Các chuyên gia GD hàng đầu nói gì về học vượt cấp?

Giáo dụcThứ Năm, 28/04/2011 12:27:00 +07:00

(VTC News)- Học sinh mầm non có thể sẽ càng được khuyến khích học sớm hơn để chuẩn bị "hành trang" vào lớp 1, học sinh các cấp thì quá tải trong học tập...

(VTC News)- Xung quanh quy định của Bộ GD&ĐT, giao việc đánh giá, quyết định cho học sinh học vượt cấp cho Hiệu trưởng các trường, dư luận đang hoài nghi về khả năng xảy ra một cuộc “chạy đua” cho con học vượt cấp.

Hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định cho học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi (Ảnh: Phạm Thịnh)

Học sinh mầm non có thể sẽ càng được khuyến khích học sớm hơn để chuẩn bị "hành trang" vào lớp 1, các học sinh các cấp thì đối diện với tình trạng quá tải trong học tập, đối mặt với sức ép tâm lý từ gia đình… Xung quanh câu chuyện này, VTC News đã ghi lại những ý kiến của các chuyên gia giáo dục về vấn đề này.

GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội đồng khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:


Ở các nước khác, cấp quận/huyện mới được xem xét và quyết định cho các em học sinh được học vượt cấp. Còn tại Việt Nam, nếu cấp trường được trao quyền quyết định thì phải thành lập hội đồng nhà trường để xét từng trường hợp cụ thể.

Hiện nay trên thế giới, việc học trước tuổi hay học vượt lớp không được nhà trường khuyến khích, phụ huynh cũng không muốn các con học nhiều vì sẽ không phát triển được tốt nhất năng lực bản thân.
GS Phạm Minh Hạc 

Về mặt tâm lý, học sớm không có ý nhiều nghĩa. Thực tế chỉ ra rằng, có trường hợp “thần đồng” chỉ 13-14 tuổi nhưng đã học đại học, tuy vậy trong rất rất nhiều trường hợp khi còn bé được gọi là thần đồng và chỉ có một số ít thành công, phần lớn sau khi trưởng thành lại trở thành một người hết sức bình thường.

Phát triển năng lực con người không đi theo đường thẳng, mà sự phát triển này không có quy luật cụ thể. Vấn đề này đã được nhiều nhà khoa học Anh, Pháp, Mỹ nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20.

Điều tôi băn khoăn là ở nước ta có xu thế các bậc phụ huynh rất thích cho con học sớm. Ở lớp mẫu giáo người ta đã dạy các bé học chữ và làm toán là không đúng. Tôi nghĩ, chúng ta cần phải cải tạo tâm lý đó, nhưng rất tiếc là không có ai làm.

GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng quốc hội

Các bậc cha mẹ không nên chạy theo việc học trước tuổi hay vượt lớp, bởi vì nhiều khi điều đó lại là gánh nặng cho con em của mình.

Bộ GD&ĐT đưa ra quy định như vậy là để mở đường cho những em có khả năng và mức độ học nhanh hơn, tiếp cận kiến thức nhanh hơn thì có thể học nhanh hơn. Nhưng, việc này phải hoàn thoàn thực hiện cho phù hợp với năng lực của các em, chứ không nên đua nhau.

Thường thì, các bậc phụ huynh hay chạy đua với nhau, hay ganh tị với nhau, luôn nghĩ con mình phải giỏi hơn con người khác. Bởi vậy, các phụ huynh thường hay ép con cái làm một việc quá sức hoặc quá tải.
GS.TSKH Đào Trọng Thi 

Việc Bộ GD&ĐT quy định như vậy cũng là tạo điều kiện cho các em học sinh có khả năng, có năng lực tốt hơn được tiếp thu chương trình học với tốc độ nhanh hơn và để kết thúc giai đoạn học sớm hơn.

Tôi nghĩ, chúng ta không khuyến khích chuyện đó, mà nên tạo ra những chương trình phù hợp cho từng đối tượng và cũng không làm các em bị quá tải trong tiếp thu các chương trình học tập.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng


Chúng ta cần quan tâm chủ yếu là ở hội đồng đánh giá và trường đó xem xét, đánh giá như thế nào. Nếu làm đại trà sợ rằng ở Việt Nam không học vẫn có bằng vì vậy việc học vượt cấp phải có điều kiện cụ thể.

Việc giao cho trường quyết định học sinh vượt cấp là đúng nhưng quan trọng là đằng sau hội đồng nào, ai thẩm định như thế nào, tất cả chuyện đó phải được làm nghiêm túc.
TS. Nguyễn Tùng Lâm 

Việc bổ sung điều lệ mới về vượt lớp giao cho các trường làm là hợp lý. Việc quy luật học sớm hoặc học chậm tuổi của học sinh nước ta là thực tế diễn ra thì cũng nên điều chỉnh quy chế cho hợp lý là điều nên làm.

Riêng việc vượt lớp, ngoài việc nói học sinh có thể lực tốt và có khả năng phát triển trí tuệ thì chỗ này cần phải được đo, đếm cụ thể. Và thành lập hội đồng để hiệu trưởng quyết, ban đầu hiệu trưởng phải kiểm tra trình độ xem học sinh đó có trình độ đủ hết lớp muốn vượt chưa và học sinh phải có khả năng tự học.

Đặc biệt, không thể vì 1, 2 môn học sinh học nổi trội mà có thể cho vượt lớp. Như vậy phải có hội đồng đảm bảo kiểm tra kiến thức của các môn, nếu những kiến thức phổ thông ở các môn khác không có khả năng bù đắp thì chưa thể vượt lớp được.

PGS. TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh


Việc xét vượt lớp nên có chuẩn mực nếu không sẽ gây phiền phức. Bởi vì giáo dục nước ta là toàn diện nên khi học sinh vượt lớp cần phải xét về tất cả các môn. Nếu không thi cử mà cho học sinh vượt lớp là không được.

Chỉ việc căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn là không được, cần phải thi, kiểm tra và phải có tiêu chuẩn rõ ràng, điều kiện, trả môn thi. Hội đồng cũng không thể chỉ họp lại rồi thông qua mà phải có 1 hội đồng thi hẳn hoi với việc ra đề, chấm thi.
PGS. TS Văn Như Cương 

Học sinh không nên vượt vì học tập là học suốt đời. Nếu chỉ vượt có 1 năm học thì cũng không có nhiều ý nghĩa. Trong khi đó vượt cấp như vậy cũng gây ra cho học sinh đối mặt với việc lứa tuổi không đồng đều, tâm sinh lý và mọi mặt so với các học sinh khác sẽ không ổn.

Nếu đã học giỏi mà cảm thấy cần thiết thì các em có thể học thêm về các kiến thức khác ngoài giờ học.

Bắt đầu từ ngày 15/5, Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT sẽ thay thế Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 2/4/2007 về việc ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiếu cấp học.
Trong Chương V, Điều 37 về Tuổi học sinh trường trung học, Bộ sẽ giao việc đánh giá học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học cho hiệu trường nhà trường.

Việc giao quyền quyết định cho học sinh học vượt cấp cho các hiệu trưởng nhà trường có thực sự hợp lý? Liệu ở những bậc học thấp, cuộc đua cho con học sớm, học trước sẽ lại diễn ra ngày càng gay gắt? Mọi ý kiến đóng góp của bạn đọc xin gửi về địa chỉ [email protected]
Bài 2: Học vượt cấp: Bộ GD&ĐT nói gì?

Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn