Làm thế nào để "giải bài toán" áp lực tăng giá?

Kinh tếThứ Ba, 23/11/2010 07:01:00 +07:00

(VTC News)- Gần Tết, nhiều mặt hàng tăng giá gây áp lực, đè nặng lên vai người dân khiến họ lo lắng, hoang mang. Biện pháp nào để kìm hãm đà tăng chóng mặt này?

(VTC News) - Tâm lý “té nước theo mưa” của một số doanh nghiệp trong nước và hệ thống phân phối chưa tốt là một trong những nguyên nhân làm giá cả các mặt hàng trong nước tăng giá chóng mặt trong thời gian qua. 


Càng gần Tết Nguyên đán, giá cả càng leo thang. Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá báo hiệu cho nhiều đợt biến động tiếp theo khiến người dân hoang mang, lo lắng... Trước thực trạng trên, các Đại biểu quốc hội đã “mổ xẻ” những nguyên nhân gây lạm phát và đưa ra những biện pháp hữu hiệu, cấp thiết trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.


Một số doanh nghiệp “té nước theo mưa”

Thời gian vừa qua, người dân cả nước lao đao vì giá vàng lên chóng mặt. Ngày 09/11, giá vàng có lúc leo lên đỉnh điểm, vượt mức 38 triệu đồng/lượng, kỷ lục giá chưa từng có trong lịch sử từ trước tới nay. Giá vàng liên tục “nhảy múa” không theo đà tăng chung của thế giới, chênh lệch với giá vàng thế giới quy đổi có lúc lên tới gần 1 triệu đồng. Mặc dù ngay sau đó, Nhà nước đã có biện pháp can thiệp về tỷ giá cũng như cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn nhưng  thị trường vàng vẫn "nóng" hầm hập, giá USD vẫn không ngừng biến động. "Ăn theo" giá vàng, giá đô, nhiều hàng hóa tại các chợ đầu mối, trong các siêu thị hay các trung tâm mua sắm cũng đồng loạt tăng giá.

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên): “Việc kiểm soát của chúng ta mới chỉ dừng lại ở kiểm soát trên mặt bằng giá chứ chưa kiểm soát kết cấu giá”.
Bên cạnh đó, một hiện tượng thường thấy lâu nay, cứ vào những tháng cuối năm là lạm phát bao giờ cũng tăng cao, sức mua tăng lên, tất cả các nguồn tiền đặc biệt là các đầu tư công được giải ngân nhanh và ở cấp độ rất nhiều. Lạm phát đi vào từng bữa ăn, tác động đến đời sống, chi tiêu của người dân, chính vì vậy, các bà nội trợ – những người thường xuyên đi mua sắm là người nắm rõ nhất điều này. “Tuy nhiên, tôi thấy rằng: Trong hội nghị vừa rồi, Chính phủ vẫn khẳng định lạm phát chưa đến mức 2 con số, theo tôi, để người dân tự nhận xét sẽ chính xác hơn”, đại biểu quốc hội Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đánh giá.

Theo ông Hải, những giải pháp về việc quản lý giá của Nhà nước
hiện nay chưa đồng bộ, quyết liệt, mang tính chi tiết từ những mặt hàng thiết yếu cho tới việc kê khai các bảng giá tại các chợ bán, siêu thị. Dẫn tới việc một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thị trường để nâng giá lên. “Việc kiểm soát của chúng ta mới chỉ dừng lại ở kiểm soát trên mặt bằng giá chứ chưa kiểm soát kết cấu giá”, đây là một nguyên nhân mà theo ông Hải là rất quan trọng trong việc thúc đẩy hàng hóa tăng giá.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đưa ra ý kiến: “Tôi cho là kiểm soát giá chưa có sự chủ động, chưa dự báo trước được nhu cầu cung – cầu để đáp ứng thị trường. Từ đó, chúng ta không chuẩn bị dự phòng, đến khi giá vàng lên cao quá, mới cuống cuồng đi nhập, lúc ấy không kịp so với mặt bằng giá trong nước”.


Còn theo TS Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên nhân sâu xa làm giá cả tăng cao trước hết do các cân đối vĩ mô của nước ta chưa ổn định và chưa có chiều sâu, lúc lên, lúc xuống. “Giống như thể trạng của con người không được khỏe, sức đề kháng của cơ thể yếu, chỉ cần một tác động nhỏ thôi sẽ dẫn tới nhức đầu, sổ mũi ngay”, TS Nguyễn Ngọc Hòa ví von.

Nguyên nhân thứ 2 cũng phải kể đến là do có tác động của tâm lý người dân. Người tiêu dùng (NTD) rất lo lắng khi thị trường có những biến động về tỷ giá. Giá vàng vượt ngưỡng không tưởng, người dân hoang mang, mua bán phần nhiều theo xu hướng đám đông, điều đó cũng tác động không nhỏ làm cho mặt bằng giá tăng lên, TS Hòa nhận xét.
TS Nguyễn Ngọc Hòa: Giá cả tăng cao trước hết do các cân đối vĩ mô của VN chưa ổn định và chưa có chiều sâu.


Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng đó là tâm lý “té nước theo mưa” của một số doanh nghiệp trong nước và hệ thống phân phối chưa tốt.

Thực tiễn cho thấy rằng, nếu như vừa qua, hệ thống phân phối của chúng ta tốt, hệ thống này không lợi dụng những biến động trên thị trường để “té nước theo mưa” nên áp lực tăng giá sẽ giảm đi. Theo TS Hòa, nếu Nhà nước ta có một mạng lưới phân phối tốt, tổ chức quy củ, lưu thông rộng, tập trung được nguồn hàng, cho phép tiết giảm các chi phí, thì vòng luân chuyển hàng hóa và luân chuyển đồng tiền sẽ nhanh hơn. Giá cả có thể  vẫn leo thang nhưng sẽ chỉ ở mức độ nào đó mà thị trường và người dân vẫn chấp nhận được. 

“Chính những lúc này, khi lãi suất càng cao, doanh nghiệp nào có cơ hội quay vòng đồng tiền nhanh thì doanh nghiệp đó hoạt động càng có hiệu quả. Và từ hiệu quả đó, cho phép doanh nghiệp ấy hình thành một giá bán có lợi thế cạnh tranh”, ông Hòa nhận định.  

Ngoài ra, từ góc độ quản lý của Nhà nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa cũng nhìn thấy những bất cập cần phải thay đổi.

Mặc dù, chúng ta có cơ quan quản lý Nhà nước về giá nhưng chỉ quản lý đầu ngọn, quản lý đầu ra, thể hiện ở việc niêm yết giá, yêu cầu doanh nghiệp bán đúng giá khi phân phối ra thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế bản thân cơ quan này cũng không thể kiểm soát được thị trường.

Phải có hàng để bán mới giảm được áp lực tăng giá

Để giảm được áp lực tăng giá trên thị trường, ĐB Vũ Quang Hải cho rằng: Việc công khai chi phí giá thành sản xuất đến các chi phí lưu thông mặt hàng khi đưa ra thị trường của các doanh nghiệp là việc làm cần thiết. “Chúng ta nên học những nhà quản lý ở chợ Viễn Thành. Sáng ra, có người đi ghi chép lại một loạt các giá niêm yết của các mặt hàng cùng loại, sau đó có một thông báo rất nhanh: Giá tăng như thế nào để người mua đánh giá và lựa chọn”. Theo gợi ý và mong muốn của ông Hải, Nhà nước nên tổ chức làm, thay vì phải làm thay. “Nhà nước làm thay thì rất khó nhưng Nhà nước có thể tổ chức làm và kiểm tra, có thể thuê nhân viên đi ghi chép tất cả những sản phẩm giống nhau ở các chợ, từ đó, quản lý được nơi nào tăng giá cao, nơi nào bán đúng giá và mặt bằng giá tương đối như thế nào. Sau đó, Nhà nước có tác động điều chỉnh kịp thời”. 

Tuy nhiên, TS. Hòa lại không đồng tình với quan điểm trên. Ông nói: “Bây giờ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải kê khai chi tiết tất cả các khoản cấu thành nên sản phẩm đó là điều không khả thi. Về bản chất, đó cũng là một lợi thế cạnh tranh. Bởi mỗi doanh nghiệp đều có cách luân chuyển hàng hóa như thế nào để chi phí lưu thông với mức giá thấp nhất”.

Theo ông Hòa, vấn đề đặt ra ở đây là nhà nước cần có những chính sách tạo điều kiện để phát triển các hệ thống phân phối. Đối với những doanh nghiệp phân phối nào làm ăn đúng đắn, có khả năng phát triển thì Nhà nước nên tạo điều kiện để họ nhanh chóng đưa hàng, đi vào hoạt động.

“Quan trọng là phải có hàng để bán mới giảm được áp lực tăng giá. Hơn hết lúc này, biện pháp hàng đầu là phải thiết lập hệ thống phân phối mạnh, độ phủ rộng, nhanh chóng tăng cường, mở rộng hệ thống phân phối”, ông Hòa liên tục nhấn mạnh: “Chắc chắn rằng, một doanh nghiệp có hệ thống phân phối qui mô càng lớn, mạng lưới càng rộng, về nguyên tắc, chi phí càng thấp và từ đó, cho phép họ có một giá bán cạnh tranh hơn”.

Theo cơn "sốt" giá vàng, giá USD, nhiều mặt hàng thực phẩm  đang tăng giá từng giờ (Ảnh: K. Hạ)

Hiện nay, TP.HCM đầu tư rất lớn để bình ổn giá, sở dĩ thành công vì TP.HCM có một số điểm bán bình ổn hàng lớn. Trong thời gian sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng bình ổn ngay ở những chợ truyền thống.

Nếu như trước đây, các điểm bán hàng bình ổn giá chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp phân phối có tổ chức, tại hệ thống các siêu thị, các điểm bán hàng của phần lớn các doanh nghiệp, thì bây giờ, theo ông Hòa: Phải vươn rộng ra ở tất cả các chợ truyền thống. “Khi mạng lưới này càng được mở rộng thì vòng luân chuyển hàng hóa càng nhanh”, TS Hòa nhận định.


Về lâu về dài, Nhà nước cần thay đổi cấu trúc để kinh tế Việt Nam ổn định và vững mạnh còn trước mắt, trước bối cảnh đang tăng cao, lạm phát có nguy cơ tăng hơn 1 con số như chính phủ cam kết thì giải pháp ngay lập tức để kiểm soát giá cả, tránh tâm lý hoang mang, đầu cơ tích trữ hàng hóa từ giờ đến Tết là nhà nước cần có chính sách để củng cố niềm tin ở tầm vĩ mô. Ví dụ: Nhà nước vừa qua đã khẳng định: Ổn định tỷ giá, ổn định giá những yếu tố đầu vào cơ bản như giá điện, giá than,...

Hơn nữa, Nhà nước phải có những giải pháp điều hành hết sức linh hoạt trong chính sách tiền tệ giúp đồng tiền và lãi suất được lưu thông thuận lợi, để các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng khiến doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào. “Đặc biệt là cuối năm, tình hình hàng hóa càng luân chuyển nhanh thì càng có hiệu quả”, TS Hòa nói.

Để giảm áp lực tăng giá, ngoài các điểm bán hàng bình ổn trong siêu thị, Nhà nước cần mở rộng phân phối ở cả các chợ truyền thống (Ảnh: Tiểu Phương)
 
Ngoài ra, để tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ như hiện nay, một mặt, Nhà nước phải kiểm soát ở phần ngọn nhưng một mặt khác, vẫn phải kiểm tra sát sao từ điểm gốc. “Phải chọn lọc những doanh nghiệp nào làm ăn đàng hoàng, tạo điều kiện cho doanh này đó mở rộng, đẩy mạnh, phát triển. Chính sự lan tỏa của những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sẽ góp phần kìm giảm sự tăng giá hoặc góp phần hạn chế tác động tiêu cực của những doanh nghiệp lợi dụng tình hình đẩy giá lên”.

Ông Hòa cho rằng: Khi có sự xuất hiện của một doanh nghiệp bình ổn, đương nhiên, các người khác sẽ có một sự so sánh, thêm nữa, việc công khai, quảng bá rộng rãi những điểm bán hàng bình ổn tại các chợ truyền thống sẽ là một biện pháp thiết thực, hữu hiệu để tiết giảm sự tăng giá phi mã như hiện nay.

"Hàng bình ổn giá không thể đại trà, phong phú”

Trước câu hỏi: “Mặt hàng bình ổn giá tại sao chưa đa dạng và thu hút NTD?”, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội giải thích: Mặt hàng bình ổn giá không thể quá phong phú, đại trà được vì các doanh nghiệp không thể tự bình ổn giá mà phải nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, các mặt hàng bình ổn giá theo Chính phủ quy định, chỉ có khoảng 20 mặt hàng, phổ biến như sắt, thép, xi măng, phân bón, thuốc chữa bệnh,…

Về việc kiểm soát giá cả bình ổn, ông Lộc khẳng định: Cơ quan quản lý thị trường bắt buộc các doanh nghiệp đều phải niêm yết giá, từ đó có thể kiểm soát giá có tăng bất thường hoặc có dấu hiệu găm hàng hay không. Tuy nhiên, ông Lộc cũng nhấn mạnh: “Các cơ quan quản lý không thể đủ hết tai mắt để kiểm soát, vì vậy rất cần sự vào cuộc của tất cả NTD cũng như các cơ quan báo chí”.

Ông cho biết: Hiện nay, Tổng đài 1081 đã kết nối với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD, cũng như cơ quan quản lý thị trường. “Khi có bất kỳ thông tin nào NTD phản ánh về việc tăng giá bất thường, chúng tôi sẽ tiếp nhận và nghiêm khắc xử lý”.


Khuê Hạ


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gialà bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.




Bình luận
vtcnews.vn