Cá mập trắng dùng hàm rỉa sợi cáp quang biển của Google

Kinh tếThứ Bảy, 16/08/2014 04:08:00 +07:00

Một con cá mập trắng bị bắt gặp đang dùng hàm rỉa một sợi cáp quang biển của tập đoàn Google.

Một con cá mập trắng bị bắt gặp đang dùng hàm rỉa một sợi cáp quang biển của tập đoàn Google.

Một đoạn video được ghi lại bởi các thợ lặn chuyên nghiệp cho thấy con cá mập trắng dùng hàm răng sắc nhọn từ từ nhai đoạn dây cáp.

Sau khi xem đoạn video, tập đoàn Google phải cử thợ lặn chuyên nghiệp xuống đáy biển, dùng Kevlar - vật liệu được sử dụng trong áo khoác chống đạn – để bọc toàn bộ hơn 160.000 km cáp quang nhằm tránh bị những con cá mập đến sau tấn công.

Người ta không tìm được lý do tại sao những con cá mập lại hành động như vậy.

Loại cáp mà Google sử dụng được làm từ sợi thủy tinh, truyền dữ liệu qua đại dương qua tia laser. Giám đốc bộ phận sản phẩm của Google cho biết vật liệu này cho tốc độ đường truyền nhanh hơn 100 lần so với đồng.

cá mập trắng
Con cá mập lượn lờ phía trên, sau đó lao xuống nhai đoạn dây cáp. Ảnh: Youtube  

Nếu những đoạn cáp quang nêu trên bị đứt, mạng internet tại nhiều quốc gia có thể bị chậm đi, nghiêm trọng hơn là mất kết nối.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên hệ thống cáp quang dưới biển bị cá mập tấn công. Vào năm 1987, hệ thống cáp quang nối liền giữa Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng bị cá mập cắn nhưng không để lại hậu quả nghiêm trọng. Hồi năm 1985, răng của một con cá mập được phát hiện mắc sâu bên trong một sợi cáp quang thử nghiệm ngoài khơi bờ biển quần đảo Canary.

Tờ Network World mới đây có đưa tin, Google đã chi tiêu rất nhiều tiền để triển khai và duy trì mạng lưới khổng lồ các sợi cáp ngầm dưới đáy biển mà họ dùng xử lý một lượng lớn lưu lượng truy cập tạo ra mỗi ngày của mình.

Network World dẫn lời một báo cáo của Dan Belcher - một nhà quản lý sản phẩm trong nhóm điện toán đám mây của Google - thì gã khổng lồ tìm kiếm đã tốn rất nhiều tiền để dùng Kevlar bảo vệ tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương của mình nhằm chống lại hàm răng của cá mập.

Tuy tờ báo này không đưa ra số đô la chi phí dùng cho mục đích này nhưng thực tế thì sợi Kevlar không hề rẻ và số tiền để tạo ra vỏ bảo vệ cho hàng ngàn dặm cáp dưới đáy Thái Bình Dương chắc chắn sẽ rất khổng lồ.

Theo Báo Đất việt

Bình luận
vtcnews.vn