NTD Việt sẽ an tâm về chất lượng, ATVSTP thực phẩm

Kinh tếThứ Hai, 24/05/2010 11:05:00 +07:00

Chất lượng, ATVSTP các loại mặt hàng thịt, trứng, thủy sản, nông sản nhập khẩu cũng như sản xuất nội địa sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt.

Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các loại mặt hàng thịt, trứng, thủy sản, nông sản nhập khẩu cũng như sản xuất nội địa sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn tương đương EU và Mỹ. Quyết định này của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chuẩn bị được áp dụng.

Bước 1, từ ngày 1/7 áp dụng tiêu chuẩn mới đối với hàng nhập khẩu có nguồn gốc động vật (các loại thịt, trứng, thủy sản). Còn với nhóm hàng rau quả, thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 1/9.

Hàng ngoại: tiêu chuẩn ngoại

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, nhận định: các quy định  quản lý chất lượng, ATVSTP mới nghiêm ngặt hơn theo nguyên tắc kiểm soát từ gốc và theo chuỗi (kể cả tại nước xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam), sẽ giúp người tiêu dùng chắc chắn được hưởng các sản phẩm nhập khẩu với tiêu chuẩn chất lượng, ATVSTP tốt hơn.
 

Thực phẩm nhập khẩu sẽ được quản lý chặt hơn từ ngày 1/7. Ảnh: Lê Hưng. 
Theo ông Hào, căn cứ để xây dựng các chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép cũng như các quy trình, thủ tục kiểm tra là các bộ tiêu chuẩn của Ủy ban Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế)  và sẽ tương đương với quy định của EU và Mỹ, là những nước có tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát hàng hóa thực phẩm nhập khẩu khắt khe nhất thế giới hiện nay.

Theo đó, cơ quan chức năng của nước xuất khẩu hàng vào Việt Nam sẽ phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền trong nước tên các cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng được các điều kiện ATVSTP mà chúng ta quy định và chỉ những đơn vị này mới được phép xuất hàng vào Việt Nam. Ngoài ra, các lô hàng nhập phải kèm theo giấy chứng nhận ATVSTP do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Đối với những lô hàng vi phạm, ông Hào cho hay, ngoài việc buộc tái xuất hoặc tiêu hủy, Việt Nam sẽ đình chỉ nhập khẩu đối với các doanh nghiệp vi phạm hoặc quốc gia mà kết quả kiểm tra không đáp ứng đầy đủ quy định.

Động lực cho hàng nội

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu năng lực kiểm soát của các cơ quan chức năng đáp ứng đúng theo yêu cầu mới thì mối lo của người tiêu dùng phần nào được giảm bớt. Hiện, tại một số tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng đang được gấp rút thành lập, việc đầu tư máy móc trang thiết bị kiểm tra, xét nghiệm cũng sẽ được đẩy mạnh hơn.

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng Công ty Rau, quả nông sản Việt Nam, nhận định: các doanh nghiệp nhập khẩu bước đầu sẽ gặp chút khó khăn bởi chất lượng hàng nâng lên sẽ đồng nghĩa với giá cao hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, những khó khăn này sẽ dần chuyển sang vai chính các doanh nghiệp và người nông dân sản xuất nội địa. Theo lý giải của ông Thành, các loại rau, củ, quả của Trung Quốc năng suất luôn cao hơn dẫn đến giá rẻ hơn, nếu chất lượng chinh phục được người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ tạo ra sức ép đối với các loại rau, củ quả sản xuất trong nước.

Cùng chung nhận định này, ông Hào cho rằng, khi hàng nhập khẩu tốt hơn thì tất nhiên, hàng sản xuất nội địa cũng phải tốt hơn mới cạnh tranh được. “Do vậy, tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng áp dụng VietGAP, GAHP, GAqP, GMP… chính là cách để các doanh nghiệp và bà con nông dân biến sức ép thành lực đẩy, không để mất thị trường vào tay hàng ngoại”, ông Hào nói.

Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, riêng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng rau quả trong bốn tháng đầu năm khoảng 76 triệu USD. Đáng lo ngại là rau, củ, quả từ Trung Quốc chiếm tới hơn 60% thị phần trong khi, người tiêu dùng trong nước chưa khi nào yên tâm về chất lượng hàng hóa có nguồn gốc từ nước này. Ông Trịnh Công Toản, Chánh Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, cho biết, Việt Nam đang yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp tên các cơ sở sản xuất kinh doanh, bao gói xuất 5 loại hoa quả chủ lực sang Việt Nam để tiến hành việc theo dõi, giám sát.


Theo Báo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn