DN Việt giải nỗi lo tăng giá của NTD thế nào?

Kinh tếThứ Bảy, 13/11/2010 01:20:00 +07:00

(VTC News) - Khi áp lực tăng giá đang đè nặng lên đôi vai của NTD, các DN chân chính cam kết: Sẽ cố0 gắng hết sức để giảm giá thành chi phí một cách tối đa nhất

(VTC News) - Khi áp lực tăng giá đang đè nặng lên đôi vai của NTD, một số DN đã cam kết: Sẽ cố gắng hết sức để giảm giá thành chi phí một cách tối đa nhất.

Cải tiến công nghệ sản xuất để hạ giá thành sản phẩm

Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị “Nhìn lại một năm thực hiện cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" diễn ra sáng 11/11, bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thời trang Việt Nam (Vinatex Mart) - cho biết: Trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ gia tăng, biện pháp hàng đầu để giảm áp lực tăng giá là các DN phải cải tiến công nghệ - kĩ thuật sản xuất, tăng năng suất sản phẩm để giảm giá thành chi phí cho người dân.

 Bà Nguyễn Thị Hồng Hương (GĐ Công ty TNHH MTV Thời trang VN - Vinatex Mart): DN muốn cạnh tranh trên thị trường phải mở rộng hệ thống phân phối ở cả vùng sâu, vùng xa.
- Thưa bà, hiện nay ở nông thôn, với mức thu nhập bình quân trên đầu người thấp, người dân thường ưu tiên sử dụng những mặt hàng giá rẻ. Nhưng phần lớn những mặt hàng này đều là hàng giả, hàng nhái hoặc hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Vậy làm sao để khuyến khích NTD nông thôn sử dụng hàng Việt, thưa bà?.

- Chúng tôi đã từng đi bán hàng ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa như Cao Bằng. Trước khi đi, chúng tôi cứ đinh ninh rằng đến đó để khảo sát thị trường dệt may chứ rất khó để có thể bán tại nơi sát cận biên giới của Trung Quốc như thế. Nhưng qua khảo sát, thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Người dân rất khát khao, thiết tha tiếp cận với hàng VN giống như cuộc vận động, tuyên truyền của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới phân phối của hàng dệt may VN chất lượng cao không về. Người dân thường than thở: “Cứ nói là hàng nhái, hàng giả là độc hại nhưng giờ muốn mua hàng Việt thì mua ở đâu”, trong khi hàng dệt may VN chưa có điều kiện để thâm nhập vào các địa bàn đó. 

- Theo bà, lý do tại sao hàng Việt chưa thâm nhập được vào thị trường nông thôn? Phải chăng vì các đợt vận động đưa hàng về nông thôn chỉ diễn ra trong một vài ngày?

Sau 1 năm, Bộ Công thương phát động đưa hàng Việt tới nông thôn bằng những chương trình ngắn hạn, hàng lưu động, chúng tôi cho rằng: Đó mới chỉ là động thái bước đầu để nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ hơn, hiểu sâu rộng hơn, còn để giúp cho người dân, tạo điều kiện cho họ sử dụng sản phẩm Việt lâu dài thì các DN cũng như Nhà nước phải có kế hoạch dài hạn, cụ thể hơn.

- Vậy DN của bà có chiến lược gì để mở rộng thị trường, tìm chỗ đứng trong lòng người Việt hiện nay?

- Với tư cách là nhà phân phối, ngay bây giờ, chúng tôi phải tính toán lại chiến lược phát triển của mình, không chỉ mở các siêu thị, các cửa hàng thời trang ở các TP lớn mà phải đi sâu về các vùng sâu, vùng xa, đi vào đời sống nơi có đông dân cư.

Nhưng một khó khăn lớn nhất hiện nay không chỉ của riêng DN chúng tôi đó là: Điều kiện để đưa hàng VN của mình về vùng nông thôn như vận chuyển, cơ sở hạ tầng tới chính sách của Nhà nước còn nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng đang kiến nghị với Nhà nước cùng DN chia sẻ những biện pháp bền vững để DN có thể hiện diện, túc trực, cung ứng hàng thường xuyên cho người dân, chứ không chỉ dừng lại ở những chuyến xe lưu động mà thời gian vừa qua chúng ta vẫn đang làm.

Để giảm áp lực tăng giá, các DN phải cải tiến công nghệ sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. (Ảnh: Minh Nguyễn)

- Từ bây giờ cho tới khi có chính sách như DN bà mong muốn, liệu người dân vẫn phải sử dụng sản phẩm với giá cao, phải không thưa bà?

- Hiện nay, trong các chương trình bán hàng về nông thôn, chúng tôi cùng với các DN đều phải dùng mọi biện pháp để giảm giá mức tối thiểu, thậm chí từ khâu sản xuất, cho ra những dòng sản xuất, làm sao để tiết kiệm chi phí để có mức giá gần bằng với thu nhập của người dân địa phương.

- Được biế, nguồn nguyên liệu phần lớn nhập khẩu ở nước ngoài. Theo bà, làm sao mình có thể giải quyết được việc hạ giá thành sản phẩm?

- Hiện nay, một trong những khâu quan trọng để hạ giá thành sản phẩm là phải cải tiến công nghệ sản xuất, tăng năng suất sản phẩm. Đồng thời, tiết kiệm các chi phí như hạn chế đầu tư ở khâu làm bao bì hay ở khâu phân phối, vận chuyển, tìm cách đưa hàng đi từ khâu sản xuất tới tiêu thụ bằng con đường ngắn nhất, gọn nhất.

Một trong những chi phí phân phối nữa đẩy giá thành lên cao đó là chi phí mặt bằng. Tại các trung tâm, chi phí mặt bằng rất cao, vì vậy, trong thời điểm nhạy cảm hiện tại, DN cần sử dụng quầy kệ, trang trí, tiết kiệm thấp nhất. Phải tính toán để làm sao quay vòng sản phẩm một cách nhanh nhất, kinh tế nhất.

DN phải áp dụng kĩ thuật để giảm giá thay vì giảm chất lượng

Đối với ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang: Việc thiết thực nhất để chia sẻ gánh nặng tăng giá với NTD hiện nay là cùng chung tay, chung sức với họ để tìm ra cách giảm giá thành sản phẩm. Theo đó, ông Thòn cho biết: Ông có thể bớt một đồng lương, anh em trong công ty có thể làm thêm giờ, tăng thêm ca, vắt óc để tìm cách cải thiện công nghệ giúp NTD, đặc biệt là bà con nông dân.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang: Cần phải tăng năng suất làm việc của nhân công để giảm gánh nặng chi phí.
- Trước sự hoang mang, lo lắng của người dân về tình hình tăng giá, lạm phát của nước ta hiện nay, theo ông, chúng ta nên làm gì?

- Trước hết, chúng ta cần bình tĩnh và chấp nhận, hóa giải nó bằng việc làm cuối cùng phải liên kết cho được, thông suốt cho được sự hợp lý giữa sản xuất và tiêu dùng.

- Ông đánh giá thế nào về việc một số DN muốn giảm áp lực tăng giá nhưng lại cạnh tranh không lành mạnh bằng cách đối phó, thay vì giảm giá thành một cách chính đáng bằng các giá cả hợp lý thì lại giảm chất lượng sản phẩm hàng hóa.

- Đó là một hướng đi sai. Thực tế cho thấy: Không ít DN cũng lợi dụng thị trường “tát nước theo mưa”, tăng giá quá mức. DN muốn thắng trong cạnh tranh thì phải nâng cao chất lượng, phải áp dụng các biện pháp kĩ thuật để giảm giá thành thay vì giảm chất lượng.

Khi vốn càng tăng, việc xem xét đó càng trở nên bức xúc với DN. Trong thương trường, đó là một sự cạnh tranh hết sức bình thường giữa các DN.

Trong quá trình phát triển, các DN phải bình tĩnh. Thay vì phản ứng với lạm phát một cách tiêu cực, theo hướng khó chịu mà phải chấp nhận nó và tích cực cải tiến để chi phí giảm, giá thành sản phẩm giảm bù vào giá nguyên liệu cao.

- Theo ông, cần có những biện pháp gì để tránh hiện tượng “té nước theo mưa", đẩy giá thị trường lên chóng mặt?

- Tôi nghĩ, với người công tác quản lý có nhiệm vụ ngăn ngừa việc đó, nên tiến hành một cuộc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, ví dụ như tỷ giá tăng như vậy thì giá thành tăng lên bao nhiêu. Thứ 2 là tốc độ tăng của 2 bên về giá thành với tỷ giá và với lãi suất ngân hàng, chi phí vốn phải tương xứng với nhau. Nếu DN tích cực thì tùy theo cơ cấu giá thành, tỷ lệ tăng giá của sản phẩm đó phải thấp hơn, như thế mới thể hiện chia sẻ với NTD.

- Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc công khai giá cấu thành sản phẩm sẽ dẫn đến việc kê khai không chung thực, hoặc “làm cho lấy lệ”, ông nghĩ sao?

- Khi cơ chế thị trường mở, với những công ty lên sàn, có rất nhiều thứ phải minh bạch hóa. Đưa lên báo chí, công khai các chi phí, đó chính là một cuộc cạnh tranh lành mạnh. Từ đó, sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi như: Tại sao cũng một chi phí này, trong khi DN của tôi lại cao hơn, còn DN của anh lại thấp hơn, phải chăng tôi lãng phí hay vì lý do gì khác,…?

Để tránh tình trạng một số DN "té nước theo mưa", đẩy giá thị trường lên cao, một số ý kiến cho rằng: Cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp công khai chi phí cấu thành sản phẩm của các DN (Ảnh: Minh Nguyễn)

- Vậy đối với DN ông nói riêng, ông có thể “bật mí” một vài kinh nghiệm điều tiết, “đối phó” với thị trường để giảm bớt gánh nặng nỗi lo tăng giá của NTD?

- Thực ra, chi phí vốn tăng thì việc đó ảnh hưởng trực tiếp tới NTD chứ không ảnh hưởng tới DN, vì DN cứ theo đó mà tăng giá lên. Vấn đề ở đây là chia sẻ với NTD như thế nào? Chúng tôi đã tiến hành giảm các chi phí không hợp lý, ngay cả một đồng lương cho mình cũng phải hạn chế.

Tôi có một đề nghị với tất cả anh em trong DN mình là phải làm sao để tốc độ tăng giá của mình phải chậm hơn tốc độ tăng giá của thị trường cả về vốn, về tỷ giá, như thế mới thể hiện được sự chia sẻ tích cực của DN với NTD đặc biệt là bà con nông dân.

Nội bộ Công ty đã phải ngồi lại với nhau, họp bàn tròn để tính toán cắt giảm các chi phí phát sinh, không cần thiết. Ví dụ: Những chi phí ngoài lề tốn kém như quảng cáo, hội họp, tiêu dùng, xe cộ, phương tiện, gặp gỡ, giao lưu... Như thế mới chịu đựng được cuộc cạnh tranh này.

Và đặc biệt, tôi luôn nói với nhân viên: Tích cực nhất, chia sẻ nhất là tăng cường cường độ lao động, tăng năng suất làm việc của nhân công. Hơn nữa, cần phải vắt óc ra nghĩ cải tiến kỹ thuật, cắt giảm chi phí, giảm giá thành trong công ty nhưng đồng thời phải hướng dẫn, giúp đỡ bà con nông dân giảm chi phí cho bà con nữa.

Đó là cuộc phối hợp rất hài hòa, rất tích cực mà theo truyền thống ông cha mình đã từng căn dặn: “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.













Tiểu Phương

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gialà bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.






Bình luận
vtcnews.vn