Cách vượt khó thoát nghèo cực kỳ lãng mạn của người dân xứ Lạng

Kinh tếThứ Hai, 02/10/2017 14:10:00 +07:00

Ước mơ làm giàu luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, với những suy nghĩ và cách làm giàu riêng của mình; nhưng có lẽ hiếm có nơi đâu người dân lại vượt qua nghèo khó bằng một cách cũng khó khăn nhưng cũng rất đỗi lãng mạn như ở xứ Lạng.

Lãng mạn như nghề... chăm ngựa bạch

Những thảo nguyên xanh rờn trong địa phận thôn Suối Mã A (xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) có một sức hút kỳ lạ với bất kỳ ai chẳng may lạc bước tới đây. Đường lên thảo nguyên đúng là thử thách những ai muốn đi phượt theo đúng nghĩa của nó.

3 4

 Xế chiều, từng đàn ngựa bạch của các gia đình thôn Suối Mã A lại được lùa về để cho ăn và buộc lại. (Ảnh: Phong Sơn)

Nếu tính từ Uỷ ban xã Hữu Kiên vào đến đoạn ô tô không đi được nữa chỉ ngót ngét 7km, đường đẹp nhưng ngoằn ngèo, xung quanh là rừng và núi, lác đác vài nóc nhà, cho ta cảm giác bí ẩn, nhưng thích thú.

Dọc hai bên đường lên thảo nguyên kia là những cây ổi gốc to như đùi người lớn, có lẽ phải hàng chục năm rồi, trĩu quả vàng ươm, đảm bảo đây là ổi sạch.

Vậy mà, người dân ở đây cũng chẳng buồn hái làm gì, chỉ khi nào họ lên chăn ngựa trên này, buồn mồm thì hái ăn thôi.

Từ rất lâu, tôi đã nghe nói về những đàn ngựa ở nơi đây, quý nhất là ngựa bạch. Quả thực khi lên tới đỉnh núi, nơi thảo nguyên bao la, tôi có cảm giác như mình đang ở Mông Cổ.

Gió lồng lộng cùng tiếng vó ngựa gõ xuống nền đất cho tôi một cảm giác vô cùng mới lạ, rồi đâu đó tiếng hí đến dài của vài chú ngựa như truyền tới đồng loại về sự có mặt của người lạ nơi đây.

Theo thống kê của cán bộ thú y xã Hữu Kiến, cho tới thời điểm hiện tại, cả xã có hơn 1.000 con ngựa, trong đó có 700 ngựa bạch, còn lại là ngựa đen, đỏ, nâu...

Lần đầu tiên đặt chân tới mảnh đất này, tôi có may mắn được một người bản địa dẫn đường. Đó là anh Nông Văn Hải - 30 tuổi, dân tộc Tày và là một trong những người nuôi ngựa bạch của thôn Suối Mã A.

 Nhà anh Hải có một đàn ngựa 10 con, trong đó có 7 con ngựa bạch. Hàng ngày, từ lúc tờ mờ sáng, mấy đứa trẻ nhà anh trước khi đi học sẽ lên cho ngựa ăn, kiểm tra đàn ngựa của nhà, chiều tầm 4h - 5h lại lên cho ăn rồi lùa ngựa về.

Anh Hải chia sẻ, nuôi ngựa không khó, nhưng quan trọng là phải thường xuyên chăm sóc, để ý đến sức khoẻ của chúng; ngựa thường hay mắc các bệnh như tiêu chảy, tiên mao trùng hoặc bệnh ghẻ.

Nhưng do được sự chăm sóc tận tình của gia đình anh nói riêng và cán bộ nông nghiệp xã nói chung nên ngựa trong thôn gần như không bị bệnh bao giờ, có thể nói sức khoẻ của ngựa ở đây rất tốt.

Từ nhà anh Hải lên đến chỗ thả ngựa tương đối gần, nếu đi bộ cũng phải qua vài con dốc và mất nửa tiếng, còn đi xe máy chỉ hết tầm 15 phút. Sáng nào cũng vậy, anh lại chở hai đứa con trai; một đứa mới học cấp 1, đứa lớn thì lớp 9 lên thảo nguyên này cho ngựa ăn và xem xét từng con một.

2 5

 Trước và sau giờ đi học lũ trẻ thôn Suối Mã A cũng lên thả ngựa giúp bố mẹ. (Ảnh: Phong Sơn)

Thấy anh cùng lũ trẻ cứ đi lại giữa đàn ngựa ba bốn chục con kia mà lại toàn ngựa bạch, tôi cảm thấy rất lạ, bởi bản thân tôi thấy con ngựa nào cũng giống nhau, trắng toát và có cái chuông gỗ hoặc sắt đeo ở cổ, khi chúng đi hoặc chạy cả thảo nguyên như đang rộn lên một bài hát đến vui tai.

Tò mò, tôi hỏi anh thì nhận được câu trả lời hết sức đơn giản nhưng thật sự không dễ tưởng tượng chút nào.

Anh bảo: "Mấy con ngựa này như con mình ý, chú nghĩ mà xem, nếu đi đón con ở trường giữa mấy trăm đứa thế, nhưng thể nào cũng nhận ra con của mình, con ngựa cũng vậy, ở với nó lâu là tự khắc mình nhận ra nó ngay..." .

Nhìn anh vuốt ve từng con ngựa một cách hết sức tình cảm, không có sự trao đổi về lời nói nhưng dường như ánh mắt, những cử chỉ tình cảm kia đã diễn tả được hết nỗi niềm giữa người và ngựa.

3

 Anh Nông Văn Hải - người ở thôn Suối Ma A, chủ của một đàn ngựa 10 con. (Ảnh: Phong Sơn)

Nói về ngựa bạch thì phải nói đến các tỉnh như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang và nhiều nhất là ở Lạng Sơn. Ngựa bạch ở đây cũng khác với ngựa bạch ở Trung Quốc hoặc các quốc gia khác.

Ngựa bạch Việt Nam thuộc loại bé, con cao nhất cũng chỉ 1m50 và nặng nhất chỉ hơn 1 tạ, tất nhiên ngựa bạch thì toàn thân sẽ trắng, nhưng ngựa bạch Việt Nam còn có đặc điểm nữa khác với ngựa bạch nước khác. Đó là màu hồng.

Từ mũi, mắt, tai đến móng đều màu hồng, một màu hồng nhạt len lỏi giữa màu trắng tuyết kia, như những người bị bạch tạng vậy.

Đây chính là sự kết hợp của hai nguồn gen bệnh vốn có của loài ngựa để ra loại hình ngựa bạch, ngựa bạch là con ngựa bệnh tương tự như con người bị bệnh bạch tạng.

Ngựa bạch cũng như các loại ngựa khác đều chỉ ăn cỏ, ăn ngô và uống nước lã, do đó việc ngựa bị bệnh đường ruột là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ý thức chăm sóc ngựa của bà con ở đây rất tốt, hàng tuần, hàng tháng ngựa đều được kiểm tra sức khoẻ.

Thêm đó, người dân Suối Mã A đã ý thức được sự quý hiếm của giống ngựa bạch duy nhất này nên việc chăm sóc chúng ngày càng được chú trọng hơn nhằm bảo tồn gen, nòi giống của loài ngựa bạch này.

Video: Chiêm ngưỡng thảo nguyên ngựa bạch lớn nhất Việt Nam tại Lạng Sơn

Một điều rất thú vị về cách nuôi ngựa ở đây, đó là việc nhận biết ngựa của nhà qua tiếng chuông đeo ở cổ. Như đã nói ở trên, mỗi con ngựa đều được đeo chuông hoặc mõ bằng gỗ hay sắt, khi đi hoặc chạy chúng sẽ phát ra tiếng leng keng hoặc lộc cộc. Đó là dấu hiệu nhận biết của các chủ nuôi ngựa ở đây.

Anh Hải chia sẻ, ngoài việc quen mắt, thì đeo chuông, mõ cho ngựa cũng là một cách để nhận biết, nhưng mà làm sao có thể nghe tiếng lộc cộc, leng keng kia để biết? Khi mà cả thảo nguyên có đến hàng chục, có ngày lên tới hàng trăm cái mõ, chuông thế kia.

Trả lời thắc mắc này của tôi, anh Hải cho biết, dù là cùng một cái mõ, cái chuông nhưng ở mỗi con ngựa lại phát ra tiếng khác nhau, đó là tuỳ vào cơ thể của mỗi con ngựa thôi.

Hàng năm, trạm thú ý của xã Hữu Kiên vẫn có thống kê đầy đủ về số ngựa của từng hộ ở đây, hiện tại mỗi hộ đều có ít nhất là 2 con, nhiều nhất là 10 đến 15 con. Đây là điều hết sức vui mừng, bởi chính quyền địa phương cũng như người dân đã ý thức được sự quý giá của loài ngựa này.

Mua ô tô từ bán ngựa

Bà Nguyễn Thị Định (70 tuổi, thôn Suối Mã A) là một người đã gắn bó với loài ngựa bạch này từ thời còn trẻ, nhà bà lúc nào cũng có trên dưới 10 con, cho biết: Nếu nhà bà có thêm người thì sẽ thêm số lượng ngựa, hàng ngày bà cùng hai con vẫn thay phiên nhau lên đây trông ngựa.

