Bộ Y tế: "Chlroramine B gây ung thư là tin thất thiệt"

Kinh tếThứ Hai, 01/11/2010 01:10:00 +07:00

(VTC News) - Ngay sau khi có thông tin về việc lạm dụng Chloramine B có thể gây nguy cơ ung thư, Bộ Y tế đã có câu trả lời chính thức: Đó là tin thất thiệt.

(VTC News) - Ngay sau khi có thông tin về việc lạm dụng Chloramine B có thể gây nguy cơ ung thư gây xôn xao dư luận, Bộ Y tế đã có câu trả lời chính thức bác bỏ ý kiến này và kết luận: Đó là tin thất thiệt.


Sau khi có thông tin về việc lạm dụng Chloramine B có thể gây ung thư, nhiều người dân tỏ ra vô cùng hoang mang, đặc biệt là những người dân vùng lũ miền Trung và nhiều vùng nông thôn, miền núi không có nước máy, mạch nước ngầm, phải dùng nước mặt (nước ở ao, hồ, mương, sông). Đặc biệt, nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau cũng lên tiếng tranh luận, phản bác lại ý kiến này và trấn an người tiêu dùng, nhất là dân vùng lũ.

Tranh cãi về Chlroramine B: 15 năm chưa dứt

Ngay sau khi có thông tin về việc lạm dụng Chloramine B có thể gây nguy cơ ung thư gây xôn xao dư luận, Bộ Y tế đã có câu trả lời chính thức bác bỏ ý kiến này và kết luận: Đó là tin thất thiệt.

Trao đổi với pv VTC News, BS. Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công Cộng TP.HCM - nói: Đây không phải là vấn đề mới mẻ, “cuộc chiến” tranh cãi về việc Chloramine B gây tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người đã “khơi mào” từ cách đây 15 năm. Theo BS. Mai: Các nhà khoa học cũng đã lưu ý tới ý kiến cho rằng Chloramine B khi lạm dụng có tiềm năng gây ung thư và đã thử nghiệm, nghiên cứu, đối chứng, so sánh giữa nhóm người có sử dụng nước có dùng Chroramine B và nhóm ở nông thôn không sử dụng chất này.

Song đến nay vẫn chưa chứng minh được sự khác biệt, cũng không có bất cứ một bằng cứ khách quan nào chứng minh cho điều này. Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia tiên tiến vẫn sử dụng Chroramine B cho vấn đề khử khuẩn nước. Hơn nữa, các nhà chuyên môn của Bộ Y tế cũng đã thử nghiệm nhiều lần với nhiều hóa chất khử khuẩn khác nhau (sử dụng clo), sau khi so sánh vẫn nhận thấy: Chloramine B là giải pháp hàng đầu.


“Mục tiêu của chúng ta là uống nước được sạch, Bộ Y tế khi đưa ra quyết định sử dụng hóa chất gì đều đã có cân nhắc. Chúng ta không nói đến giá thành mà tính hiệu quả khi sử dụng hóa chất đó để khử khuẩn nước mới là điều đáng quan tâm nhất”, BS.Mai khẳng định.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế - cho biết: Hàm lượng các hóa chất có trong cloramin B khi sử dụng để khử khuẩn nước vẫn ở dưới ngưỡng cho phép nếu sử dụng theo đúng hướng dẫn của ngành y tế và việc sử dụng như thế nào để đạt nồng độ clo dư trong nước ở mức cho phép để đảm bảo an toàn nguồn nước cũng như an toàn cho sức khỏe người sử dụng vẫn được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga cũng nhấn mạnh để người tiêu dùng có thể yên tâm: “Hóa chất này được Bộ Y tế cấp phát cho y tế cơ sở để khử trùng nguồn nước sinh hoạt tạm thời cho người dân sau lũ theo đúng hướng dẫn của ngành y tế chứ không phải để phát bừa bãi cho người dân sử dụng trong thời gian dài”.

Tuy nhiên, trước phát ngôn chính thức của Bộ Y tế, một số nhà khoa học vẫn giữ vững quan điểm và chứng kiến của mình.

  Việc sử dụng chloramine B vào mục đích khử khuẩn nước uống vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trao đổi với pv VTC News chiều ngày 27/10/2010, PGS.TS Lê Văn Cát, Viện Hóa học (Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam) khuyến cáo người dân nên chuyển sang sử dụng loại hóa chất khử trùng khác như Canxihypocloro hay còn gọi là Clorua Vôi (Ca (OCl)2. PGS.TS Cát nêu ra 3 lý do rõ ràng để cần một sự thay đổi.

Thứ nhất là Chloramine B có hiệu năng khử trùng kém hơn so với Clorua Vôi. Lượng Clo có trong Chloramine B chỉ chiếm khoảng 30%, còn trong Clorua Vôi, Clo chiếm tới 64 % nên hoạt tính khử trùng sẽ có tác dụng gấp đôi. Trong khi Chloramine B để thực sự khử trùng cho nước sinh hoạt phải dùng 6 – 10g cho 1m3 nước, còn Clorua Vôi chỉ cần dùng 2,5g.

Thứ hai, giá thành của Clorua Vôi (khoảng 30.000 đồng/kg) cũng rẻ hơn gấp đôi Chloramine B (khoảng 60.000 đồng/kg) và Clorua Vôi bán rất sẵn trên thị trường.

Thứ ba, Chloramine B có cấu tạo mạch vòng, phần tồn dư của Chloramine B sẽ nguy hại cho người uống. Sau khi khử trùng xong, thành phần benzen dư lại trong nước cỡ khoảng 5 – 7g/m3 nước là quá lớn so với tiêu chuẩn qui định lượng benzen trong nước cất. Để loại bỏ dư lượng benzen này là điều rất khó, đun cũng không bay hơi vì nó khá nặng. Trong khi đó, từ những năm 70, benzen đã được thế giới biết đến là hợp chất hữu cơ thơm rất độc, có tiềm năng gây ung thư cao.

Khi pv thắc mắc về việc Chloramine B vẫn được sử dụng để khử khuẩn ở nước bể bơi, PGS.TS Cát cho biết: Việc khử khuẩn cho nước ở bể bơi (chỉ dùng cho bơi) và nước trực tiếp uống vào người là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Cũng cùng một quan điểm với PGS.TS Lê Văn Cát, khi nhận ra nguy cơ tiềm năng của Chloramine B, ông Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng phòng Công nghệ điện hóa môi trường, Viện Công nghệ môi trường cho rằng: Thông thường, Chloramine B chỉ sử dụng trong việc vệ sinh môi trường và khử trùng trong bệnh viện trong trường hợp tẩy rửa dụng cụ, vệ sinh quần áo,… chứ tuyệt nhiên ở các nước trên thế giới không sử dụng trong lĩnh vực ăn uống.

Trước thông tin chưa có chứng minh khoa học nào hoặc văn bản chính thức nào về nhận định lạm dụng Chloramine B có thể gây ung thư, ông Hà trả lời: “Có nhiều cái là nguy cơ, chưa chứng minh được nhưng họ vẫn tránh, chứ không phải cái gì cũng tường minh… kể cả khoa học”.

Người dân có thể yên tâm dùng Chloramin B?


Trong khi đó, ngay sau khi đọc bài báo “Lạm dụng Chloramine B có thể gây ung thư” đăng trên báo Tiền Phong, "ông già ô-zôn" TS. Nguyễn Văn Khải (nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đèn Tiết kiệm Điện năng & Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa - Viện Công nghệ Môi trường), nhận định: trong điều kiện bình thường thì chúng ta có thể kêu gọi hạn chế không nên dùng nhưng đây là hoàn cảnh lũ lụt, sự sống và cái chết mong manh, chỉ trong gang tấc. Việc quan trọng nhất lúc này là cứu dân, họ đang khát nước sạch“… chỉ cần khỏe là yếu tố đầu tiên. Thậm chí, trong chiến tranh, kinh nghiệm để có nước uống của nhiều chiến sĩ năm 1972 đó là nước bùn lọc qua khăn mặt, sau đó cho thuốc kháng sinh”, TS. Khải nhắc lại.

Ngoài ra, TS. Khải cho rằng: “Theo tôi, khi lũ lụt vẫn nên sử dụng chất bột khử khuẩn mà Bộ Y tế phát cho dân như thế, vì vận chuyển cứu tế bột rất đơn giản, nhà nước dùng rất dễ và dân dùng rất tiện”. Hơn nữa, chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn và với khối lượng không nhiều thì không ảnh hưởng gì nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe.

Theo ý kiến của một số chuyên gia: Nếu sử dụng Chlroramine B liều lượng ít thì không đáng lo ngại cho sức khỏe (Ảnh: Tienphong)

Cũng đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Giảng viên khoa Hóa, ĐHKHTN - ĐHQGHN, cho biết: Để một hóa chất có thể gây ung thư thì nồng độ sử dụng phải cao, con người phải tiếp xúc nhiều và trong một thời gian dài. “Chloramin B chỉ dùng ít và trong một vài ngày, chứ cũng không dùng nhiều nên không đáng lo ngại”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng nói.

Hiện tại, ở các vùng lũ, nước bẩn đang tù đọng, rác rưởi và xác động vật chết trôi lềnh bềnh khắp nơi, vi khuẩn phát triển mạnh, người dân không thể không dùng chất khử trùng để tẩy sạch nguồn nước. Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, việc khuyến cáo là cần thiết nhưng nên nhắc nhở người dân dùng ở chừng mực cho phép  chứ không nghiêm trọng tới mức cảnh báo gây ung thư gây hoảng loạn cho người dân vùng lũ lúc này khi họ đang phải đối mặt với trăm ngàn nỗi cơ cực, vất vả và hứng chịu rất nhiều nỗi đau.  

Trao đổi với pv VTC News xung quanh vấn đề này, ông Mai Văn Tiến - phó giám đốc Trung tâm Vật liệu, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam - cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ nhận định trên không hoàn toàn chính xác vì trong thực tế, con người đã ứng dụng Chloramine B từ rất lâu rồi. Tất nhiên, ngoài tác dụng chính còn có phản ứng phụ, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Mình dùng đúng liều lượng thì nó tốt còn không đúng liều lượng thì không tốt, đó là mặt trái”.

Với những hiểu biết và kinh nghiệm thực tế của mình, ông Tiến tin rằng: Chloramine B hoàn toàn dùng được trong việc khử trùng nước uống bởi Chloramine B là một chất có khả năng ô xi hóa rất mạnh nên tính kháng khuẩn và khử trùng rất tốt. Bằng chứng là các nhà khoa học vẫn thường dùng Chloramine B để tẩy sạch nước trong bể bơi, sử dụng cho việc tẩy uế, tẩy trùng trong các bệnh viện và rất hiệu quả trong việc phòng chống dịch cúm A/H1N1 vừa qua.

Một số chuyên gia hóa học đã đưa ra giải pháp thay thế là hoạt chất TCCA, viên nén loại 20 gram nom như viên sủi có giá 66.000 đồng/kg, tuy nhiên, theo ông Tiến, TCCA có tính khử trùng mạnh gấp 3 lần Chlroramine B nhưng tính axit rất cao, nguy hiểm hơn Chlroramine B. Đặc biệt là mùi của nó rất khó chịu và rất nhạy cảm với da, mắt nếu để rớt lên da sẽ kích ứng gây đỏ da, mắt.  


Khuê Hạ


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.



Bình luận
vtcnews.vn