Cách rửa bát sai bét, gây họa cho cả nhà

Góc của nàngThứ Tư, 02/12/2015 10:30:00 +07:00

(VTC News) - Rửa bát là một trong những việc dễ nhất trần đời, vậy mà rất có thể bạn đang làm sai cách, có thể khiến cả nhà mắc bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp

(VTC News) - Rửa bát là một trong những việc dễ nhất trần đời, vậy mà rất có thể bạn đang làm sai cách, có thể khiến cả nhà mắc bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, miễn dịch và cả ung thư đấy.

Ngay từ khi 7 tuổi mình đã bắt đầu rửa bát rồi, thế nhưng chưa bao giờ được bố mẹ quan sát nhắc nhở xem làm thế nào là sai, phải thế nào mới đúng. Có lẽ bố mẹ cũng "bé cái nhầm" các bạn ạ.

Bạn biết không? Những lỗi rửa bát nhỏ nhặt này không gây ra hậu quả ngay lập tức nhưng "tích tiểu thành đại", lâu ngày sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cả nhà. Mọi người đọc và lưu ý nha.

1. Đổ nước rửa bát trực tiếp lên bát đĩa

Nhiều người vẫn đổ nước rửa bát trực tiếp lên bát đĩa với mục đích làm cho bát đĩa sạch hơn. Điều này tuy đúng nhưng lại không được các chuyên gia và nhà khoa học khuyến khích bởi 2 lý do. Thứ nhất là làm như vậy rất lãng phí, thứ hai là làm như vậy rất dễ gây hại cho sức khỏe.

Hãy cho nước rửa bát vào miếng bọt biển rồi vò cho đến khi ra bọt. 

Khi đổ nước rửa bát trực tiếp lên bát đĩa, nhiều khả năng sau khi tráng lại bằng nước, trên bát đĩa vẫn còn sót lại một lượng hóa chất đáng kể. Nếu dùng bát đĩa này để đựng đồ ăn, các hóa chất còn sót lại đó có thể bám vào thức ăn, đi vào cơ thể, qua thời gian dài có thể gây bệnh tật.

Tốt nhất bạn nên hòa một ít nước rửa bát vào nước sạch, khuấy cho đến khi sủi bọt rồi mới dùng dung dịch đó để rửa bát đĩa, hoặc cũng có thể cho một ít nước rửa bát vào miếng rửa bát ướt, vò cho lên bọt rồi mới rửa.

2. Ngâm bát đĩa trong nước rửa bát quá lâu

Với nồi niu xoong chảo nhiều dầu mỡ, bạn thường ngâm chúng vào dung dịch nước rửa bát pha loãng một thời gian lâu, thậm chí cả ngày rồi mới tiến hành rửa cho sạch hẳn? Đây là một nhầm lẫn khá tai hại.

Thời gian ngâm vào dung dịch nước rửa bát càng lâu, nguy cơ hóa chất thấm vào bát đĩa, nồi chảo càng cao. Đặc biệt những sản phẩm làm từ tre, gỗ thì khi hóa chất thấm vào sẽ không có cách nào tẩy sạch được. Đây cũng là một cách gián tiếp đưa hóa chất vào cơ thể.

Đừng ngâm bát đĩa quá lâu trong hóa chất. 

3. Lấy quá nhiều nước rửa bát cho một lần rửa

Vẫn do tâm lý "sạch", nhiều người lạm dụng nước rửa bát khi rửa bát đĩa. Trên thực tế, nếu dùng quá nhiều nước rửa bát cho một lần rửa, bạn khó lòng tẩy sạch các hóa chất bám trên bát đĩa sau vài lần tráng nước.

Ngoài ra, dùng quá nhiều nước rửa cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Lượng hóa chất này khi được thải ra ngoài với số lượng lớn sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, kênh rạch... Vì vậy, sử dụng tiết kiệm nước rửa bát và các hóa chất khác cũng là một cách để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

4. Sau khi rửa, chỉ tráng qua loa

Một số bà nội trợ bận rộn thường viện lý do "không có thời gian" nên khi rửa bát thường chỉ tráng qua loa sao cho không nhìn thấy bọt nữa là được. Tuy nhiên bạn không biết rằng bằng cảm quan chúng ta khó có thể nhận thấy các hóa chất vẫn còn bám trên bề mặt bát đĩa. Do đó, để làm sạch các chất tẩy này, chẳng còn cách nào khác là bạn phải tráng cho thật kỹ, từ 2 đến 3 lần trong chậu nước sạch sau khi rửa.

Hãy tráng rửa nhiều lần cho sạch nước rửa bát, đừng làm qua loa đại khái. 

5. Tẩy rửa các vật dụng bị sứt mẻ

Những vật dụng bị sứt mẻ như bát, đĩa, đồ sành sứ nói chung khi được tẩy rửa bằng nước rửa bát, khả năng hóa chất còn bám lại trên bề mặt bị sứt mẻ rất cao, dù tráng lại bằng nước nhiều lần cũng khó sạch hoàn toàn được. Vì vậy, tốt nhất không nên sử dụng vật dụng đã sứt mẻ để đựng thức ăn.

6. Dùng xà phòng/bột giặt để rửa bát

Hầu hết thành phần chất hóa học trong xà phòng đều mang độc tính nhiều hơn nước rửa bát, thậm chí còn có một số hóa chất gây ung thư. Khi dùng bột giặt để rửa dụng cụ đựng thức ăn, các hóa chất có thể sót lại trong quá trình rửa và tráng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra bệnh viêm gan, dạ dày, túi mật, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể...

Không nên dùng xà phòng giặt đồ để rửa bát. 

7. Mua nước rửa bát trôi nổi

Các sản phẩm tẩy rửa đều có chứa hóa chất độc hại, nhưng các sản phẩm trôi nổi lại tiềm ẩn nhiều hóa chất bị cấm vì không được kiểm định chất lượng, hơn nữa quá trình pha chế cũng không có quy trình rõ ràng, dễ gây các phản ứng hóa học sinh ra những chất độc hại khác.

Nhiều người nghĩ rằng tác hại của hóa chất chỉ khiến da tay khô ráp hơn. Song một số nghiên cứu lâm sàng còn cho thấy, các chất độc hại trong dung dịch tẩy rửa có thể thẩm thấu qua da, xâm nhập vào cơ thế qua đường tiêu hóa, hô hấp. Hệ quả là làm da mỏng đi, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến ung thư da và một số bệnh nguy hiểm khác.

Nói tóm lại, mỗi khi rửa bát thì các bạn hãy cân nhắc 7 quy tắc này nha. Thay đổi chẳng bao giờ là quá muộn!

Gia Bình

Bình luận
vtcnews.vn