NĐT tháo chạy, đất Ba Vì lại trở về giá “đất quê”

Kinh tếThứ Hai, 30/08/2010 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Một làn sóng tháo chạy của giới đầu tư đất Ba Vì đang bắt đầu xuất hiện.

(VTC News) – Trước làn sóng “bán tháo” bất động sản tại Ba Vì nhằm “cắt lỗ”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng: Trong thời điểm hiện tại, nếu vốn không cần phải trả lại, các nhà đầu tư chưa nên “bán tháo”.

Với thông tin không mấy tốt đẹp về việc sẽ không có trục Hồ Tây – Ba Vì, nhiều nhà đầu tư BĐS tại Ba Vì bắt đầu xả hàng để “cắt lỗ”.  Đây cũng là một động thái vốn được xem là bất đắc dĩ của giới đầu cơ bất động sản”.

Xả hàng “cắt lỗ”

Ngay sau khi ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - kiến nghị không dời trung tâm hành chính lên Ba Vì, nhiều nhà đầu tư BĐS tại Ba Vì bắt đầu xả hàng để “cắt lỗ”. Đây cũng là một động thái vốn được xem là bất đắc dĩ của giới đầu cơ bất động sản”.

Theo thổ lộ của "cò" Thiết: Giao dịch đã trầm xuống rất nhiều. Hai tháng nay, hầu như không thấy khách hỏi mua.

Mới đây, trả lời báo chí, lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì khẳng định, hiện nay “cơn sốt đất Ba Vì” đã lắng xuống. Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, trong ngắn hạn, quỹ đất tại khu vực Ba Vì có giá trị sử dụng thực không cao.

Trở lại Ba Vì lần này chúng tôi, vào vai những nhà đầu cư đi “bắt đáy” đất cát nơi đây. Dọc tuyến Quốc lộ 32 Xuân Mai – Sơn Tây, vẫn còn lác đác các văn phòng môi giới, các trung tâm nhà đất, tuy nhiên cảnh tượng mua bán đã không còn được rôm rả như 4 tháng về trước.

Theo trao đổi của pv với “cò” Thiết được biết, hầu hết những khu nhà cao tầng và mảnh đất đẹp đã bị người tỉnh khác mua, trong đó chủ yếu là người từ trung tâm Hà Nội.

Tuy nhiên, sau khi giá đất ở đây “rơi tự do” hồi giữ tháng 6, nhiều mảnh đất rộng ở thôn 7, Cầu Vai Réo, Phú Cát... đã như bị nhiều nhà đầu tư lãng quên. Chỉ một khu đất mặt đường 8 m, sâu 40 m ở khu vực gần đó, “cò” này cho hay, miếng đất sắp có bìa đỏ này hồi đầu tháng 5 có thể lên tới 6-7 triệu đồng mỗi m2 thì nay giá giảm xuống còn khoảng 5 triệu đồng.

"Giao dịch đã trầm xuống rất nhiều. Hai tháng nay, hầu như không thấy khách hỏi mua", cò Thiết thổ lộ.

Theo tìm hiểu của VTC News, đất tại các xã như Yên Bài, Tản Lĩnh, Kim Sơn, Thị trấn Tây Đằng (Ba Vì)... vào hồi tháng 5 được chào tới 6 - 10 triệu đồng/m2 thì nay rớt giá còn 1-3 triệu đồng tùy khu vực. Những vùng nằm sâu trong làng cách xa đường lớn chỉ còn khoảng 800.000 - 1 triệu đồng/m2.

Để mô tả thêm về sự trầm lắng mua bán nơi đây, “cò” Thiết dẫn chứng, phần lớn đất được mua bán nơi đây từ hồi sốt giờ vẫn thuộc quyền của những người nơi khác đến đầu tư. Từ hồi tháng 5, tháng 6, giá bắt đầu giảm từ 1 - 3 triệu đồng/m2, nhưng lúc đó họ vẫn quyết “vứt đấy” chứ số người chấp nhận bán lỗ là không nhiều nên thôn xóm vắng hoe từ sau khi sốt nóng.

