Điểm giữ xe của BTC Đại lễ: Bãi "ma", thu phí "cắt cổ"

Kinh tếThứ Tư, 06/10/2010 01:11:00 +07:00

(VTC News) – Mặc dù UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các điểm trông giữ xe phục vụ Đại lễ nhưng thực tế, nhiều địa điểm không thực hiện...

(VTC News) – Mặc dù UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã chỉ đạo bố trí các điểm trông giữ xe đạp - xe máy, ô tô phục vụ Đại lễ với giá vé và địa điểm rõ ràng nhưng thực tế, nhiều địa điểm không tổ chức trông giữ xe, hoặc phân biệt đối tượng được gửi xe, thậm chí thu tiền với mức giá “cắt cổ”.


Nhiều bãi trông giữ xe “ma”


Trước khi diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã có thông báo 163/TB-UBND với nội dung chi tiết về việc bố trí 63 điểm trông giữ xe - xe máy và ô tô trên địa bàn trong thời gian từ ngày 01 – 10/10. Tuy nhiên, trên thực tế
có nhiều địa điểm trong danh sách này không hoạt động.

Theo khảo sát của phóng viên VTC News, khoảng 20h ngày 4/10, tại phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi được chỉ định 12 điểm trông xe (ngày và đêm) trong thông báo trên, có tới 5 địa điểm từ chối trông xe cho người dân tham dự Đại lễ hoặc không có nhân viên trông xe.

 Địa điểm được chỉ định trông xe tại 63 Lý Thường Kiệt không hoạt động.

Cụ thể: địa điểm 43; 44 – 46; 48 Lý Thường Kiệt không có đội ngũ trông xe của bất cứ đơn vị nào, chỉ có vài chiếc xe máy dựng trên đường là phương tiện của khách uống trà đá tại đây. Địa điểm tại số 27 Lý Thường Kiệt là khách sạn Hòa Bình. Nhân viên ở đây cho biết: “Chỉ trông xe cho khách sạn”.

Cách đó không xa, tại địa chỉ 52 – 58 Lý Thường Kiệt là bãi trông xe thuộc Công ty 901 quản lý, nhưng tới 21h, chỉ có khoảng 5 chiếc ô tô đỗ tại đây, không có xe máy. Nhân viên tại địa điểm này cho rằng: “Tầm 20 chiếc xe máy trở lên mới nhận trông xe… còn chỉ vài chiếc, ít quá nên không nhận”.

Chị Bùi Phương (Trường Chinh – Hà Nội) bày tỏ: “Đọc báo thấy 63 điểm trông xe, tôi không nhớ được hết nên chỉ ghi nhớ đúng địa chỉ 63 Lý Thường Kiệt để gửi xe cho đỡ phân tâm… nhưng khi dắt xe tới gửi, tôi chẳng thấy bãi gửi xe nào, chỉ có địa điểm trông xe của cửa hàng Nokia mà nhân viên trông xe nói chỉ nhận xe của khách vào xem điện thoại. Ngoài ra, cũng có 1 cửa hàng tạp hóa ở số 63 nhưng cửa đấy cũng không có nhân viên trông xe cho khách tham quan Đại lễ. Lúc đó là vào chiều tối”.

Theo quan sát của phóng viên, đến 21h, cửa hàng Nokia 63 Lý Thường Kiệt và cửa hàng tạp hóa đóng cửa cũng là lúc vỉa hè vắng bóng, không hề có nhân viên trông xe nào.

Tại phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), mặc dù địa điểm kéo dài từ 30 – 34 Ngô Quyền có đặt biển trông xe với giá niêm yết: Xe đạp 1.000 đồng/chiếc, xe máy 2.000 đồng/chiếc nhưng thay vì là nhân viên trông xe với đồng phục quy định của BTC thì tại đây, có một người phụ nữ trung niên nhận trông xe với giá 20.000 đồng/chiếc. Phóng viên chỉ vào tấm biển đề giá và thắc mắc, người phụ nữ này cho hay: “Đây là bảng niêm giá trông xe cho các quan chức thôi, không phải giá của nhà cô đâu”. Điểm trông xe của người phụ nữ này ở ngay địa chỉ 34 Ngô Quyền, địa điểm có trong danh sách các điểm trông, giữ xe do UBND quận Hoàn Kiếm thông báo.

Nhập nhằng để "chặt, chém" khách gửi xe

Cũng trong đêm 4/10, tại địa điểm 24 - 26 Hàng Bài có trưng tấm bảng chỉ dẫn khá lạ với dòng chữ: “Trông xe Đại lễ 1000 năm” trong khi tại những địa điểm trông xe khác được quận Hoàn Kiếm ấn định lại ghi thông tin về đơn vị trông xe, giá cả đối với từng loại xe.

Giá vé gửi xe tại địa điểm này không được niêm yết, mặc dù cũng có dấu đỏ… Phóng viên hỏi giá, một nhân viên với băng đỏ trên tay ghi dòng chữ “bảo vệ” thản nhiên nói: "20.000 đồng/xe". Tuy nhiên, khi phóng viên chê đắt và bỏ đi, người này giảm giá xuống còn…10.000 đồng/xe và bắt trả tiền trước. Tiếp tục thắc mắc tại sao đây là địa điểm trông xe được Nhà nước chỉ định mà giá vé xe cao như thế, nhân viên giải thích: “Em đi vào ngày 1/10 còn đắt hơn nhiều, mấy chỗ xung quanh đây toàn lấy 50.000 – 70.000/xe”.
Trong ngày 04/10, bãi gửi xe 26 Hàng Bài thu của người dân số tiền gửi xe với mức giá "cắt cổ".

Theo thông báo số 163 của UBND quận Hoàn Kiếm, địa điểm trông giữ XĐXM tại địa chỉ 24 – 26 Hàng Bài thuộc  Công ty Bắc Việt quản lý nhưng vé trông xe tại địa điểm này lại có dấu của một công ty khác (không rõ con dấu). Theo quan sát, con dấu trên vé xe tại địa điểm bị xé nửa rất nhập nhằng, không rõ là có phải con dấu chuẩn hay không, trong khi người dân ở khu vực này chia sẻ, trong ngày 01 - 02/10, địa điểm 24 - 26 Hàng Bài nằm trong vành đai bảo vệ nên không thấy tổ chức trông xe.

Hiện nay, quận Hoàn Kiếm chỉ có 5 đơn vị được phép trông giữ xe đó là Công ty Cổ phần 901, Công ty Đồng Xuân, Công ty Bắc Việt, Công ty Khai thác điểm đỗ xe và Công ty Hạnh Ly. Một nhân viên của Công ty Bắc Việt, trông xe tại địa điểm gần đó (30 Lý Thường Kiệt - cắt phố Hàng Bài) cho biết: do ngày 03 - 04/10, ít khách tham quan nên anh không thấy công ty tổ chức trông xe ở 24 - 26 Hàng Bài và ngay địa điểm 30 Lý Thường Kiệt đã đủ đáp ứng nhu cầu gửi xe của khách, vì vậy rất có thể những cá nhân khác do nắm được thông tin, lợi dụng in vé ghi địa điểm bãi trông xe từ trước theo một loạt địa chỉ đã được đăng tải trên các báo để "chăng dây ngay khi có cơ hội", ăn theo Đại lễ, thu lợi bất chính.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, mức độ hài lòng của người dân về công tác trông xe Đại lễ chưa cao. Anh Nguyễn Xuân Tùng (Hoài Đức – Hà Nội) bức xúc: “Rác thải và giá gửi xe là hai điều khiến tôi có ấn tượng không tốt khi về tham dự Đại lễ. Riêng vé gửi xe, tôi sẵn sàng trả 20.000 đồng/lần gửi nếu Nhà nước có quy định. Đằng này, biển trông xe ghi rõ ràng là 2.000 đồng/xe trong khi nhân viên vẫn thu 20.000 đồng/xe thì dĩ nhiên có ít nhất 18.000 đồng đã bị những người khác tư lợi. Đây rõ ràng là hành vi móc túi trắng trợn. Biết thế nhưng tôi vẫn phải trả tiền vì không thể nào… vác xe mà đi chơi được”.

Trao đổi với VTC News, ông Đào Quang Tâm (Phó phòng quản lý Đô Thị - quận Hoàn Kiếm) cho biết: Trong thời gian phục vụ Đại lễ, quận Hoàn Kiếm quy hoạch tổng cộng 95 điểm trông xe (theo thông báo trước đó là chỉ có 63 điểm), trong đó có 24 điểm trông ô tô với mức giá 10.000 đồng/xe/lượt, 71 điểm trông giữ xe đạp - xe máy với mức giá 2.000 đồng/xe/lượt xe máy và 1.000 đồng/xe/lượt xe đạp. Các địa điểm cam kết trông giữ xe cả ngày và đêm với thời gian hoạt động từ 6h – 18h và 18h - 23h.

Có 5 công ty được quận bàn giao cho 95 điểm trông xe đã được quy hoạch trong thời gian Đại lễ để thực hiện khoán quản. Trọng tâm phục vụ là ngày 1 và ngày 10/10 (thời gian diễn ra những sự kiện chính), những ngày khác, một số địa điểm trong danh sách không hoạt động có thể do không có đông khách tham quan nên những công ty được giao nhiệm vụ khoán quản không tổ chức trông xe.

Đặc điểm của những bãi trông xe được chỉ định  phục vụ Đại lễ trong địa bàn quận là phải có hai cửa (một cửa ra, một cửa vào), có vé tài chính in giá ngay trên vé, nhân viên mặc đồng phục. Đối với các bãi trông xe vi phạm quy định của Nhà nước, cơ quan quản lý sẽ kiên quyết xử lý triệt để.


Nhóm phóng viên

Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? Bạn đã từng bị "chặt chém" những dịch vụ nào tại Đại lễ. Hãy cung cấp bằng chứng (clip, ghi âm...) và gửi cho chúng tôi những bức xúc bạn đã gặp phải vào ô thảo luận phía cuối bài viết hoặc vào địa chỉ email [email protected]. Trân trọng cám ơn!

                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn