BĐS phía tây Hà Nội: Giá rớt thê thảm "cò" đất run tay

Kinh tếChủ Nhật, 06/06/2010 06:05:00 +07:00

(VTC News) - Đất nông trường tại Ba Vì giảm từ 150 triệu/m mặt đường xuống còn 50 triệu, nhiều người mua phải phen “vỡ mật”, không ít kẻ “chết” vì đất.

(VTC News) - Sau những ngày “nổ lửa”, chao đảo, “cò” lộng hành, giá đất khu vực phía Tây Hà Nội giảm một cách chóng mặt. Không khí giao dịch mua bán "xìu như bong bóng xì hơi" là thực trạng đột biến trong vài ngày gần đây tại các cụm điểm “nóng” về bất động sản (BĐS) phía Tây Hà Nội.

“Cò” đất Ba Vì run tay

Trước đó, VTC News đã khảo sát thị trường BĐS tại Ba Vì. Không khí mua bán sôi sùng sục, giá đất thổ cư, có sổ đỏ “cắt cổ” lên tới 180 triêu đồng/m mặt đường. Nhiều người đầu cơ ôm ấp giấc mơ kiếm bộn tiền, mong ngóng giá sẽ bùng nổ, cao hơn nữa.

Nhưng ngay sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra việc đầu cơ “thổi” giá, giới “cò” đất Ba Vì dường như “chết” hẳn.  Các quán bia, quán nước, các tụ điểm ăn chơi tại trung tâm, gần trục đường chính đi qua bưu điện Xuân Khanh trước tấp nập, đông vui là thế, giờ yên ắng. Lác đác, lẻ tẻ vài ba người giữa trưa đi làm về tạt ngang để… tránh nắng.

Trên trục đường tiến vào Thác Đa, nếu như trước đó, đất nông trường được chào bán với giá 70 triệu đồng, sau hích dần lên tới 150 triệu đồng/m mặt đường; thì chỉ sau 2 - 3 ngày giá đất nông trường tại đây giảm xuống điên đảo chỉ còn 50 triệu đồng/m mặt đường. Giá rẻ như vậy nhưng việc bán cũng chật vật, khó khăn vì nhiều người e ngại tình trạng giá đất loại này còn “bèo” hơn nữa là hiện thực không quá xa vời.
 
Anh Vũ Tuấn B, một người dân địa phương cho biết: Ngày trước, hàng ngày, lũ lượt xe ô tô đi qua đây để khảo sát, giao dịch buôn bán, giờ thị trường chững lại họa huằn lắm mới thấy một xe. Nhiều người không có tiền nhưng lại thích làm ông chủ, vay vốn ngân hàng để đầu tư, chạy theo phong trào, không nắm bắt được tình hình, giờ thì ngắc ngoải, đất không bán được, nợ ngân hàng phải è cổ để trả lãi.

Cũng theo anh Tuấn B: “Giới đầu tư đất ở Hà Nội  mua vào rồi tự nâng giá đất, giả vờ đẩy đất lên cao, chứ dân mình thì làm gì có tiền mà mua. Giống như một phương thức “cò”, mua một mảnh đất một ngày có thể thay tên mấy ông chủ”.

Anh B. giải thích: Cùng một ông chủ đó đứng ra tổ chức thành một tập đoàn khoảng 10 người, đi mua một mảnh đất. Ban đầu, ví dụ người A mua với giá 150 triệu đồng/sào, sau đó người A bán cho  bà  C từ 150 lên 180 triệu, bà C lại bán cho ông B (cùng hội) lên 220 triệu đồng/sào. Cuộc mua bán công khai trước mặt dân để dân nhìn thấy, tạo nên cơn sốt ảo.

Anh Đỗ Đức Phong (nhà ở Hà Đông, chuyên kinh doanh BĐS), khuôn mặt rầu rĩ than thở: “Mình giữ trong tay 2 hai lô đất nông nghiệp ở Ba Vì, mỗi mảnh cũng ngót 3 tỉ đồng, giờ nếu ai hỏi mua, lỗ 200 – 300 triệu, tôi cũng bán”.

Đối với đất thổ cư, cách đây 20 ngày, giai đoạn “nổ lửa”,  giá leo thang, chao đảo nhưng thời điểm này đã ổn định hơn. Giới “cò” đất ở Ba Vì hoạt động khá “im hơi lặng tiếng”. Người mua và người bán trực tiếp giao dịch với nhau, giá đất gần như là giá đích thực, không trượt giá bồng bềnh như trước.

