Cái giá của lời khen

Tổng hợpThứ Sáu, 29/07/2011 02:09:00 +07:00

Những nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng những lời khen này có hại nhiều hơn là có lợi cho con cái.

   Emma - đứa trẻ vừa mới học cách bò – cười khanh khách trong khi di chuyển khắp phòng như để thể hiện cho mẹ nó thấy kỹ năng phối hợp chân tay của nó đã đúng cách. “Con mẹ giỏi lắm” - mẹ nó khen ngợi với niềm vui lớn lao.

Jake, lớp ba, về nhà với điểm 10 toán học. “Con thật là sáng dạ” – người cha tự hào nhấc bổng đứa con lên trời.

Trong khi đó, Chris luôn đánh trượt mỗi khi đồng đội tung cho nó trái bóng ở các trận đấu bóng chày. Vậy nhưng, cha mẹ nó vẫn không ngừng cổ vũ: “Con yêu, con vẫn là một cầu thủ cừ khôi”.

 
   Cha mẹ thường xuyên khen ngợi và động viên con cái như vậy. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng những lời khen này có hại nhiều hơn là có lợi cho con cái. Cha mẹ đôi khi khen ngợi, động viên con một cách vô thức, quá hào phóng, hoặc thậm chí là khen những việc không xứng đáng. Họ mong con cái nhìn thấy điều tốt đẹp trong bản thân chúng, tin tưởng rằng chúng có thể làm mọi thứ chúng muốn, và rằng chúng rất đặc biệt.

Carol Dweck, nhà nghiên cứu tâm lý từ trường đại học Columbia đã công bố các kết quả nghiên cứu cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực từ một số kiểu khen ngợi. Tiến hành trên các học sinh lớp 4, Carol đưa cho chúng một bài kiểm tra đơn giản. Khi làm xong, nửa nhóm được khen ngợi là thông minh: “Các em xử lý đề toán này rất giỏi!”. Trong khi nửa còn lại được khen vì nỗ lực: “Các em chắc là đã phải cố gắng rất nhiều!”.Tiếp theo, những học sinh này được quyền lựa chọn một trong hai đề, một dễ, một khó. Trong số học sinh được khen là nỗ lực (nhóm 2), có tới 90% lựa chọn đề khó còn phần lớn những học sinh được khen là thông minh (nhóm 1) lựa chọn đề dễ.

Tiếp tục khảo sát trên những học sinh lớp 5, Carol lần này đưa ra đề bài vô cùng khó để xem chúng ứng xử thế nào trước thất bại. Kết quả là nhóm 2 cho rằng chúng không giải được đề vì chưa tập trung hết sức, trong khi nhóm 1 hoài nghi rằng chúng chẳng thông minh tý nào. Ở vòng kiểm tra thứ hai với các đề bài khó tương tự, nhóm 2 tỏ ra nỗ lực hơn và kết quả bài thi cải thiện 30%. Ngược lại, nhóm 1 làm bài tệ hơn 20% so với lần thi ban đầu.

Kết quả nghiên cứu này của Carol cho thấy sự lợi hại của lời khen. Nếu được khen về sự cố gắng, trẻ sẽ tự tìm nhiều cách khác nhau để đi đến được thành công. Trong khi đó, những đứa được khen là giỏi, thông minh thì như thể đã được dán tem đóng mác mặc dù cái mác đó không giúp chúng thể hiện bản thân tốt hơn nếu như không muốn nói là kiềm chế khả năng thể hiện của chúng. Vì sợ mất danh hiệu đó, chúng sẽ không dám mạo hiểm với những thử thách mới hay đối mặt với thất bại, trong khi đây mới là cơ hội để chúng học hỏi để tiến bộ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý còn lo ngại rằng cha mẹ khen con những việc không đáng khen thậm chí còn tạo nên một thế hệ “quá yêu bản thân mình”. Nếu trẻ quen với việc được khen ngợi và được tặng thưởng liên tục thì khi đi làm, chúng sẽ thường xuyên bị sốc với các tình huống thực tế, dẫn tới việc không thể hiện được bản thân và khó lòng trụ lại với công việc.

Thế nhưng điều này không có nghĩa cha mẹ phải ngừng khen ngợi con cái. Điều quan trọng là họ phải đưa ra những lời khen thấu đáo, thể hiện sự ghi nhận về quá trình nỗ lực và công lao của con thay vì kết quả thực hiện của chúng. Lời khen càng cụ thể càng giúp chúng hiểu được cái gì chúng làm tốt, cái gì chúng cần phải cải thiện. Thay vì khen “con giỏi lắm”, người mẹ ở ví dụ đầu tiên có thể nói: “Ồ, thật tuyệt khi con biết đặt một tay trước một tay sau để bò! Thế là đúng rồi đấy!”. Hoặc như ở trường hợp hai, người cha có thể ghi nhận rằng: “Chắc con đã rất cố gắng trong thời gian qua phải không?”. Còn đối với trường hợp không tạo được thành tích gì như Chris, cha mẹ vẫn có thể bày tỏ sự chân thành với con trong khi vẫn có thể tạo niềm tin cho cậu bằng những câu đại loại như: “Bố mẹ rất vui khi thấy con dù bắt trượt nhưng không từ bỏ”.

Trẻ con rất cần cha mẹ như tấm gương mà nhờ soi vào đó chúng có thể để thấy chúng là ai. Chúng cần nhìn thấy những mặt tích cực để có niềm tin vững vàng vào bản thân với điều kiện tấm gương đó phải cho chúng một hình ảnh trung thực, chính xác thay vì chỉ là một bức chân dung mà cha mẹ vẽ nên. Sẽ thật tệ nếu cha mẹ nói những điều mà ngay chính bản thân họ không tin tưởng chỉ để khiến chúng an lòng. Bản lĩnh, kiên cường là đức tính vô cùng cần thiết trong cuộc sống và nó chỉ có thể tôi luyện khi chúng biết đương đầu với cả nỗi thất vọng.

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn