Cả bệnh viện khóc nghẹn tiễn Giáo sư Nguyễn Anh Trí về hưu: Chuyện thường sao lạ lùng giữa thời nay?

Sức khỏeThứ Tư, 04/10/2017 11:15:00 +07:00

Câu chuyện Giáo sư Nguyễn Anh Trí về hưu với nhiều hình ảnh xúc động, đáng lẽ là chuyện thường nhưng sao lại lạ lùng giữa thời buổi này?

Mấy ngày nay, câu chuyện, hình ảnh hàng ngàn người tiễn GS.TS Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) về hưu dậy sóng dân mạng, từ cô nhân viên, y tá, anh bác sĩ, đến bác bảo vệ, hàng dài bệnh nhân đã và đang điều trị tại đây, đều nghẹn ngào trong buổi chia tay Giáo sư về hưu.

Câu chuyện tưởng là bình thường sao lại lạ lùng giữa thời buổi này vậy? Hóa ra cái gì cũng có căn nguyên của nó cả.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí là một trong những người đầu tiên gây dựng phong trào hiến máu nhân đạo. Đó là một trong những cơ sở để thành lập Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Điều đó cũng không quá đáng bàn. Đáng bàn là, trong suốt cả quá trình công tác, Giáo sư đã thể hiện đủ cái tài cái tâm của mình. Trực tiếp dạy dỗ biết bao thế hệ bác sĩ. Tự tay chăm sóc, điều trị, cứu sống biết bao bệnh nhân mắc bệnh về máu; trong đó có hàng ngàn bệnh nhân cực kỳ khó khăn. Giáo sư đã tự mình kêu gọi cộng đồng cung chung tay cứu giúp các bệnh nhân này.

22050224_10214340029281336_2246931144318899859_n

 "Bác là người hiểu chúng cháu hơn cha mẹ đẻ của mình", một bệnh nhân đã khóc gục vào vai vị GS già chia sẻ như vậy

Khi đến Viện, hỏi các bệnh nhân về Giáo sư, hầu như ai cũng từng vài lần được chính Giáo sư thăm khám, hỏi han, điều trị…

Giáo sư cũng là người tiên phong thực hiện bệnh viện “nói không với phong bì”, mà sau này nó trở thành khẩu hiệu hành động của cả ngành y tế, để cải tổ thái độ phục vụ, xem bệnh nhân là khách hàng, xem bệnh nhân là ân nhân.

Thế thì hà cớ gì khi về hưu, Giáo sư không nhận được những giọt nước mắt sẻ chia, yêu thương, kính trọng kia? Chúng ta thấy lạ, chẳng qua vì thời nay, có vẻ còn ít người đang hành động bằng cái tâm, cái tài.

Lục lại sử cũ thấy rằng, các quan ngày xưa do đã được thấm nhuần những giáo lý của đạo học nên biết cống hiến sức mình vì sống cao cả là “thờ vua giúp nước”, “ngẩng đầu lên không thẹn nước, cúi xuống không thẹn nhà”.

Họ về hưu là để an dưỡng tuổi già, để hưởng thụ thanh tịnh phần còn lại của cuộc đời, sau khi đã cống hiến hết mình cho xã tắc.

Đáng buồn là, qua bao thời gian dâu bể, những điều tưởng như bình thường đó đã dần dần, ở đâu đó, ở con người nào đó, ngày càng nhạt hơn, rồi dần dần biến mất lúc nào không hay. Đó là một kiểu tha hóa, tha hóa một cách đáng sợ.

Đã có không ít ông quan này quan kia, tranh thủ “bán ghế” trước khi về hưu. Nạn bổ nhiệm ồ ạt trước khi về hưu đã được chỉ ra ở hàng loạt vị quan thời nay. Chuyện này xảy ra khắp nơi, từ Thanh tra Chính phủ, rồi đến hàng loạt địa phương như Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Cà Mau…

Video: Trào nước mắt giây phút chia tay Giáo sư Nguyễn Anh Trí về hưu

Bổ nhiệm kiểu này nhiều đến mức, chỉ lên mạng tìm kiếm Google gõ cụm từ “bổ nhiệm cán bộ trước khi về hưu” thì trong 0,29 giây đã cho hơn 403.000 kết quả. Thật là con số kinh hoàng!

Nếu làm lãnh đạo mà trước khi về hưu thì lo toan bán ghế, lo lót cho người nhà vị trí này chức danh kia, rồi lo lợi ích nhóm… thì khi về hưu, hỏi có ai đến nhà?

Tiến sỹ Thế Hùng từng có câu thơ đại ý rằng “Bộ trưởng về vườn cỏ mọc xanh rêu…”, với dụng ý: Lúc làm quan thì chả ra gì, bất tài vô dụng, chỉ lo vơ vét làm của riêng mà không lo cho dân cho nước thì cũng chả ma nào thèm đến nhà, rồi “cỏ mọc xanh rêu” thôi…

Thế mới ngẫm cái sự cay đắng của hai cái thái cực về hưu. Chuyện Giáo sư Nguyễn Anh Trí về hưu mà thấm đẫm nước mắt, trào dâng niềm sẻ chia. Còn biết bao nhiêu kẻ về hưu mà để lại phía sau bao nỗi hận, để lại sự lục đục, rồi tranh giành chức quyền, ngôi vị…

Thế mới ngẫm cái sự thường tình tự cổ xưa, giờ thành điều hiếm hoi, mới đáng buồn, đáng lo làm sao!

Khánh Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn