Điều hòa diệt H1N1, tiết kiệm 60% điện đang bị "sờ gáy"

Kinh tếThứ Hai, 05/07/2010 06:01:00 +07:00

(VTC News) – Hàng loạt quảng cáo liên quan đến các sản phẩm điện tử có nội dung không đầy đủ, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng đang được thanh kiểm tra.

(VTC News) – Hàng loạt quảng cáo liên quan đến các sản phẩm điện tử có nội dung không đầy đủ, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng như quảng cáo tiết kiệm 60% điện năng của điều hòa LG, Panasonic, tiêu diệt 99,9% virus H1N1 của LG, SamSung… đang được cơ quan thanh kiểm tra "sờ gáy".

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã xác nhận với VTC News thông tin này.

Sau hàng loạt những bài viết “tố” các chiêu quảng cáo mập mờ, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng thời gian qua như chương trình khuyến mại của các siêu thị điện máy hay Điều hòa tiết kiệm 60% điện năng của hãng LG, Panasonic; điều hòa diệt virus H1N1 đến 99,9% của LG, Sam Sung rồi đến chuyện tủ lạnh tiết kiệm 40% điện năng của hãng Panasonic, VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh.

- Thưa ông, ông nghĩ sao về các chiêu quảng cáo lập lờ, viết không hết ý, không cụ thể dẫn đến hiểu lầm cho người tiêu dùng của một số doanh nghiệp trong thời gian qua?


Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương 
- Trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo là một biện pháp cạnh tranh mang tính linh hoạt, sáng tạo của doanh nghiệp và luôn có những yếu tố phóng đại, cường điệu nhằm lôi cuốn sự chú ý của khách hàng.

Tôi có thể lấy ví dụ thế này, một bộ phim quảng cáo có hình ảnh sản phẩm làm người ta sảng khoái bay bổng lên chín tầng mây, người xem có thể bị hấp dẫn vì hiệu ứng hình ảnh nhưng chắc chắn sẽ không ai hiểu nhầm rằng sản phẩm có tác dụng làm người ta bay lên trời được.

Do vậy, tùy vào từng trường hợp, cơ quan quản lý sẽ có sự xem xét, đánh giá theo hoàn cảnh thực tế để kết luận quảng cáo có gây nhầm lẫn hay không để có mức xử lý thích hợp. Bởi, những quảng cáo gian dối, có nội dung hoàn toàn sai sự thực thì việc kết luận và xử lý vi phạm tương đối dễ dàng.

Tuy nhiên, đối với những quảng cáo có nội dung không đầy đủ, không rõ ràng, cơ quan quản lý cần phải đánh giá cẩn thận nhằm xác định liệu một quảng cáo cụ thể trong điều kiện cụ thể có thực sự gây nhầm lẫn đối với nhận thức thông thường của NTD và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng hóa, dịch vụ của họ hay không?

Hiện nay, Cục Quản lý Cạnh tranh đang tiến hành xem xét, đánh giá một loạt các quảng cáo liên quan đến các sản phẩm điện tử như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt…

- Do đâu mà bên Cục tiến hành thanh tra? Cụ thể kết quả thanh tra thế nào, ông có thể chia sẻ được không?

- Theo kết quả của Ban Điều tra Cạnh tranh không lành mạnh vừa gửi lên cho tôi thì có thể kết luận nhiều quảng cáo thời gian qua có nội dung không đầy đủ, có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Cụ thể đó là các quảng cáo giới thiệu tính năng tiết kiệm điện hay làm sạch không khí với các con số rất ấn tượng như “tiết kiệm điện 60%” hay “diệt 99,9% vi khuẩn”.

Căn cứ theo các tài liệu kỹ thuật mà doanh nghiệp cung cấp cho thấy, sản phẩm chỉ đạt mức tiết kiệm điện đến 60% trong điều kiện phòng thí nghiệm và chạy liên tục trong 14 giờ. Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng hiếm khi sử dụng điều hòa với thời gian dài như vậy. Hoặc đối với tác dụng diệt khuẩn, các thí nghiệm chỉ được thực hiện trên một số loại vi khuẩn, virus mang tính đại diện.

Có thể khẳng định, doanh nghiệp không bao giờ có điều kiện thử nghiệm trên tất cả các loại vi khuẩn.

Cần nói thêm rằng, nội dung quảng cáo của những sản phẩm này tại một số nước khác trong khu vực khi đưa ra các thông số như trên đều phải có chú thích cho NTD hiểu rõ về điều kiện thực hiện thử nghiệm.

Cơ quan quản lý chất lượng quảng cáo của Anh (ASA) ngày 26/5 vừa qua đã quyết định cấm một mẫu quảng cáo in của hãng thời trang danh tiếng Louis Vuitton với lý do quảng cáo của hãng này có thể khiến NTD hiểu nhầm rằng tất cả các sản phẩm của Vuitton đều được làm bằng tay, trong khi trên thực tế nhãn hiệu sang trọng này cũng được làm bằng máy.

- Như vậy, việc các công ty đưa ra lời quảng cáo không rõ ràng thậm chí sai sự thật có vi phạm pháp luật không? Chế tài xử phạt đối với các trường hợp này là thế nào thưa ông?

- Đối với một số trường hợp, chúng tôi đã bước đầu xác định quảng cáo sản phẩm không đầy đủ, gây nhầm lẫn cho Người tiêu dùng.

Pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định điều chỉnh hoạt động quảng cáo như trong Luật thương mại, Luật cạnh tranh, Pháp lệnh Quảng cáo. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD hiện đang trình Quốc hội xem xé cũng có quy định về vấn đề cung cấp thông tin cho NTD, bao gồm cả quảng cáo.

Cụ thể, Điều 45 Luật Cạnh tranh có quy định cấm hành vi quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng. Trong đó cũng nói rõ, quảng cáo gian dối là việc đưa ra thông tin sai lệch so với sự thực, mang tính chất cố lý lừa dối khách hàng; quảng cáo gây nhầm lẫn là việc đưa ra các thông tin có thể không hoàn toàn sai lệch so với thực tế nhưng lại không đầy đủ, không rõ ràng làm cho khách hàng hiểu nhầm về hàng hóa, dịch vụ hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, người quảng cáo có thể không cố ý làm khách hàng, NTD hiểu sai nhưng nội dung quảng cáo vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực và cần phải điều chỉnh.

Căn cứ theo Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005, những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, hành vi quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn nói trên sẽ bị phạt tiền đến 50 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phải chịu biện pháp xử phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả, bao gồm cải chính công khai về nội dung thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ gây nhầm lẫn.

Hiện nay, Cục đang tiến hành xem xét, xử lý một số quảng cáo không đầy đủ, gây nhầm lẫn nêu trên. Trước mắt, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp liên quan có biện pháp điều chỉnh đối với nội dung quảng cáo.

- Việc hàng loạt các quảng cáo tại Việt Nam thời gian qua có thể khiến NTD hiểu lầm, theo ông có nên xây dựng một Cơ quan quản lý chất lượng quảng cáo ở Việt Nam không?

Hiện nay, hoạt động quảng cáo chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành khác nhau. Bên cạnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương còn có thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến quảng cáo dược phẩm, thực phẩm… Bộ Nông nghiệp liên quan đến sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi…

Tuy nhiên, tôi cho rằng trong thời gian qua, việc quản lý quảng cáo thường được xem dưới khía cạnh bảo vẹ thuần phong, mỹ tục mà chưa chú trọng đúng mức đến tính chất thương mại của hoạt động quảng cáo cũng như ảnh hưởng của nó đến NTD.

Trong vấn đề này, tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, cơ quan cạnh tranh và bảo vệ NTD cùng các Hiệp hội bảo vệ NTD có tiếng nói rất quan trọng. Trong trường hợp phát hiện quảng cáo có nội dung nghi vấn, các cơ quan, đơn vị này sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải thích rõ về cơ sở đưa ra quảng cáo và yêu cầu điều chỉnh nếu như xác định quảng cáo có những yếu tố có khả năng gây nhầm lẫn cho NTD. Trong trường hợp NTD mua hàng hóa, dịch vụ vì nhầm lẫn, họ có quyền yêu cầu doanh nghiệp hoàn lại khoản tiền đã trả cho hàng hóa, dịch vụ đó.

Xin cảm ơn ông!





Thu Hiền (thực hiện)
 

Bình luận
vtcnews.vn