Trồng giá đỗ mập mạp bằng... thuốc kích thích

Kinh tếThứ Ba, 20/07/2010 06:03:00 +07:00

(VTC News) – "Nếu giá có thuốc thì nó bị cụt rễ nhưng mập hơn. Giá không thuốc nhẹ lắm! Nếu người bán không nói ra thì khách hàng khó mà phân biệt được".

(VTC News) - Một lượng lớn giá bán trên thị trường Hà Nội có nguồn cung từ thôn Thượng Cát,  xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội. Và đại đa phần số giá này có dùng thuốc kích thích không rõ nguồn gốc nhập từ Trung Quốc.


Giá đỗ ngâm thuốc chỉ dùng để bán

 

Trước thông tin của anh Hoàng C., kỹ sư hóa thực phẩm quê ở thôn Thượng Cát tiết lộ: “Ở quê tôi, dân làm giá vẫn dùng thuốc kích thích bình thường. Nhưng dân làng không ăn giá đó, chỉ bán ra Hà Nội thôi”, VTC News tìm đến thôn làm giá Thượng Cát.


Trong vai người đi mua giá để đổ buôn các chợ, pv VTC News được biết ở đây có nhiều hộ làm ăn lớn mỗi ngày xuất vài trăm vại giá như nhà CS, nhà P, Phương T…

 

Bà chủ CS đang cho đỗ vào vại giá. "Đừng nói có 2 loại giá thuốc và giá sạch, không thì chả ai mua đâu".


Ngoài sân, bà CS cùng 1 người làm đang thoăn thoát cho đỗ vào nồi, trải lá cỏ tranh và đè nẹp tre lên trên, vừa làm, bà vừa nói chuyện: “Làm giá có nhiều loại vại to nhỏ khác nhau, vại 10 cân, 9 cân, 8 cân hay 7 cân tùy lượng đậu. Chiều nay tôi xuất thì sáng mai họ mang ra Hà Nội bán, người muốn mua vào tận nhà lấy, chứ tôi không chở đi, nếu cần thì phải thuê người chở. Làm giá này người ta đặt bao nhiêu thì làm bấy nhiêu”.

 

Khi chúng tôi hỏi mua giá, bà CS nói: Giờ thì không có giá đâu, phải đặt trước, 4 ngày sau mới ra mẻ đó. Nói vậy, nhưng bà chủ nhà vẫn nhiệt tình lôi ra bọc giá cất trong tủ lạnh và khoe: “Đây là giá sạch, người trong làng dặn làm để họ ăn, hôm nay còn vì nhà đó có việc nên không lấy mới còn đấy”.

 

Cách phân biệt dễ bằng mắt thường là giá ngâm thuốc rễ cụt, thân mập, hơi thâm.

Nhìn bọc giá, thân mảnh, dài, rễ mọc tua tủa, chúng tôi thắc mắc, bà CS phẩy tay: “Không cho thuốc thì rễ giá dài. Nồi này là nồi này dỡ để bán ở làng, giá này là giá sạch, ở đây người ta thích ăn loại này vì người ta biết rồi. Giá này còn đắt tiền hơn giá kia (giá có thuốc – PV) vì nó nhẹ cân, bán lẻ phải 12 nghìn đồng/kg, ai muốn làm giá đấy đâu vì khó làm, nếu xuất buôn thì giá 7 nghìn đồng/kg mà chả muốn làm đâu”.

 

Theo lời bà CS, 1 người đàn ông đi ra ngoài và mang về 5 lạng giá, bà chủ nhà bảo: “Ăn cái kia (giá có thuốc – PV) cũng chả độc hại gì đâu nhưng do nhu cầu nên phải làm. Cháu lấy tạm mỗi thứ 5 lạng về thử xem sao nhé, chứ mua nhiều giờ này không có đâu”.

 

Giá sạch không ngâm thuốc thân gầy, rễ mọc tua tủa, thân trắng. 


Rất xởi lởi, bà chủ giá thản nhiên kể về giá ngâm thuốc kích thích: “Nếu giá có thuốc thì nó bị cụt rễ nhưng mập hơn. Giá không thuốc nhẹ lắm. Nếu người bán không nói ra thì khách hàng cũng khó mà phân biệt được. Trường hợp là người quen thân trong gia đình thì rỉ tai nhau để tránh, chứ nói ra thì sao bán được hàng. Chúng tôi chỉ đơn giản phân loại bán là  loại giá gầy và 1 loại giá béo. Thực tế là đa phần người bán giá đều bán loại giá có sử dụng thuốc kích thích. Giá sạch thì nhà nào ăn dặn thì mới làm thôi".