1 6

 Bà Nguyễn Thị Định đang đóng cọc để buộc ngựa, sáng mai bà sẽ lại lên thả chúng ra. (Ảnh: Phong Sơn)

Trả lời phóng viên báo điện tử VTC News, bà Định cho biết; việc chăm ngựa cũng đơn giản, ngựa còn dễ nuôi hơn trâu bò và cũng thông minh, tình cảm hơn. Bà kể, nhà bà nuôi ngựa từ lâu rồi, hồi bà còn dư sức, mỗi lần đi trông ngựa là bà lại nhẩn nha với chúng hết quả đồi này sang quả đồi khác.

Bà chia sẻ, công việc chăm ngựa đơn giản lắm, hàng ngày chỉ có lên cho ăn, kiểm tra rồi chiều lại buộc chúng lại trên thảo nguyên này, sáng hôm sau lại lập lại như vậy. Có nhà nào neo người quá thì hai ba hôm mới lên, và đàn ngựa cũng chẳng có việc gì.

Mỗi năm, nhà bà Định thu nhập từ 60 đến 80 triệu từ việc bán ngựa, cho đến nay nhà bà đã sắm được ô tô, xây được nhà khá khang trang.

Theo ghi nhận của phóng viên, phải có đến 80% những hộ gia đình ở đây có nhà cửa tử tế, rộng rãi và sạch sẽ, và tất cả đều đi lên từ việc nuôi ngựa.

Chia sẻ về việc này, ông Nông Quang Đảm - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết; ngựa bạch ở đây có từ những năm 60, nhưng chỉ lác đác vài con, phải đến năm 70 mới dần dần sinh đẻ và phát triển lên.

Hàng năm, xã đều có thống kê về số ngựa bạch của các hộ dân ở đây, và theo đó mỗi năm tăng khoảng 25%.

Mô hình nuôi ngựa bạch đã làm thay đổi bức tranh kinh tế của xã, tạo sự ổn định về đời sống cho bà con nơi đây. Ông Đảm cho biết, xã Hữu Kiên có mũi nhọn là chăn nuôi gia súc, đặc biệt là ngựa bạch.

"Mặc dù nuôi ngựa bạch đã dần dần làm cho đời sống người dân của xã được ổn định, tuy nhiên thị trường cho loài ngựa này vẫn chưa thực sự ổn định, nhưng nhìn chung là đủ đối với mức sống của bà con ở đây'', ông Đảm chia sẻ.

Nói thêm về việc chăm nuôi ngựa ở đây, ông Đảm cho biết: Đây là việc hết sức thuận lợi vì thứ nhất loài ngựa có sức đề kháng rất tốt, ít bệnh và cho lời cũng khá nhanh.

Một con ngựa cái bắt đầu đẻ sau ba năm, ngựa con tầm 4 đến 5 tháng tuổi cũng có thể bán cho ai cho nhu cầu, còn riêng ngựa đưc thì đắt hơn và ít người bán hơn bởi là ngựa giống, có giá từ 50 đến 60 triệu đồng/con. Và lúc nào cũng có người mua.

Điều đặc biệt là bà con ở đây không phải đi tìm mối để bán, lúc nào cũng có người lên hỏi mua ngựa. Người thì mua về lấy thịt, người thì làm cao... Khách hàng đến từ khắp nơi như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội...

Chủ tịch UBND xã Nông Quang Đảm rất tự hào chia sẻ, từ ngày mô hình nuôi ngựa và ngựa  bạch phát triển, bà con trong xã đã thoát hẳn đói nghèo. Nhờ mô hình kinh tế này mà bà con trong xã có tiền mua ô tô, xây nhà...

Theo ông, nếu một gia đình nuôi, chăm sóc tốt thì chỉ cần khoảng 4 đến 5 con ngựa bạch là có thể xây được nhà rồi, khoảng 200 triệu thôi là ở đây có thể xây được một ngôi nhà khá khang trang rồi.

Bình quân, thu nhập từ việc nuôi ngựa bạch ở đây đem đến cho người dân từ 60 đến 100 triệu, có khi còn hơn nhưng tuỳ năm, việc kinh doanh buôn bán lúc lỗ lúc lãi là chuyện bình thường.

Ông Đảm khẳng định rằng, mô hình nuôi ngựa bạch ở xã là nguồn thu nhập chính của bà con ở đây đã giúp bà con thoát khỏi đói nghèo, ổn định cuộc sống.

Mô hình nuôi ngựa bạch ở xã Hữu Kiên là một trong số nhiều mô hình kinh tế vô cùng độc đáo của Việt Nam, và cần được quan tâm sát sao hơn nữa từ các cấp chính quyền để có thể phát triển, mở rộng hơn nữa, và cũng là cách để bảo tồn giống ngựa quý hiếm của Việt Nam.

Phong Sơn
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn