Cà Mau chỉ một lần thôi đã nhớ rồi!

Tổng hợpThứ Ba, 10/12/2013 03:25:00 +07:00

Đêm đêm ngồi trong những ngôi nhà lá không cửa nhìn ra ngút ngàn sông nước, đón cái gió lộng mà nhậu, mà nghe tiếng ca buồn buồn...

Sau những chuyến đi, bạn tôi nói hãy cố gắng đến 4 cực của tổ quốc. Tôi mới đến được 2 cực Bắc và Nam. Một nơi xung quanh là cao nguyên đá và sương mù, một nơi tứ bề sông nước mà suốt cả quãng đường nằm trên xe khách đi từ Cần Thơ xuống Cà Mau, tôi cứ nghe đi nghe lại bài ca Đất phương Nam và cố nhắm mắt để hồi tưởng những gì đã xem, đã nghe về vùng sông nước mênh mông này.

 

Cà Mau đường đi không khó…
Từ thành phố Cà Mau ra đất mũi có thể đi bằng cano mất khoảng 3 tiếng. Nếu như đường bộ, người ta di chuyển bằng xe đò, xe bus thì ở đây phương tiện chủ yếu là cano, ghe, xuồng gắn máy. Những chiếc cano cao tốc này cũng dừng ở 2 bên bờ để bắt khách dọc đường, hoặc có những người chèo ghe ra giữa hồ rồi leo lên hệt như ở thành phố người ta chạy xe máy đuổi theo bắt xe khách vậy. Đôi khi họ dừng nghỉ vài phút ở chợ bốc vác hàng hóa, trong lúc ấy những chiếc ghe chở đồ ăn sáng, bánh bao, bánh mì, sữa… lại táp vào rao hàng sang sảng và người ta đưa bánh, trả tiền qua cái cửa sổ ở hai bên. Một số chị bán vé số, bán nước giải khát leo cả lên cano để mời mọc. Gặp anh khách quen chị dúi cả tập vé số vào tay, véo mũi người ta một cái rõ đau, anh khách chẳng kịp nổi đóa thì bị cái giọng nũng nịu và ngọt như mía lùi của chị “dìm” cho chìm ngỉm trong đường mật chỉ còn biết nhoẻn miệng cười. Không những thế, chị nguýt, chị bảo phải mua 5 vé cho chị, từ chối không nỡ đành rút tiền ra trả. Trước khi cúi đầu chui ra khỏi cửa chị còn quay lại nhắc “bữa mai, bữa mốt gặp chớ có được ngó lơ người ta đó, nhớ heng”. Trời đất, nghe cái giọng đó, đến tôi còn chẳng “ngó lơ” được huống chi anh khách.
Thường chuyến sớm nhất của cano cao tốc ở đây là 6 giờ. Giờ đó người ta vẫn còn gà gật. Từ đất mũi quay lại bến cao tốc phường 7 của thành phố, muộn nhất chỉ có chuyến 3h chiều. Ngoài cao tốc hay các phương tiện đường thủy thì không còn phương tiện nào khác để đi ra đất mũi. Thật ra, một chiếc cầu lớn nối từ thành phố ra Năm Căn đang được khởi công xây dựng, nghe nói khoảng cuối năm 2014 thì chiếc cầu sẽ hoàn thành để đi vào hoạt động. Khi đó, quãng đường đi ra đất mũi sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, người ta có thể đi xe máy, ô tô, taxi, xe bus ra Năm Căn rồi từ Năm Căn mới ra đất mũi.

 

…về Cà Mau là thấy thương em rồi
Nếu chưa ra đất mũi có thể nghỉ chơi ở Năm Căn cũng thú vị vô cùng. Ăn hải sản và nghe đờn ca tài tử. Đêm đêm ngồi trong những ngôi nhà lá không cửa nhìn ra ngút ngàn sông nước, đón cái gió lộng mà nhậu, mà nghe tiếng ca buồn buồn da diết thực là cái thú khôn tả xiết. Dọc hai bên bờ sông, có nhiều ngôi chợ buôn bán hàng hải sản, quán hàng ăn, thậm chí là ngân hàng, nhà may đủ cả. Những ngôi nhà đó vươn ra phía mặt nước, có những bậc thang gỗ mà mùa này, con nước lên chỉ thấy ngấp nghé cái bậc trên cùng thôi. Dưới mỗi nhà đều có một chiếc ghe đậu bên dưới, như người ta vẫn thấy ngoài phố, xe máy đậu trên vỉa hè vậy. Ở những chợ đó, tất nhiên, nhà nào cũng có cửa thậm chí là cửa sắt nhưng đi thêm một đoạn là những ngôi nhà lá không cửa mà vào những ngày u ám, xung quanh sông nước ảm đạm nhìn chao ôi là buồn.
Những ngôi nhà không cửa - cô bạn phóng viên báo Cà Mau đi cùng tôi chỉ sang hai phía bờ sông lác đác những ngôi nhà trông như cái chòi mọc nép mình bên đám dừa nước. Nhà chẳng có gì để mất, sao phải làm cửa. Lại nữa, người miền Tây cả đời sống trên sông nước, tính tình hảo sảng, phóng khoáng đã quen, cửa giả chi cho nhọc. Những ngôi nhà này “đồng dạng” không ngờ với con người miền Tây này, tuềnh toàng nhưng cởi mở, khác hẳn với những ngôi nhà thành phố, cửa trong cửa ngoài, khóa trên khóa dưới, và tính cách họ cũng khóa kín hệt như những ngôi nhà của họ.
Xã đất mũi trước đây thuộc huyện Năm Căn. Vào năm 1984 đến nay thì thuộc về huyện Ngọc Hiển. Cano tới đây gần như là điểm cuối cùng nên chúng tôi lục tục leo lên bờ và giáp mặt với một ngôi chợ đơn sơ cả hình thức lẫn các thể loại mặt hàng. Mùi mắm cá, mắm tôm lẫn với mùi cá khô đang treo lắc lỉu trên dàn tre hòa với tiếng nhạc rè rè phát ra từ chiếc loa đài cũ kĩ nghe chộn rộn đến khó tả. 
Chúng tôi hỏi một chị bán hàng ở đây có xe ôm không, chị bảo, chi cũng có, có xe ôm, có cho thuê cả xe đạp để đạp lòng vòng. Chị nhấc máy líu ríu một hồi thì liền 5 anh xe ôm đỗ xịch trước mặt. Mấy anh kêu mỗi người một xe chứ đi 3, đi 4 ở đây người ta phạt liền. Chúng tôi bảo họ chở đến trụ sở ban quản lý Rừng quốc gia Cà Mau.

 

Từ rừng Quốc gia Cà Mau một chiếc xuồng đưa chúng tôi đi thăm đất mũi. Hai bên bờ, rừng đước và mắm- hai loại cây đặc trưng của vùng ngập mặn mọc sát nhau. Cô bạn hướng dẫn viên du lịch chỉ cho tôi cách phân biệt cây mắm và cây đước và bảo “mắm đi trước đước theo sau”. Ở đây chung quanh là đước. Những cây đước cao lênh đênh, rễ từng chùm cắm xuống lòng đất. Cô bạn người Cà Mau chỉ “chị coi kìa, chị nghe câu từng chang đước đong đưa như người xưa từng ở chốn này trong bài ca Đất phương Nam chưa? Chang đước là vậy đó”.
Càng đi ra sát cửa biển phía Tây, đước càng thưa, mắm lại càng dày. Đến một bãi bồi rộng, cả một rừng mắm hiện ra, sát biển những cây mắm non nớt đã nảy mầm, mọc lên như những chú hoa tiêu bé nhỏ, can trường lấn biển. Khoảng sau 6 giờ tối nước lên, những cây mắm này bị nước chùm lên nhưng rồi chúng vẫn sống và cứ thế nảy mầm, tiến dần về phía biển. “Mắm đi trước, đước theo sau” là đây. Khi mắm lấn biển và có thể tồn tại ở môi trường mới thì đước mới mọc dần lên, chùm  những chiếc rễ như những ngón tay dài bấu chặt lấy đất và cứ thế chậm rãi tiến ra biển. Mỗi năm, ở vùng đất mũi này, đất liền lại lấn biển tới hàng chục mét và nhìn hình ảnh cột mốc cực nam tôi mới thấu hiểu vì sao người ta lại nói đất nước ta như một con tàu, và vì sao cột mốc lại được thiết kế như một mũi tàu đang hướng ra phía biển.

 

Nghe nói, trước đây người dân sống trong vùng rừng Quốc gia Cà Mau này sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và khai thác đước nên một phần của rừng đã bị phá hủy khá nhiều. Để bảo vệ rừng, chính quyền khuyến khích bà con phát triển du lịch cộng đồng vừa cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập mà lại bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên. Với tính cách cởi mở, thân thiện của mình, một số hộ gia đình bà con miền Tây chịu thương chịu khó đã thay đổi rất nhiều, kinh tế đi lên, cuộc sống trở nên sung túc đầy đủ hơn và đặc biệt để lại một điểm nhấn vô cùng dễ chịu với khách thập phương đến thăm điểm cực Nam này của tổ quốc.

Gia Thiện
Ảnh: Phạm Băng Thanh
Bình luận
vtcnews.vn