Sau khi đề nghị giảm giá bán buôn, bà chủ đỗ đồng ý rút xuống giá còn 65 đỗ đen (6,5 nghìn đồng/kg) xuất ở làng, nồi lấy giá bỏ lá, vỏ.

Bà chủ nhà P (trái) đang nhặt đỗ ở sân. 


Tiếp tục vào nhà P. làm giá lớn ở thôn Thượng Cát, gia đình này cũng có gian nhà tranh xếp la liệt vại giá. Ở sân, 2 người đang ngồi nhặt những hạt đỗ hỏng. Chị chủ nhà cho biết: “Giá đỗ xanh chị xuất buôn là 8 nghìn đồng/kg, hôm nọ còn có giá 8,5 nghìn đồng đấy, đỗ giờ trên 50 nghìn đồng/kg rồi. Nếu em mua giá đỗ đen thì chị bán 6,5 nghìn đồng/kg. Thích đặt giá nào thì làm giá đấy”.

 

Chúng tôi gợi ý về 2 loại giá đỗ, chị P. nói thản nhiên: Toàn giá sạch hết, làm gì có giá thuốc!

 

Chiếc ô tô chủ giá Phương T. dùng chở 70 vại giá ra chợ đêm Hà Nội để bán. 


Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà Phương T., ngay ngoài cổng, chiếc xe tải con đang đỗ chềnh ềnh. Ra tiếp chúng tôi, bà chủ nhà cho biết: “Cô không bán giá tại nhà chỉ mang đi chợ đêm (chợ Xanh, Cầu Giấy- PV) để bán, sáng nào cũng đi 1 xe với  60 – 70 nồi giá".


Bà chủ này còn gợi ý, cháu lên Thọ Xuân mà mua giá, giá trên đó ngon, rẻ hơn. Lấy giá trên đấy để được chứ giá ở đây để hôm sau là thối, bị gãy, trên đó làm đỗ khô và nước của nó ngon. Cô còn có lần định lên đấy đặt.

 

Bà chủ nhà Phương T. không e dè nói thẳng thắn như vậy về giá trong thôn mình.


Thuốc kích thích giá 4 nghìn đồng/hộp 20 ống


Chị Thu Hương, một bà nội trợ ở phố Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội cho biết: Trước, chồng tôi rất thích ăn giá sống, thỉnh thoảng anh ấy lại bảo làm nộm giá trộn dấm đường. Tôi thì cứ khuyến khích chồng ăn giá vì nghe nói nó rất tốt cho đàn ông lại nhiều vitamin. Ai ngờ đến giá họ cũng ngâm thuốc thế này thì chết, bảo làm sao hiện nay, nhiều người bị ung thư đến thế.

 

1 ống thuốc thường được dùng cho 4 - 5 vại giá. Chỉ duy nhất có chữ phiên âm La Tinh SHS, còn lại toàn chữ Trung Quốc.


Người ở thôn Thượng Cát đều biết giá làm trong làng chủ yếu là giá có thuốc, họ biết nên không bao giờ ăn giá này, mà chỉ có người Hà Nội mới mua về ăn sống, làm nộm, xào…

 

Một cháu bé khi dẫn đường cho chúng tôi đến nhà làm giá cũng thật thà nói: "Mẹ cháu bán giá sạch cho người trong làng giá 4 ngàn 2 lạng giá thôi. Giá không có thuốc, thân dài, mảnh, rễ dài. Ở đây, họ dùng thuốc hết vì nếu không làm sao nó lên được”.

 

Tiết lộ về "bí quyết" làm giá có ngâm thuốc, ông Cốc, một người có nghề làm giá lâu năm từ đời trước ở thôn Thượng Cát nói: “Ngày trước không có thuốc, mẹ chú bắt chú phải dùng chân không đạp đỗ, đạp rất lâu mới khiến vỏ đỗ mỏng bớt để rễ giá nẩy mầm. Nay dùng thuốc cần chỉ đạp một lúc rồi cho đỗ ngâm với thuốc khoảng 15 – 20 phút là cho vào ủ. Thường thì làm một nồi giá với 8 lạng đỗ sẽ được 8 kg giá. Tuy nhiên, tùy nguồn nước giếng khoan để tra thuốc nếu thấy giá mập  rồi thì giảm lượng thuốc. Cho đỗ đã ngâm vào vại giá, trải cỏ tranh lên trên rồi dùng nẹp tre nẹp chặt. Trong vòng 3 - 4 ngày nuôi giá thì mỗi ngày cho giá uống nước khoảng 4 lần. Trời nóng thì giá càng được nhanh hơn trời lạnh”.

 

Lần theo nơi bán đỗ để làm giá, chúng tôi được biết nhà Trường T. ở Thượng Cát chuyên nhập đỗvề bán cho dân làm giá trong làng. Đỗ xanh có nhiều loại với các tên gọi khác nhau: Đỗ Lạc Bảo giá 50 nghìn đồng/kg; Thành Đại giá 52 nghìn đồng/kg, đỗ xanh có vỏ đen xám giá 30 nghìn đồng/kg. Ông chủ nhà tên Trường T. cho biết, giá đỗ hiện đăng tăng cao mấy hôm trước còn chưa đến giá đó.

 

Cũng theo ông T. thì khi bán đỗ sẽ bán kèm thuốc kích thích để cho vào giá. Ông T. dặn: “Dùng thuốc tùy từng giếng nước, 1 ống cho 12 vại, cũng có khi 1 ống cho  2 – 3 vại còn thường thì oánh 4 – 5 vại. Mỗi vại 8 lạng đỗ”

 

Cũng theo ông T. thì khách hàng mua bao nhiêu, ông sẽ bán bấy nhiêu thuốc kích thích. Giá loại thuốc này khá rẻ chỉ 4 nghìn đồng cho 20 ống.

 

Ông T. cho biết: Dùng thuốc là để rễ của giá không phát triển, đỡ bị thối khi ủ. Cách làm và liều lượng thì do kinh nghiệm, ví như đánh tầm 4 – 5 vại mà vẫn bị rễ, thì lại giảm lượng vại đi, 1 lọ cho 3 vại, 3 vẫn gầy thì cho 2 vại. Nhưng nếu 1 ống cho  4 – 5 vại mà thấy mập thì tăng lên cho 5 – 6 vại mới dùng 1 ống thuốc. Làm sạch đỗ rồi cho thuốc vào ngâm thuốc. Mùa nắng chỉ ngâm 15 phút, nắng trên 40 độ thì 5 – 7 phút.

"Đó là thuốc kích thích ngoài danh mục được sử dụng"

 

Theo quan sát của pv VTC News, thuốc kích thích này không hề có nhãn mác bằng tiếng Việt, mà chỉ toàn tiếng Trung Quốc. Duy nhất có chữ SHS là phiên âm La tinh, nếu không được nói trước là thuốc kích thích dùng cho giá thì khó có thể biết đó là thuốc gì. Lọ thuốc có nước bên trong không màu, để lâu lợn gợn, khi bị vỡ, nước bốc hơi chỉ còn cặn trắng đục.

 

Vỏ thuốc không hề có nhãn mác bằng tiếng Việt.  


Hiện nay, tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong nông nghiệp, theo quy định tại thông tư số 24/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/04/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đó có thuốc điều hoà sinh trưởng gồm 49 hoạt chất với 118 tên thương phẩm.

 

Trao đổi với chúng tôi về loại thuốc kích thích tăng trưởng này, ông Vương Trường Giang - Trưởng phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN & PTNT) cho biết: “Hiện trên thị trường có thuốc điều hòa sinh trưởng với nhiều tên thương mại và hoạt chất khác nhau. Nếu hộp đó không có nhãn mác tiếng Việt chắc chắn là thuốc ngoài danh mục. Nếu thuốc điều hòa sinh trưởng có trong danh mục thì phải có nhãn mác, bằng tiếng Việt và không phải là thuốc trong danh mục thì không được phép sử dụng. Quy định thuốc trong danh mục khi bán ra thành phẩm phải ghi rõ thành phần, hoạt chất, tên, hướng dẫn sử dụng sử dụng cho đối tượng cây trồng nào”.

 

“Tác dụng của thuốc này là hút nước lên, điều hòa sinh trưởng kích thích để giá lớn hơn. Nếu tên thương mại chỉ có chữ SHS thì chúng tôi cũng không biết hoạt chất là gì”, ông Giang cho biết.

 

Với loại giá không có rễ mà vẫn sinh trưởng, ông Giang giải thích: “Rễ giá không có vì nó hút nước qua tế bào nên không cần rễ nữa. Bình thường, cây hút nước qua rễ nhưng giờ, ngâm giá ở trong nước và dùng thuốc thì tất cả các bộ phận đều hút nước”.

 

Nói về tác hại của loại thuốc này, ông Vương Trường Giang không khẳng định nó có hại hay không vì thuốc kích thích SHS này không ghi thành phần bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “Nếu dùng thuốc ngoài danh mục tức là vi phạm quy định pháp luật thì phải xử phạt”.





Bài, ảnh: Nguyễn Tâm


Bạn đánh giá thế nào về những thông tin trong bài? Bạn có cảm thấy lo lắng cho sức khoẻ của bản thân và gia đình? Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!
 

Bình luận
vtcnews.vn