người con gái bị khiếm thị nhưng phải là người giỏi để cháu có thể hiến dâng đôi mắt của mình cho người ta. Trước khi viết thư cháu đã nghĩ kỹ rồi, thà cháu ngồi đây không nhìn thấy gì còn hơn. Mỗi lúc nhìn thấy đôi chân co quắp cháu lại khóc…”.

Hằng đêm, hai anh em chong đèn trong ngồi nhà nhỏ xíu bên sông Hồng này để viết thư tìm vợ. 

Lá thư của hai chàng trai tật nguyền với những nét chữ không tròn vành, rõ nghĩa, song ý tưởng thì rất đáng quý. Việc ghép mắt khoa học hiện đại có thể làm được, song chưa từng có chuyện lấy mắt của người đang sống ghép cho người khác, nên GS. Nguyễn Trọng Nhân không thể giúp hai chàng trai tật nguyền kia thực hiện ước nguyện. GS. Nhân đã viết thư cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ đề nghị tìm cách giúp đỡ hai chàng trai đặc biệt này.

Tuy nhiên, kết cục lại chẳng được như mong muốn. Nhận được thư của GS. Nhân, tỉnh báo cho huyện, huyện lại báo cho xã. Lãnh đạo xã tìm vào nhà kể với ông Thoa, bố của Hương và Xuân, chuyện hai cậu con trai viết thư cho lãnh đạo Bộ Y tế nói xấu chính quyền địa phương. Thấy khó nghĩ với cán bộ xã, ông Thoa nọc hai cậu con tật nguyền ra đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.

Hương và người anh từng viết thư đòi hiến luôn đôi mắt khi đang còn sống. 

Tôi còn nhớ, hồi đó, gặp ông Thoa, ông vẫn còn bực hai cậu con của mình. Ông bảo với tôi: “Hai cái thằng kia, chúng nó chỉ nghĩ quẩn. Chúng nó liệt tay liệt chân, nhưng còn đôi mắt, còn bê được bát cơm, còn nhìn thấy mặt bố mặt mẹ. Chúng nó định hiến mắt cho cô gái nào đó, rồi mơ mộng cô gái đó sẽ chia sẻ cuộc sống với chúng nó ấy mà. Tưởng hai cái thằng chúng nó cao thượng, ai ngờ lại ích kỷ quá!”.

Nghe bố nói vậy, Hương cãi: “Bọn con nghĩ chuyện hiến mắt chẳng có gì kỳ quặc. Chúng con tàn phế thế này, không đi lại, không làm việc được, chỉ biết nằm một chỗ để nghe đài, mà nghe đài thì cần gì đến mắt cơ chứ!”.

Vợ chồng Hương ngày anh còn sống. 

Bao nhiêu năm qua, núi Gò Dài vẫn vậy, vẫn xác xơ, vẫn nóng bỏng dưới nắng hè. Cái thứ đất toàn sỏi đá đỏ thẫm như gan gà, không cây gì mọc lên được ngoài bạch đàn. Đến bạch đàn, là loài ưa loại đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” cũng xơ xác, còi cọc. Nhìn cái thứ đất này, mới thấy con người sống khó thế nào.

Nhưng giờ đây, ở chân núi Gò Dài ấy, không còn chàng trai Phạm Văn Hương trông như cái xác khô đẩy xe lăn ra vào nữa. Khói hương bàn thờ lạnh lẽo. 8 năm rồi, giờ tôi mới trở lại núi Gò Dài, và thấy có nhiều thay đổi. Hai anh em chàng trai tật nguyền Hương và Xuân đã lấy vợ, đã có con, nhưng cuối năm ngoái, Hương đã về với đất sau nhiều năm mắc đủ các căn bệnh hiểm nghèo.

Hương đã về trời, để lại hai mẹ con cô đơn nơi chân núi Gò Dài. 

Vợ Hương, chị Nguyễn Thị Dung thắp nén nhang lên bàn thờ kể: “Khổ lắm anh ạ. Lúc anh ấy sắp mất, trong cơn hấp hối, cứ đòi mọi người gọi điện cho Bệnh viện Mắt Trung ương để hiến mắt. Nhưng mọi người thương xót quá. Nghĩ cả đời anh ấy đã khổ, sống cảnh tật nguyền, giờ về thế giới bên kia, lại muốn người ta múc đi đôi mắt. Đã tật nguyền, lại mù nữa thì còn gì là người nữa hở giời!”. Người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ khóc òa, nước mắt lăn tràn trên má.

Chị Dung kể rằng, trước ngày Hương chết, Hương mắc đủ thứ bệnh. Gia đình đưa đi bệnh viện Phú Thọ, gặp bác sĩ nào, Hương cũng níu lại đề nghị được hiến mắt, hiến gan, hiến thận, hiến tim… Tóm lại, bệnh viện muốn lấy gì từ cơ thể tật nguyền của Hương, Hương cho tất. Nhưng Hương vẫn sống rành rành ra thế, ai mà dám đè hương ra lấy nội tạng. Với lại, pháp luật nước ta đâu cho phép làm như thế.

Chị Dung tiếp tục làm lụng kiếm sống nuôi con. 

Người vợ của chàng trai tật nguyền Phạm Văn Hương là Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1977, quê tận Ứng Hòa (Hà Nội), đã có một đời chồng, nhưng chồng chết vì bệnh động kinh. Bố Dung mất sớm, mẹ cũng mất vì bạo bệnh.

Năm 2006, chị Dung lên thăm chị gái. Nhà chị gái lại ở cạnh nhà Hương. Gặp Hương, chị Dung trào nước mắt. Nhìn cảnh chàng trai tật nguyền đánh vật với chiếc xe lăn trong ngôi nhà hoang ven sông Hồng thật xót xa. Ở nhà chị gái vài ngày, đôi ba lần qua nhà Hương trò chuyện, Dung trở về quê, sau khi đã để lại địa chỉ cho Hương.

Từ ngày chị Dung về quê, Hương cứ đẩy xe lăn ra bờ sông, rồi lại đẩy vào. Nỗi nhớ người đàn bà kia khiến lòng hương se sắt. Thế là, đêm đêm, hai anh em Hương và Xuân chong đèn viết thư. Xuân gửi thư cho những người bạn gái ở khắp Tổ quốc, còn Hương gửi thư cho chị Dung, với những lời lẽ tha thiết.

Vợ chồng Hương ngày còn hạnh phúc bên nhau. 

Và rồi, trái tim anh vỡ òa, khi nhận được thư hồi âm từ chị Dung. Những nét chữ nguệch ngoạc, sai chính tả nhiều, nhưng tình cảm thì dạt dào. Thư qua, thư lại, phải một năm trời, họ mới thuộc về nhau.

Khi tình cảm đã đậm đà, Dung quyết định bắt xe lên Phú Thọ để gặp người yêu. Họ đã ôm nhau khóc. Họ quyết định lấy nhau. Chẳng cần nói, có lẽ, cũng có thể hiểu, chị Dung đến với Hương là bởi lòng thương của chị đã lớn hơn cả tình yêu. Có thể đó mới là tình yêu vĩ đại.

Rồi họ cũng đón tin vui, khi có với nhau một cô con gái, đặt tên là Phạm Hoài Anh. Bố mẹ nghèo đói xác xơ, thiếu ăn, thiếu sữa, nên cháu bé còi dí còi dị. Đã 4 tuổi rồi, mà cháu chị được khoảng 6kg.

Ông Thoa chia cho vợ chồng Hương 10 thước ruộng ở sát mép sông Hồng, cách nhà 5km. Mảnh ruộng chỉ cấy được một vụ, vì mùa lũ, nước dâng cao, ruộng biến thành lòng sông. Năm nào được mùa, năng suất, thì được 1 tạ thóc. Không đủ ăn, chị Dung phải đi mò cua bắt ốc suốt ngày để nuôi chồng, nuôi con.

Giờ người chồng tật nguyền đã đi xa. Nơi góc núi Gò Dài, dưới tán bụi tre pheo rậm rạp, chỉ còn mẹ con chị cô đơn lạnh lẽo. Chị Dung thì lắm bệnh: sỏi thận, viêm cột sống, viêm thành tá tràng, đau dạ dày… Thi thoảng chị lại đau vật vã mấy ngày liền, nhưng đành nằm bẹp chịu đựng vì không có tiền đi viện.

Còn tiếp…

Vị Thủy


Bình luận
vtcnews.vn