Thế nhưng, theo “cò” Thiết, không hiểu sao từ gần một tháng nay, ôtô biển xanh, biển trắng lại bắt đầu vào làng ngày một nhiều. Rồi dần dần, có nhiều người đến nhờ anh bán miếng này, miếng kia thì anh ta mới biết họ bắt đầu cuộc tháo chạy với đất nơi đây và hứa trả công môi giới cao hơn nhiều hồi sốt đất.

Trao đổi với chúng tôi tại trụ sở UBND huyện, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hải cho biết, cũng giống như một số khu vực lân cận, phần lớn đất được bán hồi sốt nóng đến nay đều nằm trong tay của những nhà đầu tư nơi khác, gần như không có dân địa phương tham gia đầu tư, lướt sóng.

PV tiếp xúc với "cò" đất Ba Vì (Ảnh: Ngô Trang).

Tuy nhiên, theo ông Hải, kể từ đó đến nay, những khu đất thuộc quyền của giới đầu cơ, ôm đất đã hoàn toàn “bất động”, không có giao dịch, vì không ai bán và cũng không có người mua. Gần đây, đã bắt đầu xuất hiện một số nhà đầu tư có ý định bán đất và chấp nhận lỗ nhưng số người mua vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong thời điểm hiện tại: Giữ đất là hợp lý?

Trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng khẳng định, trong đồ án quy hoạch đã đề cập đến việc 1000ha đất tại Ba Vì sẽ trở thành khu đất dự trữ.

Vai trò của dự trữ đất đô thị đối với thực hiện quy hoạch đô thị đã được TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khẳng định trong Hội nghị: “Chế độ dự trữ đất cho phép tập trung các dự án bất động sản vào một vài khu vực phát triển đô thị rộng lớn, không chỉ theo quy hoạch mà còn theo kế hoạch từng giai đoạn phát triển 5 năm, xây đâu được đấy, xong khu vực này rồi mới chuyển sang khu vực khác. Các dự án bất động sản nhờ có sẵn “đất sạch” nên có thể khởi công và kết thúc đúng hạn mà không bị cản trở vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm trễ và khiếu kiện kéo dài.

Chế độ dự trữ đất tạo điều kiện cho chính quyền đô thị điều hành được thị trường đất đô thị chứ không chạy theo phục vụ thị trường như hiện nay. Ngân sách đô thị sẽ thu được phần lớn lợi ích mà tài nguyên đất đai đem lại …”.

Do vậy, trao đổi với VTC News về lời khuyên đối với các nhà đầu tư bất động sản tại khu vực Ba Vì, GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết: “Giữ hay không giữ đất tại thời điểm hiện tại là quyết định của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay đang chờ một lời giải là liệu có mức phát triển cao ở khu vực Ba Vì hay không? Bởi vì khi có mức phát triển cao thì giá đất có khả năng lên và ngược lại giá đất sẽ xuống.

Tóm lại, tùy thuộc vào hoàn cảnh để nhà đầu tư đưa ra quyết định. Nhưng nếu vốn không cần phải trả lại, trong thời điểm hiện tại, tôi cho rằng để lại là hợp lý”, GS Võ chia sẻ.

GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta rất phức tạp. Nhiều khi thay đổi quá nhanh và thông tin về quy hoạch khi đến với mọi người có khi lại không đầy đủ, thậm chí có thể bị sai lệch nên các nhà đầu tư phải có sự nghiên cứu rất nghiêm túc về pháp luật, trong việc tìm hiểu thông tin để có một quyết định chính xác trong việc đầu tư. Tuyệt đối không theo “hội chứng đám đông” khi đưa ra quyết định đầu tư để giảm xác suất “mất mát” khi tham gia vào thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Group Cường Phát, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay “cơn sốt đất tại Ba Vì” đã bị hạ nhiệt và thời gian này, giới đầu tư nên chờ quy hoạch xong.

“Từ việc sốt đất tại Ba Vì thời gian qua, giới đầu tư nên rút ra một bài học đó là không nên bị cuốn theo làn sóng đầu tư mà cần phải có nghiên cứu cụ thể. Tốt nhất khi có quy hoạch rõ ràng, có đủ cơ sở pháp lý, các nhà đầu tư mới nên đổ vốn vào thị trường đó”, ông Cường đưa ra quan điểm.

Hiền Trang

Bình luận
vtcnews.vn