Khuyết vai trò Nhà nước trong dự thảo Luật Bảo vệ NTD

Kinh tếChủ Nhật, 18/04/2010 01:00:00 +07:00

(VTC News) - ĐB Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị bổ sung vai trò Nhà nước trong bảo vệ người tiêu dùng, để không phải đặt câu hỏi: "Nhà nước đi đâu?"

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội Trương Thị Mai băn khoăn về vai trò của Nhà nước trong bảo vệ người tiêu dùng vì chỉ thấy 2 bên là người tiêu dùng và người kinh doanh tranh chấp hòa giải với nhau không được thì đưa nhau ra tòa. Bà Mai đề nghị bổ sung vai trò Nhà nước, để không phải đặt câu hỏi: "Nhà nước đi đâu?"

Ngày 17/4, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại phiên họp 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng, trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) mà Bộ Công thương trình gần như không có quy định riêng về trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ NTD.

Theo Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, dự thảo Luật dành 2 điều (61 và 62) về trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD). Đây là quy định hết sức cần thiết, tuy nhiên, việc BVQLNTD là lĩnh vực cần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, cơ quan phát thanh, truyền hình...

Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan trong các hoạt động BVQLNTD; việc phân công, phân cấp của Chính phủ, cho cơ quan nhà nước quản lý về BVQLNTD, cho UBND các cấp trong việc BVQLNTD tại địa phương mình quản lý.
 

Theo ông Thi, Luật đi theo hướng xã hội hóa về bảo vệ NTD nên những dịch vụ công được hưởng ưu đãi hay những dịch vụ liên quan đến lợi ích của NTD dùng thì không thể không có sự có mặt của Nhà nước.

Ông Thi ví dụ, những lĩnh vực đặc biệt như văn hóa tinh thần, sức khỏe, giáo dục... tuy Nhà nước không quy định về giá nhưng Nhà nước cần can thiệp chứ không để tổ chức, cá nhân kinh doanh tự định đoạt theo cơ chế thị trường sẽ dẫn đến độc quyền trong cung cấp dịch vụ.

Đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đồng tình: "Đúng là vai trò của Nhà nước không thấy ở đâu, chỉ nêu chung chung không rõ, tôi đề nghị làm rõ".

Tương tự, đại biểu Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội nói: "Tôi băn khoăn về vai trò của Nhà nước trong bảo vệ NTD, dự án Luật chỉ thấy nói chủ yếu đến hai bên là NTD và người kinh doanh, nếu hai đối tượng này có tranh chấp, hòa giải với nhau không được thì lại đưa nhau ra tòa. Đề nghị bổ sung rõ ràng vai trò của Nhà nước trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không thì lại hỏi Nhà nước đi đâu?" - bà Mai nói.

Phân tích rõ hơn về đề nghị của mình, bà Trương Thị Mai cho rằng, có những trường hợp NTD không bảo vệ được mình, các tổ chức cũng không bảo vệ được cho NTD thì cần Nhà nước phải ra tay.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai (Ảnh: Kiều Minh) 
Bà Mai nhấn mạnh, các tổ chức bảo vệ NTD của Việt Nam hiện nay còn... yếu ớt lắm, có lẽ giai đoạn này và sau dù muốn xã hội hóa cũng vẫn cần vai trò của Nhà nước.

Đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cũng cho rằng, về tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay tuy tổ chức này hình thành rất sớm và hiện có tới 30 tổ chức đang bảo vệ quyền lợi NTD. Nhưng khó khăn là về kinh phí, cùng với đó 30 tổ chức này cũng không biết hình thành ra làm sao. Tôi đề nghị cần làm rõ 30 tổ chức này, rồi cần có Hội ở Trung ương và có các chi hội ở dưới hay là Hội theo lĩnh vực hàng hóa..

Về những ý kiến góp ý trên của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình thêm, trong Luật này hay Luật khác cũng đã nêu vai trò của Nhà nước thể hiện ở việc ban hành cơ chế chính sách, các quy phạm tiêu chuẩn dịch vụ hàng hóa, xét xử các cá nhân tổ chức vi phạm chất lượng hành hóa... "Tôi đồng ý với ý kiến các đại biểu là Nhà nước phải thể hiện trách nhiệm của mình trong bảo vệ những điều chính đáng cho NTD. Trong quá trình hoàn thiện Luật, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn chỉnh nội dung này" - Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

Nên hạn chế bán hàng đa cấp

Về vấn đề bảo vệ quyền lợi của NTD - Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi, trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có đưa ra 3 điều (11, 12, 13) về Hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn cho NTD; Hành vi quấy rối NTD; Hành vi ép buộc NTD - có được xem là nghiêm cấm đối với bảo vệ NTD hay không?

Bà Mai ví dụ, "Việc bán hàng đa cấp đã được chúng ta đồng ý cho bán - dẫn đến giá trị cuối cùng lên rất là cao; hay bán thực phẩm chức năng cũng vậy - nó không phải là thuốc! Nên hạn chế bán hàng đa cấp, không được bán rộng rãi, nếu ''anh'' để thế thì NTD không bảo vệ được mình. Đây là phương thức mới được chúng ta cho phép, nhưng phải có điều kiện và phạm vi chứ không tràn lan được. Đặc biệt hàng đa cấp không nên là thực phẩm chức năng" - bà Mai nhấn mạnh.

Bán hàng đa cấp đẩy giá trị cuối cùng lên rất cao.

Về ý kiến này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình, bán hàng đa cấp đúng là có gây hậu quả chưa lường hết được nên Bộ Công thương sẽ tiếp thu và kiến nghị Chính phủ có những biện pháp khống chế, hạn chế.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của NTD, bà Trương Thị Mai cho rằng việc bảo vệ NTD đưa ra trong dự án Luật còn mỏng manh quá, trong khi vấn đề giải quyết sau hậu quả lại đưa rất chi tiết. "Theo tôi nên bổ sung cân đối cả hai vế cho tương xứng. Trong Luật này phải làm, không thì không biết Luật nào làm mà có đủ sức bao quát như Luật này" - bà Mai đề nghị.

Đại biểu Lê Quang Bình cũng đồng tình, "Tôi thấy thiếu vế NTD tự bảo vệ mình. Tôi nhớ trong một phiên chất vấn của TP.Hà Nội, có người nói hàng hóa giờ giả, kém chất lượng thì trách nhiệm của UBND, của Sở thế nào? Một đồng chí lãnh đạo TP trả lời: đúng là có trách nhiệm của các ngành và UBND nhưng NTD phải là người thông thái - có nghĩa trước hết NTD phải bảo vệ mình. Như vậy theo tôi Luật này phải có quyền và nghĩa vụ của NTD phải bảo vệ mình; sau đó đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, đồng thời trách nhiệm cả của Nhà nước".

Còn đại biểu Ksor Phước đề nghị: "Chúng ta phải trả lời được câu hỏi cơ bản là ai sẽ bảo vệ được quyền của NTD, nếu chỉ bằng này tôi thấy chưa đủ. Dự án Luật nêu vai trò xã hội, cơ quan nhà nước - chung quy là chưa rõ lắm. Theo tôi phải ghi rõ thêm là các doanh nghiệp (DN) và các đại diện hợp pháp của DN trong bảo vệ quyền lợi của NTD"

Ông Ksor Phước phân tích, khi DN thấy sản phẩm của mình làm giả thì DN phải đứng ra bảo vệ quyền lợi của NTD, điều tra làm rõ hành vi sai trái - cũng có nghĩa vừa là bảo vệ cho NTD, vừa là bảo vệ cho chính DN". Theo ông Ksor Phước, quyền lợi của NTD trong dự án Luật (chương 4) tương đối đầy đủ, nhưng cần có quyền khiếu nại, tố cáo tổ chức, cá nhân mạo danh các DN có hành vi xâm hại đến các sản phẩm hàng hóa của mình.

 
Điều 5. Quyền của người tiêu dùng
(Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng):

1. Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch tiêu dùng và khi sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

2. Người tiêu dùng có quyền được cung cấp các thông tin chính xác và đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh, nội dung của giao dịch, hàng hoá, dịch vụ và các thông tin cần thiết khác.

3. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; Lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; Tự do cân nhắc, quyết định việc tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

4. Người tiêu dùng có quyền phản ánh, góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và các nội dung khác có liên quan tới giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

5. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu được bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc các nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã công bố hoặc cam kết. Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của Luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Mọi hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng phải được xử lý kịp thời, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

6. Người tiêu dùng có quyền được giáo dục các kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, có quyền được thông tin và đóng góp ý kiến trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

7. Người tiêu dùng có quyền được cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của mình. Nhà nước có chính sách phát triển các ngành nghề phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

8. Người tiêu dùng có quyền được sống trong môi trường sống lành mạnh, trong sạch. Mọi hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người tiêu dùng phải được xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.






Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn