"Bức xúc của người tiêu dùng sẽ còn tồn tại mãi"

Kinh tếThứ Ba, 16/03/2010 12:18:00 +07:00

(VTC News)- "Vấn đề NTD chỉ giải quyết tới mức nào đó, sẽ nảy sinh vấn đề khác, lại tiếp tục giải quyết. Bức xúc của NTD sẽ tồn tại mãi".

(VTC News) - "Vấn đề NTD không thể nói giải quyết hết ngay được, chỉ có thể giải quyết đến một mức độ nào đó vì khi giải quyết gần xong vấn đề này nó sẽ lại nảy sinh ra vấn đề khác, chúng ta lại tiếp tục phải giải quyết. Vấn đề NTD sẽ còn tồn tại mãi, chúng ta còn phải giải quyết mãi".

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD VN, ông Đỗ Gia Phan nhận định như vậy khi trao đổi với VTC News xoay quanh "sứ mệnh" bảo vệ người tiêu dùng của Hội, nhân ngày Người tiêu dùng thế giới (15/3).

Niềm vui của Hội là giúp NTD biết đến quyền của mình hơn

- Thưa ông, từ khi thành lập đến nay, với tư cách là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam, Hội thấy tâm đắc nhất về hoạt động gì?

- Trước đây, vấn đề tiêu dùng (NTD) với nước ta rất mới. Trong thời kỳ bao cấp, hầu như không có giao dịch trật tự giữa người mua và người bán, không có vấn đề về NTD. Thậm chí, thuật ngữ NTD không được nói tới, nhưng sau khi chúng ta đổi mới nền kinh tế và đi theo kinh tế thị trường, phát triển cơ cấu thị trường thì bắt đầu nảy sinh vấn đề NTD lúc này có thuật ngữ về NTD và vấn đề NTD được xã hội quan tâm hơn.  

 Ông Đỗ Gia Phan - Phó chủ tịch kiêm tổng thư kí Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD VN

Từ việc xã hội không ai biết đến vấn đề NTD, đến nay, quyền lợi NTD được xã hội quan tâm hơn. Đây là niềm vui lớn nhất, đóng góp lớn nhất của Hội làm cho xã hội biết đến vấn đề NTD, quan tâm tới NTD hơn.  

- Chủ đề NTD Thế giới năm nay thuộc lĩnh vực tài chính “tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”, vậy những vấn đề khác như loạn vé trông xe, giá sữa tăng cao ngất ngưởng,… Hội có vào cuộc?


- Dịch vụ tài chính là chủ trương chung của NTD quốc tế, không chỉ nước ta triển khai hoạt động này mà các nước khác cũng đều triển khai hoạt động này. Tuy nhiên, về riêng nước ta, nó cũng chỉ một phần thôi, còn nhiều vấn đề khác NTD bức xúc như giá sữa, giá điện, giá nước, giá than, giá xăng dầu,…


Chúng ta quan tâm tới tất cả những vấn đề đó nhưng không thể ngày một, ngày hai giải quyết ngay được mà cần sự cố gắng của toàn nhà nước, của toàn xã hội.


- Được biết, để hưởng ứng chủ đề NTD thế giới năm nay, Hội đã có kế hoạch kiểm tra trên diện rộng về dịch vụ ATM, ông có thể tiết lộ cụ thể hơn về chiến dịch này


- Vấn đề này là vấn đề của các ngân hàng – những nơi phát hành thẻ ATM vì cái này liên quan tới rất nhiều vấn đề về kĩ thuật như việc giao dịch giữa các trạm giao dịch ATM của các ngân hàng khác nhau như thế nào, thu phí như thế nào, chống mất cắp, chống mất cắp thông tin như thế nào, chống nuốt thẻ như thế nào.


Hội không thể làm được trực tiếp vấn đề này vì nó thuộc về chuyên môn. Hội chỉ nêu vấn đề thôi, các ngân hàng phải có trách nhiệm xử lý.


Ngoài hỗ trợ kinh phí, cần trao "thượng phương bảo kiếm" cho Hội
 

- Như vậy theo ông trong thời gian tới, cần những biện pháp gì để các vụ việc nhức nhối, làm tổn hại đến niềm tin cũng như quyền lợi của NTD Việt Nam sẽ được giải quyết triệt để?


- Vấn đề NTD không thể nói giải quyết hết ngay được, chỉ có thể giải quyết đến một mức độ nào đó vì khi giải quyết gần xong vấn đề này nó sẽ lại nảy sinh ra vấn đề khác, chúng ta lại tiếp tục phải giải quyết. Vấn đề NTD sẽ còn tồn tại mãi, chúng ta còn phải giải quyết mãi.


Tuy nhiên, trước mắt để bảo vệ NTD, nhà nước phải bảo vệ công dân của mình trước nhất bằng luật pháp.


Thứ hai, toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp phải tham gia bảo vệ quyền lợi NTD. Bởi lẽ bảo vệ quyền lợi NTD cũng chính là bảo vệ quyền lợi của chính DN.


Bản thân NTD cũng phải tham gia vào bảo vệ NTD, bảo vệ chính mình bằng cách nâng cao vai trò, vị trí, nhận thức của mình. Phải thực hiện tiêu dùng khôn ngoan hơn, có kiến thức, hiểu biết nhất định về tiêu dùng để có cách chi tiêu hợp lý hơn.


Trực tiếp hơn nữa, năm nay NTD có khẩu hiệu “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”, vì chúng ta có tiền, chúng ta có quyền đòi hỏi, phát huy được sức mạnh đồng tiền.


- Thưa ông, bảo vệ NTD như ông nói thực sự là quá trình gian nan đòi hỏi phải có sự phối hợp từ nhiều phía, vậy ông có chia sẻ gì về những khó khăn mà Hội đã gặp phải từ khi thành lập?


- Hiện nay, khó khăn không phải là khó khăn riêng của Hội mà khó khăn chung của toàn xã hội, của cả Chính phủ. Ví dụ như vấn đề giá sữa, mình muốn giải quyết nhưng có phải muốn là giải quyết được ngay đâu.


Riêng Hội có những khó khăn nhất định: Hội là tổ chức phi Chính phủ, không lợi nhuận, không được nhà nước cấp kinh phí, tất cả đều dựa vào sự tự nguyện những người đứng ra tình nguyện bảo vệ NTD, nên năng lực, nguồn lực của hội cũng hạn chế.


Mặt khác, Hội không có quyền lực nhà nước nên tiếng nói của Hội chỉ có tiếng vang nhất định, còn chủ yếu sử dụng lực lượng của NTD để tự đứng ra bảo vệ NTD.


- Với những khó khăn như vậy, ông có đề xuất gì?


- Các tổ chức quần chúng, tổ chức phi chính phủ phải tự túc về các chi phí của hội. Hội Bảo vệ NTD cũng là một tổ chức như thế.


Về nguyên tắc, Hội vẫn phải tự túc kinh phí hoạt động, tuy nhiên, trong thời gian vừa rồi, nhà nước đưa ra quyết định: Cung cấp tài chính cho những đơn vị làm những công việc trực tiếp của nhà nước. Việc của Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ NTD chủ yếu cũng là việc mà nhà nước phải làm. Vì vậy, thông qua việc làm của các hội, cũng mong nhà nước sẽ cấp một phần kinh phí để hỗ trợ để hội có thể hoạt động.


Xin cảm ơn ông về buổi phỏng vấn này!


Tiểu Phương
(thực hiện)

Theo bạn, để Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng thực thi được vai trò bảo vệ người tiêu dùng, cần trao cho Hội quyền hạn và quy định trách nhiệm tương quan như thế nào? Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn