Cải cách thủ tục hành chính: Đột phá từ khâu cán bộ

Thời sựThứ Ba, 09/11/2010 03:36:00 +07:00

Nâng cao năng lực và phẩm chất cán bộ, đẩy mạnh giám sát và cải tiến quy trình xây dựng pháp luật là những cơ sở để Đề án 30 đạt được mục tiêu tổng thể.

Nâng cao năng lực và phẩm chất cán bộ, đẩy mạnh giám sát và cải tiến quy trình xây dựng pháp luật là những cơ sở để Đề án 30 đạt được mục tiêu tổng thể.

Để Đề án 30 đạt được mục tiêu tổng thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chinh phủ đặc biệt lưu ý khâu năng lực và phẩm chất cán bộ thực hiện. Ảnh: Chinhphu.vn 

Sáng 9/11, Quốc hội đã nghe báo cáo giám sát và thảo luận thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo chương trình tổng thể cải cách TTHC Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng thời là Tổ trưởng Tổ Công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tưởng Chính phủ nhấn mạnh những vấn đề trên khi trả lời phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về quá trình thực hiện Đề án 30.

Thưa Bộ trưởng, Báo cáo giám sát của Quốc hội đánh giá cao chương trình cải cách TTHC, đặc biệt là Đề án 30. Tuy nhiên trong Báo cáo cũng nhắc đến vấn đề để tạo đột phá trong cải cách TTHC thì phải đột phá từ khâu con người, ông nhận xét vấn đề này thế nào ?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Đúng như Quốc hội nêu. Tôi cho rằng vấn đề cán bộ có năng lực, có phẩm chất, trình độ và có trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm trong lĩnh vực chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong việc giải quyết TTHC cho dân, cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Bởi TTHC chỉ là một công cụ quản lý Nhà nước trên tinh thần có lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí xã hội, tăng cường quản lý Nhà nước. Nếu thủ tục dù tốt bao nhiêu chăng nữa nhưng con người không tốt thì cũng không giải quyết vấn đề gì.

Do đó, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải lựa chọn và bố trí được cán bộ đúng người đúng việc, đặc biệt những bộ phận liên quan tới doanh nghiệp, người dân thì càng cần phải có cán bộ giỏi chuyên môn và có phẩm chất đạo đức tốt để thực hiện thật tốt khâu này.

Vấn đề chi phí không chính thức, hay còn được gọi là chi phí “qua gầm bàn” là vấn đề xã hội rất quan tâm. Nhưng nếu cán bộ tận tụy với dân, với nước, làm việc với tinh thần tận tụy vì dân thì sẽ không có tình trạng đó xảy ra. Vì vậy, tôi  đồng ý khâu cán bộ rất quan trọng như đại biểu Quốc hội đã nêu.

Thưa Bộ trưởng, Đề án 30  của Chính phủ  đã tạo dấu ấn rất lớn trong cải cách TTHC, nhưng để Đề án đạt được mục tiêu tổng thể, theo ông tới đây chúng ta cần tập trung vào những khâu nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc:  Theo tôi có một số điểm cần chú ý.

Thứ nhất, phải bãi bỏ TTHC không cần thiết như kiến nghị của Chính phủ. Chúng ta mới bãi bỏ được 480 thủ tục, còn lại là  sửa đổi, thay thế, bổ sung hơn 4.146 TTHC. Mặc dù chỉ một số điểm chứ chưa phải tất cả, nhưng rất nhiều luật, nhiều pháp lệnh, nghị định, thông tư của các bộ, ngành phải sửa đổi.

Thứ hai, phải thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tốt để thông tin được nhanh, thúc đẩy công khai hóa, minh bạch hóa TTHC.

Thứ ba, cần bố trí lực lượng cán bộ thật tốt và sự giám sát của nhân dân thật tốt.

Có thể nói thêm, chính quyền các cấp cần quan tâm đặc biệt đối với TTHC, đặc biệt sự giám sát của Quốc hội và HĐND. Do đó, chúng tôi đề nghị việc giám sát tối cao của Quốc hội không chỉ thực hiện lần này mà cần tiếp tục giám sát cả trong kỳ họp Quốc hội XIII tới để  hoạt động giám sát trở thành nền nếp, qua đó thúc đẩy trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện Đề án .

Những điều đạt được theo tôi mới chỉ là kết quả bước đầu. Vì thế, quá trình cải cách TTHC muốn thành công thì cần đẩy mạnh làm tốt khâu cán bộ cùng với bộ máy giám sát mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Làm được như vậy, tôi cho rằng tiến trình cải cách TTHC nói chung sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện hơn.

Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết quan điểm của mình về ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội cần sớm xem xét, thông qua việc sửa đổi và ban hành các bộ luật liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa TTHC để những kiến nghị này sớm đi vào đời sống?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng tôi tán thành những ý kiến này. Để đẩy nhanh tiến trình đơn giản hóa TTHC cần áp dụng phương án “một luật sửa nhiều luật”, một “pháp lệnh sửa nhiều pháp lệnh”, một nghị định sửa nhiều nghị định… Đó chính là cơ sở pháp lý để bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, không hợp pháp, gây phiên hà cho người dân và doanh nghiệp đã được kiến nghị sửa đổi.

Hiện vẫn còn nhiều thủ tục đang phải chờ luật, pháp lệnh sửa đổi. Vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm của một số đại biểu Quốc hội cần đẩy mạnh cải tiến quy trình xây dựng pháp luật từ Quốc hội; việc ban hành các đạo luật phải cụ thể, không để tình trạng luật chờ thông tư, nghị định hướng dẫn và đặc biệt là phải sửa ngay những điểm bất hợp lý thì cuộc cải cách TTHC mới thành công.

Theo Quỳnh Hoa/ Chinhphu.vn

Bình luận
vtcnews.vn