Hàng không "Hà Dũng" bị... mất tích?

Kinh tếThứ Sáu, 02/04/2010 07:34:00 +07:00

Nhiều đại lý của hãng hàng không Indochina Airlines phản ánh, khoảng ba tháng nay không thể liên lạc với hãng này để hoàn lại tiền vé.

Nhiều đại lý của hãng hàng không Indochina Airlines phản ánh, khoảng ba tháng nay không thể liên lạc với hãng này để hoàn lại tiền vé.

Đại lý truy tìm

Ông Lương Thế Vy, Giám đốc Công ty TNHH V Travel (797 Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM), than, Cuối tháng 10/2009, Indochina Airlines tạm ngừng bay nên một số khách hàng đã mua vé qua đại lý quay trở lại trả vé và đơn vị này phải hoàn lại tiền cho khách hàng. Theo quy định của Indochina Airlines, việc mua và hoàn trả vé đều thực hiện trên hệ thống online và ngay lập tức tiền sẽ chuyển vào tài khoản của các bên liên quan. Tuy nhiên, lần cuối cùng mà V Travel có thể hoàn trả vé qua mạng là ngày 6/1.

Trụ sở của hãng hàng không Indochina Airlines đặt tại tòa nhà văn phòng số 5 Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM không còn hoạt động từ ngày 15/3. 
Sau thời điểm này, hệ thống trên đã ngưng hoạt động. Tính đến nay, ICA còn nợ V Travel gần 25 triệu đồng. Cách đây hai ngày, dù công ty đã điện thoại nhiều lần cho ông Lê Hồng Phổ, Giám đốc điều hành của Indochina Airlines, nhưng vị này  không nghe máy.

Hàng loạt đại lý cũng không thể liên lạc với ICA để đề nghị trả lại tiền ký quỹ và tiền hoàn trả vé. Ông Hồ Quốc Long, Giám đốc Công ty TNHH Hồ Phi Long (322 Trần Hưng Đạo, quận 1), cho biết: “Hiện Indochina Airlines còn nợ công ty khoảng 20 triệu đồng. Tất cả cập nhật về tài chính giữa hãng và công ty trên trang web tài chính cũng... biến mất nên chúng tôi không thể truy cập để lấy thông tin”. Đại diện một đại lý lớn khác cũng cho hay, Indochina Airlines còn nợ đơn vị khoảng 100 triệu đồng.

Indochina Airlines có khoảng 50 đại lý trên toàn quốc. Nhiều đại lý cho rằng, khi Indochina Airlines ra đời, dù phí bán vé dành cho đại lý không cao bằng hãng khác nhưng các đại lý sẵn sàng ủng hộ vì hy vọng sẽ mang đến luồng sinh khí mới cho hàng không nội địa.

Nay Indochina Airlines khó khăn, các đại lý rất thông cảm nhưng nếu Indochina Airlines không thể trả nợ ngay thì cũng phải gặp mặt đại lý để chia sẻ những khó khăn và đưa ra hướng giải quyết. “Một năm sau trả nợ cũng được miễn Indochina Airlines cam kết trả và chủ động làm việc với chúng tôi”, bà Trần Thùy Trang, Trưởng Phòng vé Công ty TNHH thương mại Minh Thành Lộc (207/2, 3 Tháng 2, quận 10), nói.

Cho đến hôm qua, báo giới cũng không thể liên lạc với ông Lê Hồng Phổ. Văn phòng của hãng tại số 5 Đống Đa, quận Tân Bình (là tòa nhà văn phòng cho thuê) cũng đã bị Indochina Airlines trả lại mặt bằng và dời đi từ ngày 15/3. 

Nợ đối tác dịch vụ khoảng 70 tỷ đồng

Theo ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco), tính đến ngày ngừng bay (tháng 10/2009), ICA còn nợ Vinapco 20 tỷ đồng tiền nhiên liệu. Trước đó, số nợ lũy kế cao nhất có lúc lên đến 30 tỉ đồng.

Cũng từ tháng 10/2009, Vinapco liên tiếp hối thúc trả nợ nhưng Indochina Airlines không có khả năng thanh toán. Dọa kiện ra tòa, hãng vẫn tiếp tục khất lần và tổng giám đốc Hà Dũng nói: “Nếu anh kiện thì tôi chỉ còn cách hầu tòa chứ không có tiền trả”. Theo tìm hiểu của Vinapco, hiện Indochina Airlines còn nợ khoảng 70 tỷ đồng với các đối tác cung cấp dịch vụ mặt đất, suất ăn, nhiên liệu..., trong đó món nợ lớn nhất khoảng 40 tỷ đồng. Hiện nay, đơn đòi nợ gửi đến Indochina Airlines đều không có hồi âm, các chủ nợ cũng không biết hãng đã chuyển trụ sở đi đâu.

Trước đây, khi thấy Indochina Airlines “chây ỳ”, các chủ nợ gửi “trát” đến Cục Hàng không Việt Nam báo cáo để cơ quan này tác động. Nhưng sau khi Bộ Giao thông Vận tải có văn bản cho phép Cục Hàng không Việt Nam không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, kể cả đối với hoạt động cung cấp nhiên liệu, quan hệ thương mại giữa Indochina Airlines và các đối tác được thực hiện theo hợp đồng kinh tế giữa hai bên thì các chủ nợ... chào thua.

Vốn điều lệ chỉ còn vài tỷ đồng

Các chuyên gia am hiểu lĩnh vực hàng không cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, nếu Indochina Airlines không hoạt động được và làm thủ tục phá sản theo Luật Doanh nghiệp, tài sản theo vốn điều lệ sẽ được phát mãi để trả nợ cho các đối tác. Nhưng vốn điều lệ của ICA chỉ còn vài tỷ đồng thay vì 200 tỷ đồng như đã đăng ký. Trong trường hợp đó, các đối tác không có khả năng thu hồi nợ.







Theo Người Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn