"Phải xử lý nghiêm DN quảng cáo sai sự thật"

Kinh tếThứ Bảy, 30/10/2010 01:03:00 +07:00

(VTC News) - ĐBQH Bùi Thị Lệ Phi đề xuất: Cần ghi rõ trong dự Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cấm quảng cáo hàng hóa sai sự thật và nếu phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm.

(VTC News) – Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng (NTD), ĐB Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) đề xuất ghi rõ trong dự Luật việc cấm quảng cáo hàng hóa sai sự thật, quảng cáo nhập nhằng gây nhầm lẫn cho NTD. Theo đó, nếu phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm minh để có tác dụng răn đe.

Chiều 29/10, thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, nhiều ĐBQH tập trung vào vấn đề quảng cáo hàng hóa, các ĐB bày tỏ sự lo lắng về chất lượng hàng hóa liệu có đi đôi với quảng cáo?!

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) băn khoăn, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chưa có điều khoản quy định riêng về vấn đề quảng cáo. Theo ĐB Kim Bé, thực tế việc quảng cáo sai sự thật về sản phẩm hàng hóa đang diễn ra khá phổ biến khiến NTD tin tưởng vào quảng cáo mà “tiền mất tật mang”.

Đồng tình, ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) nhìn nhận, NTD thường tin vào quảng cáo trong khi nhiều sản phẩm quảng cáo thổi phồng về chất lượng. ĐB Kim Anh ví dụ  nhiều doanh nghiệp đang quảng cáo sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng, sữa hoàn nguyên… nhưng NTD không được biết rõ thực hư thế nào?! Theo ĐB này, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra và công bố các kiểm tra, cung cấp thông tin cho người dân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp trong  việc ghi nhãn hàng hóa nhập nhằng.

ĐBQH TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi (Ảnh: TTXVN) 
Thẳng thắn lên án hành động quảng cáo sai sự thật đối với hàng hóa, ĐB Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) cho rằng, người dân thiệt thòi lớn khi tin vào quảng cáo.

ĐB này đề nghị, dự Luật nên ghi rõ việc cấm quảng cáo hàng hóa sai sự thật, quảng cáo nhập nhằng gây nhầm lẫn cho NTD. Cùng với đó, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương về quảng cáo quá mức, để ảnh hưởng tới quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, nếu phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm minh để có tác dụng răn đe.

Làm rõ hơn về nội dung này, tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: trong dự thảo Luật đã chỉnh sửa các quy định cụ thể nội dung thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ cung cấp cho người tiêu dùng;

Đồng thời, quy định cấm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn đối với NTD thông qua việc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin; chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của bên thứ ba (bao gồm các cơ quan truyền thông đại chúng) trong việc quảng cáo, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ; Làm rõ trách nhiệm bảo hành hàng hóa; trách nhiệm đối với hàng hoá có khuyết tật để bảo vệ quyền lợi NTD cho phù hợp với pháp luật về dân sự nhằm bảo đảm tính khả thi và phù hợp thực tế. 

Luật không nên đi theo hướng quy định trách nhiệm của từng cơ quan

Cũng tại buổi thảo luận, các ĐB đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi NTD diễn ra trong  nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, không phải chỉ trách nhiệm của một Bộ hoặc một vài Bộ nào. Ngoài một số Bộ mang tính đặc thù, còn lại hầu hết các Bộ khác đều có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nghiên cứu các Luật mới được Quốc hội ban hành, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD không nên đi theo hướng quy định trách nhiệm của từng cơ quan mà chỉ quy định chung về cơ quan đầu mối cũng như nguyên tắc trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD sẽ do Chính phủ quy định cụ thể theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ cũng như tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và thực tiễn yêu cầu bảo vệ quyền lợi NTD trong từng thời kỳ.

Về trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp  trong bảo vệ quyền lợi NTD, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật có liên quan nên không cần thiết phải quy định trong Luật này.

Trần Lê


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gialà bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.



 

 

Bình luận
vtcnews.vn