Hàng nhái rao bán công khai trên chợ online Việt

Kinh tếThứ Tư, 28/07/2010 12:58:00 +07:00

(VTC News) – Những trang web về mua bán nổi tiếng ở Việt Nam như vatgia.com, Rongbay.com, Én bạc... đều không thiếu hàng nhái rao bán tự do.

(VTC News) – Dưới những cái tên “nhái, copy” hay sành điệu hơn là “fake”, hàng nhái các loại từ điện thoại, laptop đến quần áo thời trang được rao bán, quảng cáo tự do và hoàn toàn công khai trên nhiều “chợ” mua bán online có uy tín của Việt Nam bất chấp luật cũng như quy định do chính một số trang này đề ra.

Tiếp thị nhan nhản

Có lẽ chưa bao giờ việc tìm mua hàng giả, hàng nhái các loại lại đơn giản và dễ dàng như bây giờ. Chỉ bằng một số thao tác tìm kiếm đơn giản, người tiêu dùng sẽ có đầy đủ thông tin như giá cả, đặc điểm sản phẩm, địa chỉ số điện thoại liên hệ để mua đủ loại hàng nhái khác nhau. 

Vatgia.com ưu ái dành hẳn một chuyên mục riêng quảng bá hàng nhái/giả. 

Có thể kể đến điện thoại, laptop, rồi quần áo, kính mắt… gắn những thương hiệu nổi tiếng nhất là giá chỉ bằng 1/10 thậm chí 1/100 hay 1/1000. Những chiếc điện thoại giá hàng chục hoặc cả trăm triệu đồng mang thương hiệu Mobiado, Vertu hay đơn giản hơn là Nokia… được rao bán với giá vài triệu hoặc vài trăm nghìn đồng.

Không chỉ ưu ái điện thoại nhái, Vatgia.com còn dành 1 cate cho Laptop fake và có cả bình chọn hàng Fake nhất trong tuần. 

Việc rao bán, quảng cáo những mặt hàng được xếp vào loại “giả, nhái” vi phạm pháp luật này cực kỳ đơn giản và trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Không chỉ các diễn đàn, website cá nhân mà cả những trang rao vặt, những chợ mua bán online của một số công ty “có tiếng” cũng đang tiếp tay cho việc PR hàng giả.

Sau vài giờ tìm kiếm, VTC News dễ dàng tìm ra các chuyên mục chính thức mang tên: điện thoại

Độc giả muốn tra cứu điểm thi ĐH, CĐ 2010 miễn phí, bấm vào đây >> Click here! 

tàu/mobile copy, điện thoại copy, laptop fake hay điện thoại Hongkong/Trung Quốc tiếp thị trên một số trang mua bán trực tuyến có tiếng như vatgia.com, enbac.com hay rongbay.com. Dù tên gọi có khác nhau nhưng các sản phẩm được rao bán ở đây gần như 100% là hàng nhái không rõ nguồn gốc.

Mạnh tay quảng bá cho hàng nhái nhiều nhất có lẽ là "thiên đường mua sắm - website thương mại điện tử" vatgia.com. Trang này dành hẳn 2 chuyên mục chính thức cho hàng nhái/fake, điện thoại thì có Mobile Copy, laptop thì có Laptop Fake. Thậm chí mục Laptop Fake còn có cả bình chọn hàng "Fake nhất trong tuần. Ngoài ra các mục khác cũng đầy rẫy các thông tin về hàng nhái các thương hiêu lớn.


Enbac và Rongbay kín đáo hơn nhưng cũng có chuyên mục dành cho điện thoại Hongkong/Trung Quốc với chú thích là hàng copy, nhái cùng hàng loạt quảng cáo công khai về hàng "copy, fake, nhái" giá rẻ.
 

Không ưu ái dành chuyên mục riêng cho dòng sản phẩm này nhưng nhiều trang rao vặt như toitim.com, chodientu, raovat.xalo.vn, chophien.com cũng tràn lan thông tin quảng bá nhỏ lẻ về các loại hàng fake này.

Cấm mặc cấm...

Chẳng nói ai cũng hiểu hàng fake, hàng copy hay hàng nhái thực chất là hàng giả. Mà hàng giả về lý thuyết là cấm là vi phạm pháp luật. Chính các trang rao vặt đang ngày ngày tiếp thị cho hàng giả cũng khẳng định điều này trong rất nhiều điều quy định về đăng tin do chính họ đề ra.

Điều 12 trong phần “Các mục cấm” của quy định đăng tin trên Vatgia.com, trang tin được tự giới thiệu là “Thiên đường mua sắm –website thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam của Công ty cổ phần Vật Giá Việt Nam (Giấy phép ĐKKD số: 0103013517, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cấp ngày: 21/08/2006) nêu rõ “ Khi sử dụng vatgia.com, các thành viên sẽ không được xâm hại đến quyền sở hữu trí tuệ (như bản quyền, thương hiệu, sáng chế, bí mật kinh doanh và những vấn đề khác liên quan) của vatgia.com, và người khác.”

Enbac cấm rao hàng giả nên chỉ quảng cáo hàng copy/fake và "99,9% như máy xịn"!!! 

Còn Énbạc, một website thuộc Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam, một công ty quản lý nhiều website có nhiều lượt người truy cập như Kênh 14, CafeF thì nêu rõ “Cấm các thành viên rao bán hàng giả”.

Quy định đăng tin trong mục điện thoại, nơi có nhiều thông tin về hàng nhái nhất còn chỉ rõ “Tin đăng trong Điện thoại phải tuân thủ các yêu cầu sau: Ghi rõ nhãn nhiệu, mã hiệu điện thoại trong tiêu đề, Không viết tên miền, tên công ty dài dòng trong tiêu đề, Phải có miêu tả rõ ràng về sản phẩm để người mua có thể nắm được các chi tiết về sản phẩm, Không rao bán hàng giả trong mục này, Hàng công ty là hàng chính hãng do các công ty Việt nam phân phối, Hàng xách tay chính hãng là hàng có hóa đơn, chứng từ xác định rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc nguyên hộp có hóa đơn ship hàng từ chính hãng. Cấm tuyệt đối không đăng hàng nhái/fake trong các mục này…

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều điều khoản trong quy định trên bị vi phạm "trắng trợn" mà ban quản lý website này dường như không biết hoặc không để ý. Chẳng hạn trong mục điện thoại Hongkong/Trung Quốc, phần lớn các sản phẩm đều được giới thiệu rõ ràng là hàng nhái như “goldvish revolution copy cao cấp”, nokia 8900 copy cao cấp” hay quảng cáo xì tin hơn là “Iphone 4G hàng copy đã chạy bộ về đến Việt Nam .vì không mệt nên giá rất rẻ.” hoặc đơn giản là “Bán ifone 3gs fake loại 1”.

Tương tự, website rongbay.com cũng đưa ra quy định rõ ràng về việc cấm đăng tin vi phạm pháp luật nhưng cũng ưu ái dành cho hàng nhái 1 cate riêng với cái tên ĐT Hồng Kông/TQ/Copy.

Theo Thông tư liên tịch số 10 của liên Bộ Tài chính – Thương mại – Khoa học Công nghệ Môi trường – Công an (ngày 27/4/200) thì: Mọi hành vi sản xuất, gia công, chế biến, bao gói, lắp ráp, buôn bán, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại hàng giả phát hiện được phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

 

Trao đổi với phóng viên VTC News, Luật sư Vũ Kim Hoàn, phụ trách tư vấn pháp luật của công ty CP tư vấn Quốc gia Việt Nam cho biết khoản 4 Điều 3 của Nghị định số 24/NĐ-CP quy định về Một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo theo quy định tại Điều 5 Pháp lệnh Quảng cáo nêu rõ: “... 4. Quảng cáo không đúng chất lượng hàng hoá, dịch vụ; không đúng địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ...”.

Bên cạnh đó, điều 6 Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động sử dụng thông tin trên mạng internet cũng khẳng định: “1. Lợi dụng internet nhằm mục đích: ... d. Lợi dụng Internet để quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định của khoản 4 Điều 3 Nghị định số 24/NĐ-CP và điều 6 Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì sử dụng internet để quảng cáo các hàng hoá, dịch vụ không đúng chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thuộc danh mục cấm quảng cáo. Trong khi đó, trên thực tế nhiều loại hàng hoá, dịch vụ không đúng chất lượng, địa chỉ cơ sở sản xuất đang được quảng cáo rất “rầm rộ” trên các trang mạng internet.

Ông Hoàn cho hay các công ty có nhãn hiệu bị nhái hoàn toàn có thể khởi kiện các trang mạng nếu các website này công khai quảng bá cho hàng nhái. Tuy việc các trang thương mại điện tử bị các doanh nghiệp kiện về việc quảng bá, tiếp tay cho hàng nhái chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam nhưng đã xảy ra trên thế giới.

Điển hình như, vào tháng 6/2008, một Tòa án tại Pháp đã ra phán quyết buộc eBay phải bồi thường cho hãng kinh doanh hàng cao cấp LVMH (Moet Hennessy Louis Vuitton) 40 triệu euro vì đã cho phép khách hàng thực hiện các cuộc đấu giá trực tuyến một số sản phẩm nhái hàng hóa của LVHM. LVHM cáo buộc rằng website của eBay tại Pháp đã không nỗ lực ngăn chặn hoạt động mua bán các loại túi xách và nước hoa nhái.

 


Bài và ảnh:
Khánh Hòa


Bạn đã từng "sập bẫy" những chiêu lừa tinh vi này? Theo bạn, có cách nào để hạn chế hiệu quả những hành vi vi phạm ngang nhiên này? Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!


Bình luận
vtcnews.vn