Các công ty sữa “oanh tạc”, trẻ bị tước cơ hội bú mẹ

Tổng hợpThứ Tư, 07/12/2011 10:01:00 +07:00

Hiện Việt Nam đang đứng thứ 13 trên thế giới về tỷ lệ suy dinh dưỡng, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi.

Hiện Việt Nam đang đứng thứ 13 trên thế giới về tỷ lệ suy dinh dưỡng, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi. Con số này cao ở mức khó chấp nhận được ở nước có thu nhập trung bình như Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ không được nuôi con bằng sữa mẹ và các chiến dịch quảng cáo rầm rộ của các sản phẩm thay thế sữa mẹ đã  ảnh hưởng lớn tới cách nuôi dưỡng trẻ của các gia đình. 
Thời gian gần đây, các công ty sữa ngày càng mở rộng quảng bá và kinh doanh các sản phẩm của họ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Từ năm 2008 đến năm 2013, doanh số toàn cầu của các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ ước tính tăng 37% - trong đó 2/3 doanh số đến từ các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, doanh số từ các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ tăng 18% trong năm 2009, lên đến hơn 7,5 nghìn tỉ đồng.
Do thông tin bị truyền tải một cách sai lệch thông qua các chiến dịch quảng bá rầm rộ của các công ty sữa, rất nhiều nhân viên y tế và các bà mẹ tin rằng trẻ nhỏ được nuôi cả bằng sữa mẹ và sữa bột sẽ tăng trưởng và có sức khỏe tối ưu. Điều này đã thu hút các bà mẹ lựa chọn sản phẩm sữa cho con thay vì cho con bú sữa mẹ.
Ảnh minh họa. 

Điều này đã rất tai hại cho trẻ nhỏ. Các bà mẹ không biết rằng, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn thực sự sẽ cho trẻ chỉ số thông minh và nâng cao thành tích học tập. Trẻ được bú mẹ đến khi lớn lên sẽ ít gặp các nguy cơ mắc phải các bệnh tiểu đường, chứng cao huyết áp, béo phì và một số bệnh ung thư khác. Theo lời của các chuyên gia dinh dưỡng: “Việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ tước đoạt của trẻ cơ hội được hưởng thụ các đặc tính bảo vệ của sữa mẹ và từ đó đặt trẻ trước các nguy cơ xấu về sức khỏe, tăng trưởng và phát triển thể chất và trí tuệ”. 
Từ lúc trẻ được sinh ra đến khi 2 tuổi là giai đoạn quan trọng để có thể ngăn ngừa những hậu quả nguy hại do tình trạng dinh dưỡng kém gây nên. Nếu không được giải quyết trong giai đoạn này, những mối nguy hại đó rất khó được khắc phục. Dinh dưỡng kém làm suy yếu hệ miễn dịch, gia tăng khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm cũng như giảm thiểu phát triển trí tuệ. Trẻ bị suy dinh dưỡng thường muộn đi học, dễ bỏ học và tiếp thu kém. 
Các thực hành nuôi dưỡng đơn giản như cho trẻ bú sớm ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nghĩa là không cho trẻ ăn hay uống thêm bất cứ loại thức ăn/uống nào như sữa, bột  thậm chí là nước) có thể ngăn ngừa những tác động xấu do dinh dưỡng kém gây ra. Mặc dù đã có rất nhiều chứng cứ cho thấy những ích lợi to lớn của sữa mẹ so với sữa công thức, nhưng trên thực tế chưa đầy 1 trong số 5 trẻ sơ sinh ở Việt Nam được bú mẹ hoàn toàn.
“Chúng ta có thể cải thiện sức khỏe của trẻ em Việt Nam nếu các quy định về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ nhằm cấm quảng cáo sữa, bình bú và núm vú giả cho trẻ dưới 2 tuổi được thực hiện nghiêm minh. Trách nhiệm của chúng ta là phải đảm bảo các nhân viên y tế và các bà mẹ tiếp cận được với những thông tin chính xác để lựa chọn được cách nuôi dưỡng con em mình một cách tối ưu. ” – Đại diện Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam nhận định.
Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn