Cá nước ngọt chứa nhiều ấu trùng sán nguy hiểm

Sức khỏeThứ Ba, 25/01/2011 06:19:00 +07:00

(VTC News) - Kết quả nghiên cứu cho thấy cá nước ngọt của Việt Nam tại một số vùng có tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán rất cao, gần 100%.

(VTC News) - Kết quả nghiên cứu của “Dự án Ký sinh trùng có nguồn gốc Thủy sản – FIBOZOPA” tại Việt Nam do Đan Mạch tài trợ cho thấy cá nước ngọt của Việt Nam tại một số vùng có tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán rất cao, gần 100%.

Trao đổi với ông Bùi Ngọc Thanh, Quản lý vấn đề nghiên cứu của dự án FIBOZOPA cho biết, tổng hợp kết quả điều tra nghiên cứu trên người, gia súc và các loài cá nước ngọt nuôi và tự nhiên cho đến thời điểm này của dự án FIBOZOPA không khỏi khiến người ta phải ngạc nhiên: Cá nước ngọt có thể lây truyền nhiều loài ký sinh trùng cho con người. Các loài sán lá được phát hiện thấy ở Việt Nam bao gồm Haplorchis pumilio, Haplorchis taichui, Haplorchis yokagawai, Stellantchasmus falcatus và Procerovum varium.

Món ăn ưa thích là gỏi cá đem đến rất nhiều nguy cơ bệnh tật. 

Nghiên cứu trên cá nước ngọt phổ biến như Mè hoa Trắm cỏ, Trôi Mrigal, Chép, Mè trắng và Rô phi, tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán trung bình là 44.6%. Tại Nam Định tỷ lệ nhiễm trung bình là 45%, trong đó cá Trắm cỏ nhiễm 87% và Mè trắng 86%. Tương tự, dự án cũng triển khai hàng loạt nghiên cứu trên cá tại các vùng miền khác nhau và ghi nhận nhiều loài cá như cá diếc, sặc rằn, tai tượng cũng bị nhiễm, thậm chí cả cá Song (loại cá nước lợ) tại Nha Trang, Khánh Hòa nhiễm ấu trùng sán với tỷ lệ lên tới 80 - 95%.

Do tập quán ăn gỏi cá nên con người cũng bị nhiễm với tỷ lệ cao ở một số vùng đặc hữu. Ví dụ như Nam Định tỷ lệ nhiễm sán lá truyền qua cá trên người là 64,9% (gồm sán lá gan và sán lá ruột). Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân được phát hiện mang trong người tới 4.834 sán lá ruột nhỏ và sán lá gan nhỏ. Chó, mèo và lơn cũng bị nhiễm sán lá lây truyền từ cá với tỷ lệ 13-38%.

Không chỉ gỏi cá mới gây bệnh

PGS.TS Nguyễn Văn Đề, chủ nhiệm Bộ môn ký sinh trùng trường ĐH Y cảnh báo, không chỉ ăn gỏi cá mới nhiễm bệnh. Hiện tại nhiều người có thói quen ăn cá om dưa, cá rán chưa chín kỹ là nguyên nhân gây bệnh. Điều nguy hại là các bệnh giun sán tiến triển rất âm thầm và gây nguy hại cho cơ thể. Chẳng hạn sán là gan nhỏ diễn biến rất âm thầm, ở giai đoạn sớm hầu hết đều không có triệu chứng lâm sàng, một số bệnh nhân rối loạn tiêu hóa nhẹ. Ở giai đoạn muộn bệnh biểu hiện bằng trạng thái đầy bụng, cảm giác như bị đau dạ dày, ăn mỡ thì mức độ đau tăng, khi lao động nặng người bệnh có cảm giác đau tức hạ sườn phải và vùng gan. Sán lá gan nhỏ ký sinh trong đường mật, làm đường mật dày lên, xơ hóa, thoái hóa mỡ gan, cổ trướng với kích thước gan to gấp 2-3 lần bình thường – gây ung thư gan. Bệnh gây sỏi mật, thậm chí nó chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ung thư đường mật.

Nhiều người vẫn chủ quan với sán lá ruột, nhưng theo các chuyên gia, đây là loại sán rất nguy hiểm gây nên bệnh với triệu chứng lúc đầu nhẹ như cảm thấy mệt mỏi, sức khoẻ giảm sút, tiêu chảy, chướng bụng và sức khỏe giảm sút nhanh chóng. Trường hợp bị nhiều khiến ruột non, thậm chí cá ruột già bị phù nề và viêm khiến niêm mạc ruột có thể bị sùi, có những đám xung huyết hoặc xuất huyết tương ứng với vị trí bám của sán; đường kính của ruột bị giãn nở gây rối loạn tiêu hóa, một số trường hợp có thể bị tắc ruột. Nếu bị bội nhiễm thêm vi khuẩn ở những chỗ bị tổn thương thì có hiện tượng viêm và sưng những hạch mạc treo. Ngoài ra, những chất độc tố của sán tiết ra sẽ gây nên những thương tổn và rối loạn chung như toàn thân bị phù nề, tràn dịch ở nhiều nội tạng nhất là ở tim và phổi, bị cổ trướng, lá lách biến đổi tổ chức, có tình trạng thiếu máu, hồng cầu giảm, huyết cầu tố giảm, bạch cầu toan tính tăng 15-20 %. Bệnh nhân có thể chết trong tình trạng bị suy kiệt nặng.

Điều đáng nói, theo ThS Thanh là những nỗ lực trước đây nhằm hạn chế tập quán ăn cá sống bị nhiễm ký sinh trùng nhìn chung đều không thành công, chủ yếu có thể là thiếu hiểu biết về nguy hại của sán lá đối với sức khỏe con người. Vì vậy, dự án đang triển khai các mô hình thí điểm ngăn ngừa sự lây nhiễm ấu trùng sán trong Nuôi trồng thủy sản. Sự thành công của dự án hứa hẹn mang lại lợi ích cho cộng đồng bởi chất lượng thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần làm tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nga Thúy

Bình luận
vtcnews.vn