Cách kiếm bộn tiền trong nháy mắt của giới siêu giàu

Kinh tếThứ Hai, 18/11/2013 07:36:00 +07:00

(VTC News) - Đã qua rồi thời mua bán sang tay dinh thự đắt tiền, giờ đây, giới siêu giàu chọn con đường mới để kiếm lời tức thì: mua đi bán lại siêu máy bay.

(VTC News) - Đã qua rồi thời mua bán sang tay dinh thự đắt tiền, giờ đây, giới siêu giàu thế giới chọn con đường mới để kiếm lời tức thì: mua đi bán lại các siêu máy bay cá nhân.


Nhu cầu đối với Gulfstream G650 - dòng máy bay phản lực thương mại nhanh nhất, đắt nhất thế giới - đang tăng cao đến mức chủ sở hữu hiện tại của những chiếc G650 hoành tráng này bắt đầu tính chuyện bán lại chúng cho những người mua khác. Trong một số thương vụ, người bán thu về khoản lời lên tới 5 - 7 triệu USD.

Tỷ phú Bernie Ecclestone - ông trùm của đường đua Công thức 1 - mới đây đã bán sang tay chiếc G650 của mình cho một doanh nhân châu Á với mức giá 72 triệu USD - nhiều hơn số tiền ông bỏ ra mua ban đầu tới 6 triệu USD. 

Theo BizjetBlogger, vụ giao dịch diễn ra chỉ vài tuần sau khi tỷ phú Ecclestone nhận được máy bay từ hãng Gulfstream. Trang tin này cũng khẳng định G650 quá lớn để có thể đáp xuống một số sân bay yêu thích của tỷ phú F1 nên ông đã quyết định bán luôn.

Vẻ đẹp của chiếc máy bay phản lực Gulfstream G650 

Các chuyên gia tư vấn và môi giới máy bay tư cho biết, ít nhất hai người bán khác cũng đã sang nhượng lại chiếc G650 của họ với mức giá hơn 70 triệu USD. Ngoài ra, có ít nhất 2 vụ mua bán khác cũng đang trong quá trình thương thảo. 
Một trong số đó thuộc về tỷ phú Mỹ và một người mua ở châu Á. Các thương vụ còn lại liên quan tới nhóm tỷ phú ở Nga, Mỹ Latin và Trung Đông.

Số lượng ngày càng nhiều những vụ mua bán sang tay kiếm lời như trên cho thấy nhu cầu cực cao về dòng máy bay cabin rộng. Đó phải là những chiếc máy bay phản lực cá nhân đắt nhất, lớn nhất. T
rên thực tế, phần còn lại của thị trường máy bay cá nhân vẫn trong tình trạng vô cùng ảm đạm. Nhiều tay môi giới lão làng cho hay, máy bay doanh nhân được giao dịch ở mức thấp, giảm hơn 30% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2008. Giá của một số loại máy bay cũng giảm tới hơn một nửa so với trước đây.

Tuy nhiên, máy bay cabin rộng lại vẫn chứng tỏ được sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các tỷ phú và các công ty toàn cầu. 
Không gian rộng rãi, thoáng đãng giúp loại máy bay này chuyên chở được nhiều khách hơn, trên chặng đường dài hơn mà vẫn đảm bảo được sự thoải mái tối ưu. 
Trong khi đó Gulfstream G650 lại là vua của dòng máy bay phản lực cá nhân với tốc độ sánh ngang tốc độ âm thanh và mức giá cũng thuộc loại "đỉnh": 64,5 triệu USD. 
Vấn đề ở chỗ, G650 rất hiếm hàng. Chỉ có khoảng 30-35 chiếc được xuất xưởng kể từ khi nó chính thức được Gulfstream giới thiệu vào năm ngoái. 
Nhiều tỷ phú nổi danh thế giới đã đặt mua chiếc máy bay kì diệu này như Ralph Lauren, Oprah Winfrey. Nhu cầu cao tới nỗi một người mua thậm chí đã ký vào bản hợp đồng, chấp nhận điều khoản, phải mãi tới quý ba  năm 2017, họ mới được nhận chiếc G650 của mình. Đó là lý do, nhiều người mua sẵn sàng trả hơn 70 triệu USD để ngay lập tức sở hữu chiếc siêu máy bay.

Gulfstream G650 trở thành tài sản phải có của bất cứ tỷ phú nào. 

Philip Rushton, người sáng lập công ty môi giới và tư vấn hàng không Aviatrade, cho biết: "Luôn có những tỷ phú sẵn lòng bỏ ra khoản tiền lớn để tránh phải chờ đợi lâu thứ mà mình mong muốn".

Song những vụ mua bán sang tay như vậy lại là con dao hai lưỡi đối với chính Gulfstream. Trong khi chúng cho thấy Gulfstream được đánh giá cao, được săn tìm ráo riết thì cũng hé lộ một thực tế: khách hàng giàu có đang bỏ túi hàng triệu USD từ chính "con cưng" của họ. Nhưng Gulfstream tự tin khẳng định: "Nếu khách hàng thực sự muốn trả thêm một khoản để nhanh chóng sở hữu G650 thì nó càng cho thấy sản phẩm của chúng tôi tuyệt hảo tới mức nào".

Vấn đề thực sự đối với Gulfstream nằm ở chỗ, khách hàng đang cố bán máy bay của họ ngay cả trước khi nhận được. Đại diện Gulfstream chia sẻ: "Khách hàng không thể bán lại máy bay trước khi nó chính thức được vận chuyển tới tận tay họ. Điều này giúp tránh các dự đoán gây nhiễu cho thị trường nói chung". 
Trong hợp đồng mua bán của Gulfstream cũng có một điều khoản quy định người sở hữu máy bay không thể ký lại một khi hợp đồng đã được ký hoàn tất.

Để lách luật, một số khách hàng đặt mua máy bay dưới tên một công ty hàng không mới thành lập. Sau đó, họ bán lại công ty cho người mua mới, nhờ đó, chuyển giao được quyền sở hữu chiếc máy bay thông qua vụ mua bán công ty. 
Chiêu thức tinh vi này buộc Gulfstream phải yêu cầu người chủ hợp đồng phải xác thực sự liên quan của mình tới tận phút cuối cùng khi việc vận chuyển sản phẩm hoàn tất. 

Khánh Huyền(theo CNBC)
Bình luận
vtcnews.vn