Mức giá trung bình khá tại xã Thụy An (Ba Vì) gần hồ du lịch suối Hai rơi vào khoảng 250 triệu đồng/sào. Các khu vực lân cận giá xê dịch không đáng kể.

 Tại Ba Vì, biển quảng cáo "bán đất" được rao vặt ở khắp nơi, tuy nhiên không còn thu hút người mua như trước. (Ảnh chụp trên trục đường vào Thác Đa, Vân Hòa, Ba Vì, HN)

Trước câu hỏi về cơn sốt đất ở Ba Vì, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm không giấu nổi sự ngạc nhiên, băn khoăn: “Không hiểu sao lại sinh ra chuyện này”. Ông Liêm cho rằng: Đây không phải là những người kinh doanh đất theo nghĩa mua đất để phát triển công trình, làm dự án mà là những nhà đầu cơ, mua đất từ khi đất còn rất rẻ, sau đó tự mình làm giá.

Theo ông Liêm: Trong ngắn hạn thì việc phát triển đô thị vùng Ba Vì khó có thể làm cho giá đất đội lên như thời gian qua. Việc vào cuộc và đưa ra những kết luận của thanh tra ngành vừa qua như “một gáo nước lạnh” dội thẳng vào những người kinh doanh đất, khiến không ít người đầu tư theo xu hướng đám đông "té" ngửa.

Cũng theo  kết luận của đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Xây dựng, Công an, Tài nguyên Môi trường, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về tình hình thị trường BĐS tại Hà Nội thì khu vực phía Tây Hà Nội có mức tăng mạnh nhất. Cụ thể, các dự án khu vực quận Hà Đông, giá chuyển nhượng tăng trung bình 40% tại thời điểm chuyển nhượng tháng 5 so với tháng 12/2009. Thậm chí, một số khu đất nền thuộc các khu vực chưa có quy hoạch cũng tăng đến gấp đôi lên mức 8 – 12 triệu đồng/m2.

Theo nhận định đưa ra của đoàn thanh tra thì việc giá đất tại khu vực này bị đẩy lên cao có nguyên nhân là do những giao dịch ảo của giới đầu cơ sôi động trong 5 tháng qua.

Không mua, không bán

Đi tìm hiểu nguyên nhân của việc "bong bóng đất xì hơi", được biết khi các cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, chi cục thuế kiểm tra và kiên quyết không cho sang tên đổi chủ những trường hợp chưa đủ thủ tục, giấy tờ hợp pháp đã hạn chế được việc mua đi bán lại, làm thị trường BĐS bớt lộn xộn.

“Dạo trước ở khu nhà tôi có nhiều người hỏi mua đất lắm, nhưng khoảng 5 hôm nay thì không có. Không còn thấy những người lạ mặt, từ nơi khác đến, mắt lắc la lắc láo, hỏi hết nhà này đến nhà kia nữa” –  Nguyễn Thị Hải (cư ngụ tại An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) thật thà nói.

An Thượng có thể coi là nơi chịu tác động lớn của cơn sốt BĐS. Nhiều gia đình trong thôn giàu lên, có nhà lầu, xe hơi cũng nhờ bán đất. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, không khí giao dịch mua bán trùng xuống hẳn.

Theo ông Nguyễn Đình Sửu, Trưởng thôn xã An Thượng:
"Mức giá vẫn giữ nguyên (đất dịch vụ từ 16 – 18 triệu đồng/m2, đất thổ cư, đất thổ cư trên trục đường lớn khoảng 25 – 30 triệu đồng/m2, nếu vào sâu trong ngõ khoảng hơn 10 triệu đồng/m2), nhưng người mua ít ỏi".

Một bà bán nước dưới chân đê, trên con đường nhỏ đi vào thôn Đào Nguyên nói: “Đất sốt thì “loạn” làng. Những cò đất lượn lờ qua đây như cá cảnh. Nhưng giờ đất trùng, họ nằm im re, mở miệng ra là kêu chán”.

Khu vực Bắc An Khánh cuốn hút nhà đầu tư ngay khi còn đang ở bản vẽ. Vài tuần trước đây đất không có sổ hay chưa làm được sổ giá vẫn rất cao, thậm chí chồng tiền ra cũng không có đất mà mua, giá đất giao dịch thấp nhất rơi vào khoảng 45 triệu đồng/m2.

 Khu đô thị mới Nam An Khánh, một trong những nơi giá đất tăng chóng mặt những ngày trước đó.

Còn khu vực Đông Anh cũng nhộn nhịp hẳn lên kể từ khi khởi công cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng nối quận Tây Hồ. Cách đây 5 – 6 ngày, đất quanh cầu Nhật Tân giá tăng chóng mặt, từ 20 đến 60 triệu đồng/m2 tùy vị trí, đất Kim Chung cũng lên tới trên 30 triệu đồng đồng/m2, Vĩnh Ngọc từ 17 triệu đồng cũng lên tới 60 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người mua cũng rè chừng hơn với những mảnh đất mua đi, bán lại, giao dịch trên giấy tờ, không hợp pháp, hay việc kí nhận bằng “niềm tin” giữa hai bên.

Theo giới săn đất, khu vực yên ắng nhất lúc này có lẽ là quận Hoàng Mai như khu Định Công. Do sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn, đất ở đây đã chững lại hơn 1 năm nay. Cộng với tác động rất nhỏ của cơ quan chức năng đối với thị trường BĐS vào thời gian gần đây khiến cho khu đất này gần như “đóng cửa” hoàn toàn.

Một nhà đầu tư BĐS lâu năm là anh Trịnh Đức Anh (nhà ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Hiện có những khu đã cấp sổ vẫn sẽ bị thu hồi lại để kiểm tra. Dự án vành đai 3, song song khu đô thị Định Công, kéo dài từ Linh Đàm sang cầu Trường Chinh đang chờ để thi công khiến nhiều người không làm được sổ”.  Một số hộ gia đình đã có sổ đỏ, rao bán rộng rãi nhưng tâm lý sợ hãi khiến các chủ đầu tư không ai dám mua. Giá đất vẫn ở mức cũ từ cách đây hơn 1 năm, khoảng 14 – 23 triệu đồng/m2.

Anh Đức Anh kết luận: “Đất tại Hoàng Mai được đánh giá là không có giá trị kinh doanh vào thời điểm này”.

Còn ông  Phạm Sĩ Liêm nhận định: Đất phải đem lại lợi ích thì họ mới xông vào, việc người này bán, người kia mua với giá cao ngất ngưởng, mua đi bán lại không có giấy tờ là chuyện có thể xảy ra, không có gì lạ lùng.

Cũng theo ông Liêm, để kìm hãm giá đất, tránh việc đẩy giá đất Hà Nội lên cao, cần phải chú ý 2 điểm:

Thứ nhất, những người có đất dù mua đi bán lại với giá tương đối cao (tương đối cao so với đất nông nghiệp), và những người đầu cơ có đất làm dự án, lợi nhuận của họ rất lớn. Nếu nhà nước đánh thuế cao vào những trường hợp đó thì người mua đất sẽ phải dè chừng. “Anh sinh ra lợi nhuận, nhà nước bắt đóng thuế, giúp đỡ cho dân nghèo đó cũng là việc chính đáng” .

Thứ hai, theo luật của nhà nước ta, đất giao cho người nào, ai mua của ai đều gắn với một mục đích sử dụng nhất định. Ví dụ, tôi đang có đất nông nghiệp, anh mua đất của tôi thì anh không thể sử dụng với mục đích khác, ngoài nông nghiệp. Việc người dân đi mua của nhau, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng, từ đất nông nghiệp sang đất làm dự án chẳng hạn là vi phạm pháp luật.

Do đó, việc quản lý mục đích sử dụng đất chặt chẽ là một trong những biện pháp hữu ích giúp hạn chế việc mua bán trao tay.


Bài, ảnh: Tiểu Phương

Có ý kiến cho rằng: "Phần lớn giao dịch đất đai ở những vùng quy hoạch (khu vực Hà Tây cũ) chỉ là những giao dịch có tính chất “cầu” giả, tức là đầu cơ tích trữ, tự mua đi bán lại với nhau, thậm chí có hiện tượng bố trí những giao dịch giả để kích giá đất lên". Bạn nghĩ sao về điều này? Hãy gửi ý kiến phản hồi của bạn vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn